Lặng lẽ sợi nan
Lần gặp nghệ nhân A Đêng, ở thôn 6 (làng Kon Triang, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà) tại lễ ra mắt các sản phẩm đặc trưng của huyện, tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những chiếc nỏ, cái nia, chiếc gùi… do ông làm ra.
Đã qua 75 mùa rẫy, song ông A Đêng vẫn còn khá mạnh khỏe, tinh anh so với người già cùng tuổi ở làng Kon Triang.
Để đan lát, ông A Đêng phải tự mình vào rừng kiếm tìm từng cây lồ ô, xăm lũ, dây mây. Nguyên liệu lấy về được ông xử lý rất kỹ. Trong đó, lồ ô, xăm lũ được phơi khô, song không phải phơi ngoài nắng to, mà chỉ nhờ gió hong dần, đến lúc đã khô, vẫn còn nguyên ống. Riêng dây mây thì sau khi lấy ở rừng về được ngâm nước, chuốt sạch vỏ ngoài, sau đó gác trên sàn bếp.
Từ khi biết đan lát (15-16 tuổi) đến giờ, chiếc gùi vẫn là sản phẩm được ông A Đêng yêu thích nhất. Từ những chiếc gùi thưa để đựng củi, chiếc gùi nhỏ đơn giản để đựng rau, đựng cá, đến những chiếc gùi lớn, gùi đẹp để cất đồ dùng, vật dụng và cả những chiếc gùi dẹp dành cho nam giới được ông làm ra đều được mọi người ưa dùng, yêu thích.
Gùi dày, đẹp, đế vuông hay đế tròn đều thường đan “nan đôi”, “nan ba”. Từng đường nan đều đặn, khít vào nhau, đến chút ánh sáng cũng không thể rọi qua. Ấy là nhờ “tài” của người nghệ nhân đan lát.
|
Gần cả cuộc đời gắn bó với sợi nan, cọng lạt, ông A Đêng vẫn không quên những ngày ông mới tập tành vào nghề. Đan lát vốn là công việc gia đình của người đàn ông Xơ Đăng, song chỉ có những ai yêu thích, say mê thì mới gắn bó lâu dài với nó. Việc đan lát tưởng đơn giản, song không hề dễ, đòi hỏi trước hết ở tính kiên trì, nhẫn nại, sự cẩn thận, khéo léo. Nếu không yêu thích, không say mê công việc thì không thể làm được.
Ông cũng không quên những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Vừa tham gia du kích chống càn, giữ làng, ông và một số anh em “thạo nghề” vừa tập trung đan lát làm đồ dùng, vật dụng hằng ngày. Trong đó, không thể không kể đến những chiếc gùi chắc bền luôn “gánh sứ mệnh” vận chuyển lúa, gạo, mì, bắp phục vụ bộ đội, cán bộ vùng căn cứ. Tuy vậy, đan lát trong thời kỳ chiến tranh cũng chỉ là công việc “dã chiến” cần kíp. Đất nước thống nhất, người dân có cuộc sống hòa bình, nghề đan lát thủ công của người Xơ Đăng mới có cơ hội mở mang.
“Làng này, xã này chỉ có A Đêng là đan giỏi nhất, hay nhất. Trước đây, mình biết sơ sơ thôi, giờ muốn đan đẹp, vẫn phải học ông đó. Ổng có nhiều kinh nghiệm, chỉ bảo lại cho anh em trong tổ hợp tác đan lát…” - Ông U Đé, người làng Kon Triang nói.
Tổ hợp tác đan lát của xã Đăk Ui được thành lập nhằm tập hợp các nghệ nhân đan lát tre nứa khôi phục một nghề truyền thống và mong muốn tạo ra sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bước đầu, tổ đã tập hợp, giới thiệu các sản phẩm phục vụ sinh hoạt hằng ngày như rổ, rá, nia, sàng... Bước đầu, các thành viên tổ hợp tác cũng mày mò chế tác thêm một số sản phẩm có thể làm hàng lưu niệm như mô hình nhà rông, nỏ, gùi các loại… Tuy vậy, theo tổ trưởng tổ hợp tác A Đêng, sản phẩm đan lát được làm ra đến giờ vẫn chủ yếu dùng trong gia đình và phục vụ bà con trong thôn, xã.
Điều đáng quan tâm nữa, ban đầu, danh sách đăng ký thành lập tổ hợp tác là 28 người, nhưng thực tế, thời gian qua, chỉ có khoảng hơn 10 người duy trì đan lát. Hầu hết thành viên trong tổ cũng đã lớn tuổi. Đó chính là điều nghệ nhân A Đêng còn băn khoăn, suy nghĩ.
Thanh Như