Nhiều trường học còn khó khăn về cơ sở vật chất
Mặc dù được Trung ương và chính quyền địa phương ưu tiên bố trí nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, nhưng hiện nay vẫn còn nhiều trường học trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học theo quy định; chính điều này đã gây khó khăn trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Năm học này, Trường Tiểu học-THCS Lý Tự Trọng (thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei) có trên 600 em học sinh. Toàn trường có 23 lớp học nhưng chỉ có 15 phòng học, dẫn đến việc dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả học sinh chưa thể thực hiện được. Học sinh tiểu học và học sinh THCS dùng chung phòng học nên rất khó khăn cho nhà trường trong việc bố trí bàn ghế phù hợp với độ tuổi học sinh; diện tích một số phòng học chưa đảm bảo tiêu chuẩn tối thiếu 1,5m2/học sinh theo Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, khu hiệu bộ của nhà trường chưa được đầu tư nên các hoạt động giao ban, sinh hoạt nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên rất khó thực hiện.
|
Thầy giáo Đặng Quốc Vũ- Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS Lý Tự Trọng chia sẻ: Hiện nay, cơ sở vật chất của trường không đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác dạy và học theo quy định; điều này có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đến thời điểm hiện tại, nhà trường còn thiếu 8 phòng học, 6 phòng bộ môn, nhà đa năng, thư viện, phòng truyền thống, nhà hiệu bộ. Chính vì vậy, cán bộ, giáo viên nhà trường rất mong được các cấp quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất để đáp ứng tốt nhu cầu của giáo viên và học sinh toàn trường.
Tương tự, Trường THCS xã Đăk La, huyện Đăk Hà cũng bị thiếu phòng học, việc dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh chưa thể triển khai thực hiện. Các lớp bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh phải diễn ra tại phòng họp của giáo viên. Nhà trường phải dùng phòng tạm để bố trí nơi đọc sách cho học sinh và nơi nghỉ ngơi cho giáo viên giữa các tiết học. Ngoài ra, nhà trường còn thiếu một số phòng bộ môn như Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật.
Theo số liệu của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, mỗi năm, nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục không nhỏ. Riêng năm học 2022-2023, toàn tỉnh đã huy động trên 285,279 tỷ đồng để xây mới 106 phòng học, 38 phòng học bộ môn, 42 công trình vệ sinh nước sạch, 20 phòng ở cho học sinh, 7 khu hành chính quản trị; xây mới 11 nhà ăn, nhà bếp, 15 cổng, tường rào; cải tạo, sửa chữa 320 phòng học, 18 phòng học bộ môn, 36 công trình vệ sinh nước sạch, 27 phòng ở cho học sinh, 7 khu hành chính quản trị, 24 cổng, tường rào; bổ sung 24 phòng máy vi tính, 125 tivi, 2.400 bộ bàn ghế và các thiết bị dạy học khác.
|
Tuy nhiên, trong thực tế nguồn kinh phí nêu trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại tất cả các trường học. Theo thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, toàn tỉnh hiện còn thiếu 235 phòng học ở bậc mầm non; bậc tiểu học còn thiếu 341 phòng học, 63 thư viện, 14 phòng đa chức năng, 36 phòng thiết bị giáo dục, 524 phòng học bộ môn; bậc THCS thiếu 190 phòng học, 43 thư viện, 91 phòng đa chức năng, 82 phòng thiết bị giáo dục, 625 phòng học bộ môn và ở bậc THPT thiếu 25 phòng học, 3 thư viện, 19 phòng đa chức năng, 12 phòng thiết bị giáo dục, 163 phòng học bộ môn. Việc thiếu cơ sở vật chất không chỉ diễn ra ở những vùng khó khăn mà ngay cả ở vùng thuận lợi; nguyên nhân chủ yếu do nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế trong khi công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Bà Phạm Thị Trung- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, tuy nhiên các trường đã có nhiều giải pháp linh hoạt để thực hiện tốt công tác dạy học, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm học. Trong thời gian đến, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp quan tâm đầu tư cho giáo dục; ưu tiên đầu tư phòng học, trang thiết bị dạy học, công trình vệ sinh nước sạch, nhà ở bán trú cho học sinh và các thiết bị dạy học khác. Bên cạnh đó, ngành sẽ tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, huy động tốt nguồn lực của các tổ chức, nhà hảo tâm để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục, góp phần đáp ứng việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong tình hình mới.
Tấn Lộc