Khi trẻ nghiện game
Công bằng mà nói, con trẻ nghiện game là lỗi một phần ở ba mẹ. Ở thời đại công nghệ, giữa vô vàn xô bồ cạm bẫy, thay vì dạy con cách tránh, ứng phó, hướng trẻ đến với sách, với những thú giải trí lành mạnh bên ngoài đời thực như dạo công viên, đi nhà sách, du lịch, mua sắm... thì lại đẩy trẻ nghiêng về phía game.
Câu chuyện nghe được từ phòng Net. Kế bên tôi là một người đàn ông trung niên đang ngồi soạn thảo văn bản. Cạnh nữa là một cậu bé độ 11 tuổi. Người đàn ông hỏi: Sao con không ở nhà đọc truyện tranh Thần đồng đất Việt, cổ tích hay học bài mà ngồi đây chơi game đánh nhau máu me vậy? Cậu bé trả lời cộc lốc, mắt vẫn dán vào màn hình máy tính: Thôi, mấy cái đó không có gì hay ho. Chơi game thích hơn.
Không riêng người đàn ông trung niên mà ngay cả tôi cũng chưng hửng. Thực tế cho thấy, hiện nay trẻ con có xu hướng thích ngồi bên máy tính hơn là đọc sách hoặc đi ra ngoài kết bạn.
Game lôi cuốn hơn đọc sách
Câu chuyện Bộ Giáo dục và Đào tạo tạm dừng game Chinh phục vũ môn vào ngày 9/12/2016 khiến rất nhiều phụ huynh thở phào nhẹ nhõm. Đây là cuộc thi tổng hợp kiến thức dành cho học sinh THCS với hình thức thi trực tuyến, do Trung ương Đoàn khởi xướng và chủ trì tổ chức từ năm học 2014-2015 đến nay. Nhưng trong thời gian qua, game này không được phụ huynh đồng tình vì ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của con cái, khi mà tâm hồn non nớt của trẻ thơ bị game chi phối quá sớm.
Trước đó, ngày 8/12/2016, một phụ huynh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã gửi "tâm thư" tới Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, bày tỏ lo ngại về cuộc thi trực tuyến Chinh phục vũ môn đang tổ chức cho học sinh tham gia. Trong thư phụ huynh cho biết, con mình học lớp 5 đã chơi game dành cho học sinh cấp 2. Đặc biệt, game này còn yêu cầu nạp tiền bằng thẻ cào.
Vốn dĩ thường ngày con trẻ đã mê game rồi, sau mỗi giờ tan học, thay vì về nhà nghỉ ngơi, ăn uống, học bài, đọc sách thư giãn thì lại vội vàng chạy ra quán Net.
Q.H một học sinh lớp 10 cho rằng: Đọc sách chán lắm anh, toàn là chi chít chữ chóng cả mặt. Chơi game đã hơn dù rằng hơi phờ...
Theo như Q.H nói thì mọi ngày việc học đã làm cậu căng thẳng nên cần được giải trí.
Chuyện tìm đến game giải trí hầu như không riêng gì Q.H. Bạn K.T - học sinh một trường THPT lanh lợi nói: Em thích chơi đá bóng, nhưng vào sân thì phải thuê giá cao, mà không phải lúc nào rủ bạn bè cũng đồng ý. Nên em lên mạng chơi cho đỡ ghiền.
Nói về việc đọc sách, K.T cho biết rất lười, vì thời gian dành cho việc học đã quá nặng nề nên bạn không muốn “nhức đầu” thêm nữa.
Bà Mỹ Vân - một tiểu thương than phiền rằng: Thằng con tôi mở mắt ra là đi chơi game. Trưa tan học không về nhà mà la cà ở phòng Net. Có lần tôi mang roi ra dọa đánh mà cháu vẫn không chịu về…
Giữa năm 2015, Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và truyền thông công bố số liệu: Bình quân mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách và đọc 7,07 tờ báo trong một năm. Vào ngày 19/4/2016, tại ngày hội sách Việt Nam (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết, ở Việt Nam, trung bình một người dân đọc chỉ 4 cuốn/năm; trong đó, 2,8 cuốn là sách giáo khoa; 1,2 cuốn là sách khác.
Trong khi đó ở nhiều nước phát triển, đang phát triển, dù rằng công nghệ xứ họ vượt xa ta gấp bội nhưng họ lại có thú đọc sách truyền thống bất cứ nơi đâu. Đơn cử là ở Nhật Bản. Vào giữa năm 2016, thống kê của thư viện một trường tiểu học thuộc thành phố Nago - tỉnh Kianawa (Nhật Bản) cho thấy trung bình, một học sinh tiểu học Nhật Bản đọc gần 20 quyền sách/tháng. Một con số đáng nể. Nhìn lại ta, chua chát khi trẻ con chỉ ham chơi game, không màng đến sách, dù là truyện tranh...
