Nan giải đào tạo nghề phi nông nghiệp
Đào tạo nghề phi nông nghiệp được xem là bước ngoặt, mở ra những cơ hội nghề nghiệp mới, góp phần giải bài toán tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Thế nhưng, việc đào tạo nghề phi nông nghiệp vẫn gặp khó khăn cả về lượng và chất, còn nhiều “nút thắt” chưa được tháo gỡ.
“Có thầy vắng trò”
5 năm trở lại đây, huyện Sa Thầy chỉ tổ chức được một lớp đào tạo vận hành sửa chữa máy móc nông nghiệp cho 28 học viên tại xã Ya Xiêr vào năm 2014. Lớp học mở ra theo nhu cầu của người học nhưng rơi vào tình trạng “có thầy vắng trò”.
Theo ông Lê Văn Phúc – Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Sa Thầy, thoạt đầu, qua quá trình tuyên truyền, tư vấn nghề, toàn xã Ya Xiêr có 28 học viên đăng kí học. Thế nhưng, sau một thời gian, số lượng học viên cứ rơi rớt dần, đến cuối chỉ còn 9 học viên học và được nhận chứng chỉ.
“Người dân nơi đây theo học tùy hứng, hôm nào ưng thì họ đi, không thích thì họ nghỉ để đi làm rẫy, làm ruộng; hơn nữa, không có chế tài nào để buộc đi học nên rất khó để duy trì” – ông Phúc cho hay.
Quả vậy, gặp anh A Cử - một trong những người đăng kí học, anh cho biết, sau khi đăng kí đi học, chỉ được một vài ngày, thấy không còn hứng thú với việc học cũng như bận việc nhà nên anh đã nghỉ ngang.
“Đi học mất 1 ngày công, hơn nữa học rồi mình cũng không áp dụng được nhiều vào đời sống thường ngày nên mình nghỉ ở nhà đi làm rẫy thôi” – anh Cử nói.
Không chỉ riêng huyện Sa Thầy gặp khó mà ở huyện Kon Rẫy, việc đào tạo nghề phi nông nghiệp cũng là một trong những vấn đề nan giải. Trong năm 2016, huyện thực hiện đào tạo cho 227 lao động, trong đó có 192 người tham gia học nghề nông nghiệp và chỉ có 35 người theo học nghề nề hoàn thiện. Và cũng như những nơi khác, số lượng học viên cứ giảm dần.
Ông Huỳnh Minh Chương – Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy cho rằng, nghề phi nông nghiệp đòi hỏi người dân phải có nhận thức cao hơn để ghi nhớ những kiến thức cũng như cách sửa chữa các loại máy móc, thiết bị nhưng phần lớn người dân trên địa bàn huyện là lao động nông nghiệp, ảnh hưởng của tập quán sản xuất, tâm lý ít muốn thay đổi, ngại tiếp thu cái mới, nên không hay chọn nghề phi nông nghiệp để học.
“Số người học đã ít, trong quá trình học, vì công việc đồng áng hoặc ngại đường sá xa xôi lại bỏ ngang, không chịu học nữa. Đây cũng là một trong những bất cập” – ông Chương cho hay.
Tại thành phố Kon Tum, một trong những địa bàn thuận lợi về đường sá đi lại cũng như có các doanh nghiệp – cơ hội việc làm cao hơn nhưng việc đào tạo nghề phi nông nghiệp trên địa bàn cũng gặp nhiều khó khăn.
Bà Lê Thị Thanh Tùng - Phó trưởng Phòng LĐTB&XH thành phố cho biết, trong 5 năm trở lại đây, thành phố chỉ mở được một vài lớp dạy nghề may và nghề dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, các học viên cũng không mặn mà và bỏ học giữa chừng. Và với số lượng học viên quá ít nên cũng không thể đăng kí đào tạo.
Khó khăn về việc làm
Sau 4 tháng theo học, anh A Lưng ở làng O, xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy đã được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề vận hành sửa chữa máy nông nghiệp. Sau khi học, mỗi lần chiếc máy cày tay ở nhà bị hư, anh liền tự sửa.
“Ngày trước, mỗi khi máy hư, mình phải chạy về kêu thợ đến sửa, mất nhiều tiền lắm. Nay, nếu hư bên ngoài thì mình cũng biết sửa sơ sơ rồi, cũng đỡ hơn nhiều” – anh A Lưng cho hay.
|
Nhưng anh A Lưng nói rằng, học thì học nhưng anh cũng chỉ “bắt bệnh” và sửa được sơ sơ bên ngoài. Nếu máy hư bên trong là anh “bó tay”, không dám đụng vào. Chính vì tay nghề còn rất yếu nên anh Lưng không nghĩ đến việc mở tiệm sửa máy móc hoặc “hành nghề” để kiếm sống.
Không chỉ anh A Lưng, sau khi học nghề, anh A Hiếp ở làng Trang cũng chỉ dừng lại ở cấp độ tự mày mò, sửa chữa sơ sơ các loại máy móc trong nhà chứ không thể mở tiệm hay làm nghề. Còn 6 học viên khác, dù có chứng chỉ nhưng rất ít khi áp dụng được kiến thức vào việc sửa chữa máy móc.
Không chỉ thế, tại thành phố Kon Tum, cách đây 2 năm, trong quá trình đào tạo nghề may, Phòng LĐTB&XH thành phố có gắn kết với Xí nghiệp may Kon Tum để tạo việc làm cho người lao động sau khi học xong. Thế nhưng, vì tâm lý ngại đi làm xa, không quen với tác phong công nghiệp nên học viên lại xếp nghề may sang một bên và quay lại với nghề nông.
Tại huyện Kon Rẫy cũng vậy, sau lớp đào tạo thợ nề, ngoài một số học viên biết phối hợp với nhau thành 1 đội thợ nề, đi nhận xây dựng các công trình đường, nhà cửa để có thêm thu nhập và cải thiện đời sống thì nhiều học viên khác gần như… xếp nghề sang một bên để tiếp tục làm nông nghiệp.
Đào tạo nghề phi nông nghiệp đã khó và việc tạo việc làm sau khi đào tạo nghề còn khó gấp bội. “Đào tạo nghề phi nông nghiệp không theo cấp độ, hơn thế chỉ đào tạo vài ba tháng nên tay nghề của học viên không thể cứng cáp được. Hơn thế, trên địa bàn tỉnh, đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhu cầu tuyển dụng ít nên vấn đề giải quyết việc làm cho người dân sau đào tạo rất khó. Muốn tự tạo được việc làm cho bản thân, đòi hỏi người học phải nỗ lực tìm tòi, chịu khó học hỏi thêm” – ông Nguyễn Văn Quyền - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH cho biết.
Trước những khó khăn cả lượng và chất như đã nói, trước mắt, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn tiếp tục là một bài toán khó…
Hoài Tiến