Học nghề nhưng không “sống” được với nghề
Lớp học với mục đích vừa giúp bà con giữ lại nghề truyền thống đồng thời giúp người dân tự tạo việc làm, kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, điều đáng nói, sau khóa học, hầu hết các học viên không tự sống được với nghề.
Qua quá trình tư vấn nghề nghiệp, năm 2015, Phòng LĐTB&XH thành phố Kon Tum đã tổ chức 1 lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho 25 học viên ở xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum).
Tham gia lớp đào tạo nghề, các học viên được trang bị một số kiến thức về kỹ thuật dệt trơn, dệt hoa văn, cách sử dụng dụng cụ, nguyên, vật liệu dệt truyền thống, cách phối màu sắc, hoa văn; kỹ thuật se chỉ và phối màu sợi dọc theo họa tiết của người Ba Na.
Lớp học với mục đích vừa giúp bà con giữ lại nghề truyền thống đồng thời giúp người dân tự tạo việc làm, kiếm thêm thu nhập. Thế nhưng, điều đáng nói, sau khóa học, hầu hết các học viên không tự sống được với nghề.
Chị Y Blek, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ làng Kon Rờ Bàng 1 – một trong những học viên tham gia lớp học nghề thổ cẩm cho biết, sau khi học, chị cũng biết dệt cơ bản nhưng chị rất ít khi thực hành cũng như làm tại nhà.
|
“Tại làng có rất nhiều nghệ nhân dệt rất giỏi, các sản phẩm với họa tiết độc đáo, sắc sảo nhưng vẫn bán không được huống hồ gì sản phẩm mình làm ra. Bởi vậy mình chỉ học cho biết thôi chứ mình không làm” – chị Y Blek nói.
Có riêng gì chị Y Blek, hầu như các chị em trong làng, sau khi học về cũng xếp khung cửi cất vào một xó; hoặc nếu có thì cũng chỉ dệt… cho vui chứ không bán. Hỏi ra thì các chị nói rằng, một phần do tay nghề chưa thành thạo, dệt không đẹp như những nghệ nhân trong làng nên không làm.
Chị Y Blai – một trong những học viên nói rằng, các sản phẩm thổ cẩm làm khá lâu, phải 2-3 tuần đến cả tháng mới xong một tấm nhưng bán chỉ được vài ba trăm ngàn, không đủ tiền công. “Nhiều người làm nhưng rồi cũng không bán nên thôi, đi làm công, làm nông cho chắc” – chị Y Blai nói.
Hơn thế, sau khi học xong, một số chị muốn làm nhưng không có vốn để mua chỉ cũng như các dụng cụ cần thiết nên lại thôi. Chị Lê Thị Quyên – cán bộ LĐTB&XH xã Vinh Quang nói rằng, vì vấn đề đầu ra khó khăn, hơn thế người dân không có vốn để thực hiện nên sau khi học xong, ít người theo nghề.
“Thực chất đào tạo nghề này mới chỉ đạt được mục đích là giữ truyền thống thôi chứ chưa tạo được việc làm cho người dân, do đầu ra của sản phẩm còn nhiều khó khăn” – chị Quyên nói.
Năm 2016, Phòng LĐTB&XH thành phố tiếp tục mở một lớp truyền nghề dệt thổ cẩm cho 35 học viên tại xã Đăk Rơ Wa. Và cũng như xã Vinh Quang, sau khi học xong, rất ít học viên phát triển nghề này vì sản phẩm làm bằng tay, tốn nhiều thời gian nhưng giá thành thấp và đầu ra khó khăn. Nhiều người chỉ làm để tự phục vụ trong gia đình hoặc làm quà biếu cho người thân, bạn bè.
Trước tình trạng trên, bà Lê Thị Thanh Tùng – Phó trưởng Phòng LĐTB&XH thành phố Kon Tum nói rằng, để người lao động sau khi học nghề có thể tạo được thu nhập ổn định, sống được với nghề rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng để định hướng phát triển, tìm đầu ra cho sản phẩm.
“Những năm qua, thành phố chỉ đào tạo được nghề may dân dụng cũng như nghề dệt thổ cẩm nhưng chưa thực sự tạo được việc làm cho học viên sau khi đào tạo. Trong thời gian đến, đợi khi có dự án phát triển du lịch cộng đồng, Phòng sẽ tham mưu với UBND thành phố xây dựng 1 hợp tác xã dệt thổ cẩm, tổ chức trưng bày và bày bán các sản phẩm thổ cẩm tại địa điểm du lịch, tạo đầu ra cho sản phẩm” – bà Tùng cho biết.
Tuy nhiên, bà cũng nói rằng, đó là một trong những việc không hề dễ dàng, cần thời gian cũng như sự chung tay, vào cuộc của các ngành chức năng cũng như của người học mới có thể thực hiện được.
Bình An