“Mệnh lệnh” của kỷ nguyên mới
Nếu không quyết liệt, kiên trì đổi mới, hoặc đổi mới “nhỏ giọt”; chương trình, sách giáo khoa đổi mới nhưng tư duy, phương pháp dạy và học vẫn cũ, thì sẽ bị tụt hậu. Vì vậy, kiên trì đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là mệnh lệnh của kỷ nguyên mới.
Ngày 4/11/2013 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI ban hành Nghị quyết số 29 về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Sau 10 năm triển khai, Nghị quyết 29 thực sự làm nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, góp phần đặc biệt quan trọng làm cho nền học vấn nước nhà hưng thịnh hơn.
Vì vậy, ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Kết luận số 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Với mục tiêu cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 91- KL/TW, ngày 4/12/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 182-KH/TU với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
|
Điểm lại quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, có thể thấy rất rõ bước chuyển mạnh mẽ ở lĩnh vực này.
Nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, ngành giáo dục đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ đổi mới.
Mạng lưới trường lớp từ cấp học mầm non, phổ thông đến chuyên nghiệp được củng cố, mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập và đào tạo của con em các DTTS trên địa bàn.
Chất lượng giáo dục ở các cấp học từng bước được nâng cao. Giáo dục ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn được chú trọng phát triển.
Công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi; 10/10 huyện, thành phố duy trì và nâng cao chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 9/10 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn về số lượng và đáp ứng về chất lượng. Hiện toàn tỉnh có 11.963 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó 100% cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo. Công tác nâng chuẩn trình độ đào tạo tiếp tục được quan tâm triển khai nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.
Phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất và đo lường sự tiến bộ của học sinh.
|
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cơ bản đã đi vào hoạt động ổn định. Công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông được đẩy mạnh, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề đạt 35,03%, đạt 100,09% so với kế hoạch năm 2024.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác đổi mới giáo dục của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các cấp học, giữa các địa bàn; chương trình, sách giáo khoa đổi mới nhưng tư duy, phương pháp dạy và học ở một số đơn vị vẫn cũ; tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả còn thiếu thực chất, mắc bệnh thành tích.
Cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đào tạo còn nhiều khó khăn, dẫn đến cơ sở vật chất-kỹ thuật thiếu đồng bộ, còn lạc hậu.
Vì vậy, tại Kế hoạch số 182-KH/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tiếp tục, kiên trì đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Phải xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân liên quan, thời gian triển khai, hoàn thành.
Kiên trì, đẩy mạnh đổi mới căn bản giáo dục chính là "mệnh lệnh” của kỷ nguyên mới. Vì chỉ khi đổi mới thành công mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực phục vụ kỷ nguyên vươn mình.
Sẽ có nhiều việc phải làm để thực hiện được “mệnh lệnh” ấy. Trước hết, cần đầu tư thỏa đáng, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; xóa phòng học tạm, đảm bảo 100% phòng học được xây dựng kiên cố.
Ưu tiên công tác phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm đội ngũ có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, có khả năng thích ứng với sự thay đổi; chủ động, tích cực tự học và tham gia bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và tận tụy với nghề.
Việc dạy và học phải được triển khai thiết thực, mang tính ứng dụng cao. Đổi mới phương pháp dạy theo hướng ứng dụng công nghệ, đảm bảo dạy chuẩn và học thực chất, tránh tình trạng dạy qua loa, học đối phó, học vì thành tích.
Tin rằng, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ tạo nên quyết tâm chính trị mạnh mẽ để hoàn thành mục tiêu.
Sông Côn