Có vào quán Net mới hiểu được cái sự đam mê game, nhất là game online của con trẻ là như thế nào. Phần đông đều là những khách hàng dưới 18 tuổi. Thậm chí có nhiều bạn còn mang cả khăn quàng đỏ và đồng phục học sinh ngồi mải mê với những game đánh đấm, nhập vai như Võ lâm truyền kỳ, Kiếm thế, Audition, Con đường tơ lụa, Tam quốc chí...
Khói thuốc lá lan tỏa nghi ngút (mặc dù có máy lạnh), những câu chửi thề liên tục thốt ra, tiếng Anh lẫn tiếng Việt làm cho quán Net thêm phần hỗn tạp. Cơm, nước, mì gói được chủ quán phục vụ tận tình với giá không rẻ tí nào. Những ngày cuối tuần, được nghỉ học, nhiều bạn "ngồi đồng" từ sáng đến tối không chịu về nhà dùng cơm. Thậm chí ba mẹ réo gọi qua điện thoại, đến tận nơi kêu về cũng không thèm quan tâm…
Lỗi một phần ở phụ huynh
Công bằng mà nói, con trẻ nghiện game là lỗi một phần ở ba mẹ. Ở thời đại công nghệ, giữa vô vàn xô bồ cạm bẫy, thay vì dạy con cách tránh, ứng phó, hướng trẻ đến với sách, với những thú giải trí lành mạnh bên ngoài đời thực như dạo công viên, đi nhà sách, du lịch, mua sắm... thì lại đẩy trẻ nghiêng về phía game. Nhiều phụ huynh cho rằng cần cho trẻ làm quen với công nghệ sớm để tương lai trẻ sành sỏi tin học.
Đúng là công nghệ rất có ích cho cuộc sống, nhưng song song đó cũng có nhiều cạm bẫy. Vả lại tin học và game dù đều là công nghệ mà ra nhưng lại là hai phạm trù khác nhau. Như thầy Nguyễn Thanh Vũ tâm sự, học trò thầy, có em đánh văn bản Word rất lộng cộng, tính các hàm Excel nhớ trước quên sau dù đã làm quen với tin học ngay từ cấp 2. Nhưng game gì cũng biết, cũng am tường.
|
Không ít cha mẹ, do làm việc quần quật suốt ngày, không có thời gian chăm con nên cuối tuần trẻ nghỉ học, họ "gửi" vào quán Net. Nhìn những đứa trẻ chỉ mới lớp 4, lớp 5 đưa mắt lên màn hình máy tính chơi game khiến tôi cảm thấy ái ngại thay. Chúng rành rọt (tức đã chơi nhiều lần) cách bắn súng, nạp card, bắt bồ chia phe, chửi thề... Cũng từ việc cha mẹ xem quán Net trở thành nhà trẻ nên con cái không còn có cảm giác thích thú khi nghe cha mẹ đọc truyện cổ tích trước khi đi ngủ, ngồi xem sách cùng gia đình.
Hôm vừa rồi, vô tình gặp mấy đứa trẻ ở khu trọ say sưa cầm mấy quyển sách, báo mà tôi cảm thấy chạnh lòng. Đứa thì đọc báo Khăn Quàng Đỏ, em thì đọc sách tiếng Việt, lại có bé cầm quyển Tiếng Anh lớp 6 ngồi mê mẩn đọc đến nỗi quên cả thời gian.
Những hình ảnh này thật hiếm hoi giữa thời đại công nghệ. Nếu phụ huynh, nhà trường không quan tâm, giáo dục con cái đúng mực thì tương lai, những quyển sách truyền thống với những kiến thức vô cùng bổ ích sẽ ngủ yên trên kệ. Và những game online, offline sẽ thống trị, chế ngự nhiều thú vui lành mạnh khác của học trò.
Chưa có thống kê rõ ràng nào cho thấy hại và lợi ở game. Nhưng nếu lao vào những pha đánh đấm máu me, chém giết, thù hằn trên game thì ít nhiều tư tưởng của trẻ cũng bị ảnh hưởng ngoài đời thật. Đó là chưa nói, mải mê với game khiến trẻ lãng phí tiền bạc, thời gian, sức khỏe mà còn đánh rơi tuổi thơ hồn nhiên, sự nghiệp học vấn.
Vì vậy, ngoài phụ huynh và nhà trường quan tâm đến trẻ thì chính quyền địa phương cũng cần xử lý nghiêm những quán Net mở quá giờ quy định (sau 22h). Đồng thời xây nhiều sân chơi cộng đồng lành mạnh để kéo trẻ về với thế giới thực.
Nguyễn Hoàng Duy