“Học đi cho mẹ nhờ”
Trong lúc mẹ và mấy cô, bác hàng xóm đang nói chuyện, thấy cu con hết chạy lăng xăng, lại đến dán mắt vào màn hình ti vi, cô hàng xóm liền bảo: Thôi thôi, đừng ham chơi, hóng hớt chuyện người lớn nữa, con vào lấy sách vở mà học đi cho mẹ nhờ. “Học đi cho mẹ nhờ”, cụm từ mà cô hàng xóm vẫn nhắc tới mỗi khi thúc giục cậu con trai hết hè này là lên lớp 6 học bài.
Có lần, tôi đã thắc mắc, học là học cho con, chứ sao lại học cho mẹ nhờ. Mẹ nhờ con chuyện gì đó chứ sao phải nhờ con học cho mẹ. Nói miết vậy cu con nghe thành quen, cứ nghĩ mình học bài chăm chỉ, điểm thi cao, học hành giỏi giang không phải để cho chính mình được tiếp nhận tri thức mới, được nâng cao hiểu biết, mà là học giúp cho mẹ. Lâu dần cu con sẽ không tự giác, trách nhiệm với chính mình, không chỉ riêng trong việc học đấy.
Nghe vậy cô hàng xóm cũng gật gù xác nhận, đúng đó chị. Nhưng nhiều khi thấy con chểnh mảng học hành quá, nói nhỏ có, nói to có chẳng ăn thua, em phải theo sát nhắc nhở con học mà cứ như nhờ vả, xin xỏ vậy. Sắp tới trước khi bước vào năm học mới, ở trường con em sẽ tổ chức thi xếp lớp 6, em nhắc cháu học bài ít bữa còn thi, rồi chuẩn bị bài vở cho năm học mới mà cháu mải chơi, suốt ngày chỉ biết ôm ti vi. Đành nói vậy cho tăng độ tha thiết đấy chị.
Câu nói cửa miệng như để động viên, nhắc nhở con học hành này có lẽ chẳng phải là của riêng cô hàng xóm. Còn không ít phụ huynh khác nữa, đặc biệt là những người mẹ vốn hay chăm bẵm, gần gũi, chiều chuộng con cái từ bé, vẫn nói câu đó khi nhắc nhở những đứa con nghịch ngợm, lười biếng học hành.
|
Có phải là “học cho mẹ nhờ” không? Chắc hẳn là không. Học trước hết là cho chính con, có thêm kiến thức, có thêm hiểu biết để nhận thức đúng và dần đi đến những hành động đúng. Còn mẹ có được “nhờ”, chính là niềm vui, niềm hạnh phúc khi con học hành giỏi giang, ngoan ngoãn mang lại.
Điều đáng nói là con trẻ mãi cứ nghe mẹ cha nhắc nhở, chịu khó mà “học đi cho mẹ” cũng nghĩ là học cho mẹ, cho cha thật. Trong khi các hoạt động vui chơi bao giờ cũng vui vẻ, thoải mái thì học tập đòi hỏi sự kiên trì, dành nhiều thời gian, nên con trẻ khi chưa ý thức được việc học, chưa ý thức trách nhiệm về mọi việc của chính mình, vẫn nghĩ học để cho mẹ, cho cha và cả phụ giúp làm việc nhà cũng cho mẹ, cho cha chứ không phải là trách nhiệm của mình nên lơ đãng, ham chơi, qua loa, đối phó là điều dễ hiểu.
Thấy cu con cứ ham chơi, mẹ cha có thúc giục “học đi cho mẹ nhờ”, “học đi cho cha nhờ” rồi cũng thế, nên kỳ nghỉ hè năm nay, cô hàng xóm đã sắp xếp cho con đủ các lớp học thêm. Mà chẳng riêng cô hàng xóm, biết bao nhiêu bậc cha mẹ khác cũng vậy, phải đi làm suốt ngày, ông bà nội ngoại đều ở xa chẳng có ai để vui vầy, gửi gắm, không nỡ để con ở nhà một mình suốt ngày chỉ biết dán mắt vào ti vi, khó mà kiểm soát nổi các con xem gì, làm gì, thôi thì đăng ký cho con hết học thể thao để rèn luyện sức khỏe, lại chuyển sang học thêm một số môn của chương trình năm học mới.
Nói thêm về chuyện cho con học thêm trong hè. Cũng có lắm ý kiến khác nhau, người thì cho rằng như vậy mất hết tuổi thơ của con, người thì nghĩ không lẽ chơi suốt cả mấy tháng hè quên hết cả chữ nghĩa, cho con đi học thêm không bổ ngang cũng bổ dọc. Đúng là trong mỗi câu chuyện luôn có nhiều luồng ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Nhưng, quả thực, trong điều kiện như nhà cô hàng xóm, không thể nhốt con suốt ngày trong bốn bức tường chỉ biết làm bạn với chiếc ti vi, cũng không thể yên tâm nếu để con còn nhỏ lông bông, tự do đi chơi chỗ nọ chỗ kia thiếu an toàn, nên cho con đi học thêm lớp thể thao rèn luyện sức khỏe và học thêm một số môn học là sự lựa chọn hợp lý.
Nhưng, cho con học thêm trong hè, học thêm trong năm học hay tự học gì cũng vậy, các bâc làm cha, làm mẹ cũng cần thay đổi cách nhắc nhở, chăm chút con, để con dần chuyển từ “học đi cho mẹ nhờ” sang “học đi cho con nhờ”.
Vẫn biết mọi chuyện sẽ khó vô cùng, vì vui chơi bao giờ cũng dễ dàng, thoải mái hơn khổ luyện học tập và mỗi đứa trẻ đều có sự khác biệt, có những giá trị riêng. Nhưng, nếu được các bậc làm cha làm mẹ tôn trọng, động viên, khích lệ, tạo động lực học tập, ý thức được trách nhiệm bản thân, lâu dần con trẻ cũng sẽ hiểu, học để làm gì và học cho ai để mà cố gắng.
Nguyên Phúc