Ngày Chiến thắng và người lính già
Trước tôi là một ông cụ 80 tuổi, có dáng người thấp đậm, khuôn mặt hiền từ, đi đứng khó khăn, bàn tay run rẩy vì chứng bệnh Parkinson, ánh mắt đã phủ bóng thời gian.
Thế nhưng, khi nhắc lại chuyện lính, chuyện chiến trường, những kỷ niệm về Ngày Chiến thắng 30/4/1975 ở Sài Gòn 50 năm trước đôi mắt ấy lại sáng lên. Trong ánh mắt ấy chất chứa những xúc cảm mà những người đối diện như tôi có thể cảm nhận rõ rệt.
|
Ông cười bảo: Già rồi, bệnh tật nhiều, không thể nhớ được hết, nhưng có rất nhiều cái không thể quên, vẫn chật căng trong ký ức.
Vậy trong những ngày tháng ấy, chú nhớ nhất điều gì? Tôi hỏi. “Nhiều thứ lắm, nhưng nhớ nhất là những lúc đồng đội hy sinh ngay trước mắt mình; khoảnh khắc nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh của chế độ Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện và bữa cơm hòa bình đầu tiên ngay trong đầu não của cảnh sát chế độ cũ”- ông nói.
Khi nhập ngũ, ông đang là sinh viên. Thế hệ của ông đều hiểu rất rõ, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta là cuộc chiến giữa một bên với sức mạnh quân sự hiện đại bậc nhất thế giới với một bên là ý chí quật cường, là khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, là truyền thống yêu nước nồng nàn được hun đúc trong mấy nghìn năm lịch sử.
Dù biết rằng cuộc chiến không cân sức nhưng trong trái tim những chàng trai trẻ luôn cháy bỏng khát khao cống hiến, vững chắc niềm tin chính nghĩa sẽ thắng bạo tàn, và quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, dù có phải hy sinh, như lời Bác Hồ “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
|
Rời ghế nhà trường, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, ông cùng đồng đội tiến thẳng vào mặt trận B2 Nam Bộ, chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 207- Quân khu 8, sau đó chuyển về Trung đoàn 24- Quân khu 8.
Trải qua bao trận đánh khốc liệt, với nhiều mất mát, hy sinh, đơn vị ông vinh dự được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đánh chiếm các mục tiêu cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y và Tổng Nha Cảnh sát Ngụy.
Sau hơn 4 tiếng chiến đấu, đến 9 giờ 30 phút ngày 30/4, đơn vị ông giải quyết 2 mục tiêu cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y, tiếp tục vận động tiến vào Tổng nha Cảnh sát Ngụy.
Khi đến mục tiêu, thật bất ngờ khi không gặp sự chống trả điên cuồng nữa, mà đang ở tư thế… chờ Quân giải phóng đến để đầu hàng. Khoảng 1.000 lính bỏ vũ khí, cởi sắc phục, giơ tay hàng, còn rối rít cảm ơn Cách mạng đã giải phóng cho họ.
Sau đó, đơn vị ông được giao nhiệm vụ ở lại bảo vệ an toàn tuyệt đối khu vực Tổng nha Cảnh sát Ngụy, vì đây là nơi lưu trữ nhiều tài liệu tuyệt mật, đặc biệt quan trọng.
Ông nhớ, sáng 30/4, trên đường quân ta tiến vào Sài Gòn, người dân đổ ra đường đông lắm, có người vẫy chào Quân giải phóng, có người còn níu bộ đội để ngắm, rồi nói “vậy mà tụi nó nói bên ta chỉ có mấy “chú địa phương” với vài ba cây súng lẹt đẹt. Ai ngờ lớn mạnh như vậy.
Có mẹ, có chị níu tay mấy cậu lính trẻ rồi tấm tắc: Coi, mấy em bộ đội trẻ măng, khỏe mạnh, dễ thương hết sức, đâu có dữ dằn, hung tợn như tụi nó tuyên truyền đâu. Sau đó, nhiều người sẵn sàng dẫn đường cho bộ đội ta.
Vài ngày đầu giải phóng, người dân còn e dè, nhưng rất nhanh chóng, sự thân thiện gần gũi, lễ phép, kỷ luật của chiến sĩ ta đã làm người dân yên tâm. Họ mời bộ đội về nhà ăn cơm, xin ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc; mấy cháu nhỏ còn đến nghe bộ đội hát và học các bài ca cách mạng.
Sáng 7/5/1975 diễn ra buổi lễ ra mắt của Ủy ban quân quản Sài Gòn-Gia Định (do Thượng tướng Trần Văn Trà làm Chủ tịch). 8 giờ sáng buổi lễ mới bắt đầu, nhưng từ nửa đêm, các tầng lớp nhân dân ở Sài Gòn đã đổ về Dinh Độc Lập. Ai cũng háo hức, phấn khởi lạ thường.
Ngay cả khi buổi lễ đã kết thúc, khối người dự mít tinh vẫn chưa tản đi, ai cũng muốn nán lại lâu hơn trong giờ phút ấy.
Trong câu chuyện, có những lúc ông cụ nghẹn ngào không nói nên lời. Ấy là khi ông nhớ về những đồng đội đã hy sinh trên các nẻo đường chiến đấu, hay ngã xuống ngay giờ chiến thắng.
“Những đồng đội của tôi đã ngã xuống ở độ tuổi đôi mươi. Những người lính may mắn được trở về đến bây giờ vẫn nguyên nỗi buồn đau trước sự hy sinh của bao đồng đội. Cảm ơn vì những hy sinh ấy, để chúng tôi và con cháu được sống trong hòa bình, hạnh phúc”- ông nói.
Có lẽ, những câu chuyện của người lính già chỉ là một mảnh ghép rất nhỏ trong bức tranh vĩ đại về Ngày Chiến thắng vĩ đại. Nhưng sẽ là thiếu hoàn hảo nếu không có những mảnh ghép nhỏ ấy.
Chỉ cần đọc qua lịch sử hình thành nên mảnh đất hình chữ S, sẽ thấy điều đặc biệt là phần lớn lịch sử gắn với các cuộc chiến tranh chống xâm lược. Để tồn tại như một quốc gia, người Việt đã chiến đấu ròng rã hàng nghìn năm trời, ngay trên mảnh đất của mình.
Chúng ta có rất nhiều bài học lịch sử cần ghi nhớ. Một trong những bài học lớn mà con cháu không chỉ phải nhớ mà cần thuộc làu, là mọi chiến thắng đều phải chịu rất nhiều mất mát, hy sinh.
Được sống trong một đất nước tự do, yên bình, ấm no là hạnh phúc lớn lao mà mỗi chúng ta nên trân trọng và gìn giữ!
Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, nhưng hơn ai hết, tuổi trẻ hôm nay phải tiên phong thực hiện việc gìn giữ và phát huy tối đa giá trị lịch sử của Ngày Chiến thắng 30/4 bất diệt.
Đặc biệt, trước bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, thế hệ trẻ cần trang bị cho mình một kiến thức chuyên môn phù hợp, nền tảng đạo đức tốt đẹp, kỹ năng sống và bản lĩnh chính trị vững vàng để có thể chủ động lập thân, lập nghiệp thành công, vươn lên trong cuộc sống.
Đó cũng là cách chúng ta kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4 một cách thiết thực nhất!
Hồng Lam