Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025
Sáng 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025. Đồng chí Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.
|
Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có đồng chí: Nguyễn Hữu Tháp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan.
Trong năm 2024, Bộ Tư pháp đã thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành đồng bộ, bám sát phương châm của Chính phủ: “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” vàvà đạt nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.
Về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Trong năm 2024, đã thông qua 28 luật tại các kỳ họp Quốc hội. Bộ cũng chủ trì xây dựng và trình Chính phủ thông qua 3 luật và 1 nghị quyết tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8. Các bộ, ngành đã xây dựng và ban hành 832 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), với 4.832 VBQPPL cấp tỉnh, 2.144 VBQPPL cấp huyện và 2.629 VBQPPL cấp xã.
Công tác thẩm định và kiểm tra VBQPPL tiếp tục nâng cao chất lượng, với 33 đề nghị xây dựng VBQPPL và 176 dự án, dự thảo VBQPPL được Bộ Tư pháp thẩm định. Các địa phương đã thẩm định 365 đề nghị xây dựng VBQPPL và 8.058 dự thảo VBQPPL.
Công tác tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và quản lý xử lý vi phạm hành chính được triển khai có trọng tâm, nổi bật là việc phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, đẩy mạnh công tác xây dựng và ban hành các văn bản quy định chi tiết.
Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các bộ, ngành đã tổ chức 566.479 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 55 triệu lượt người, tổ chức 10.239 cuộc thi thu hút hơn 14 triệu lượt người tham gia và phát hơn 46 triệu tài liệu tuyên truyền.
Công tác trợ giúp pháp lý đạt kết quả cao với 39.641 vụ việc thụ lý mới, trong đó 37.343 vụ việc đã hoàn thành, tăng 13% so với năm 2023. Công tác thi hành án dân sự ghi nhận tiến bộ rõ rệt khi hoàn thành 620.657 vụ việc (tăng 7,97%) và thu hồi hơn 116.531 tỷ đồng (tăng 30,33% so với cùng kỳ).
Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, với hơn 1,4 triệu trường hợp đăng ký khai sinh, 654.031 trường hợp khai tử và 616.475 trường hợp đăng ký kết hôn.
Năm 2024, Bộ Tư pháp đã thẩm định 40 điều ước quốc tế, góp ý 223 điều ước quốc tế, đồng thời tiếp nhận và chuyển giao 3.020 hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, cùng 1.215 hồ sơ từ cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Trong công tác chuyển đổi số, Bộ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào chỉ đạo, điều hành và cải cách thủ tục hành chính. Các dịch vụ công trực tuyến như khai sinh, khai tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID đã mang lại nhiều tiện ích, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo chuyên đề “Quán triệt, triển khai Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp”; báo cáo tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2024 và phát động phong trào thi đua năm 2025. Các đại biểu thống nhất 9 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện công tác tư pháp năm 2025, đồng thời thảo luận và góp ý kiến, đề xuất các giải pháp hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đáng kể mà ngành tư pháp đạt được trong năm 2024. Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò quyết định của công tác pháp luật đối với sự thịnh vượng của đất nước và bày tỏ sự đồng thuận với kế hoạch công tác của Bộ Tư pháp trong năm 2025.
Trong năm 2025, Bộ Tư pháp cần chủ động triển khai, tham mưu thể chế hóa đầy đủ và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt là công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp rà soát và điều chỉnh cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đồng thời triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức Bộ, ngành Tư pháp theo hướng tinh gọn, hiệu quả và phù hợp với các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương và Chính phủ.Cùng với đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số…
Y Đô