Hò hẹn Ngọc Hồi
Tên gọi “Ngọc Hồi” theo từ gốc Xơ Đăng, hàm ý nói đến sự “hội tụ” của các ngọn núi, sự “hòa hợp” của con người ở vùng ngã ba biên giới này- nơi được mệnh danh “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”.
Từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước người dân khắp các tỉnh thành trong cả nước tìm về vùng đất này làm kinh tế mới. Những người con từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; từ quê lúa Thái Bình, xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Mường Hoà Bình… vào lập làng, lập thôn và cùng người DTTS nơi đây xây dựng nên một Ngọc Hồi sống động ngày nay. “Điều gì làm Ngọc Hồi lôi cuốn thế?”. Lý giải về vấn đề này, ông A Nhoi - nguyên Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hồi; nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh giải thích: Để có được sự thịnh vượng của Ngọc Hồi hôm nay, kể từ khi thành lập, các thế hệ lãnh đạo của huyện Ngọc Hồi biết tận dụng tốt hơn các cơ hội, phát huy tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, khơi dậy trong nhân dân niềm tin, khát vọng về một Ngọc Hồi phát triển và thịnh vượng để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong dựng xây, phát triển.
Trong quá trình đi lên đó, người dân huyện Ngọc Hồi phải đối mặt với những thách thức, khó khăn, có khi phải đánh đổi bằng máu và nước mắt. Nếu đi từ thị trấn Plei Kần lên cửa khẩu Bờ Y, dọc theo Quốc lộ 40 sẽ qua những địa danh nổi tiếng như đường mòn Hồ Chí Minh, Dốc Muối... Chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến những tàn tích chiến tranh của một vùng “đất chết" vẫn còn sót lại ở nơi đây với những tên đất gợi “tang thương của một thời khói lửa, đạn bom”, khi mà mỗi hecta đất vùng này gánh trên mình hàng tấn bom đạn trong chiến tranh.
|
Hôm nay, bằng chính sức lực, sự bền bỉ cần cù của người dân Ngọc Hồi, những hố bom xưa đã được phủ màu xanh của những cánh rừng cà phê, cao su ngút mắt, Ngọc Hồi đang vươn mình trở thành đô thị nơi biên giới.
Hiện tại, huyện Ngọc Hồi có 17 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, phong phú và rất đa dạng. Cộng đồng các dân tộc trong huyện có mối quan hệ giao hòa, đoàn kết, tôn trọng phong tục tập quán của nhau và chấp hành tốt chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ kể từ khi thành lập huyện (1991) đến nay, Ngọc Hồi bước đầu tạo dựng cho mình một vóc dáng đô thị Plei Kần đầy tiềm năng, với sự phát triển đồng bộ trên mọi lĩnh vực. Là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống cung cấp điện, bưu chính viễn thông, nhà hàng, khách sạn và dịch vụ y tế… tương đối tốt; là nguồn lực quan trọng để phát huy tiềm năng cho việc phát triển du lịch của huyện. Và trong hành trình đó, một “điểm nhấn” mà chúng ta không thể không nhắc đến, bởi nó là “đường băng” để góp phần đưa thị trấn Plei Kần nói riêng, huyện Ngọc Hồi “cất cánh” tạo nên bộ mặt đô thị nơi ngã ba biên giới, đó là ngày 02/02/2015 thị trấn Plei Kần mở rộng được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV tại Quyết định số 129/QĐ-BXD.
Cùng với những nỗ lực cải cách hành chính để tạo đà phát triển kinh tế- xã hội, trong các năm qua, huyện Ngọc Hồi thu hút được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư vào địa bàn. Ngoài 45 doanh nghiệp đầu tư 54 dự án tại khu kinh tế này, với tổng mức vốn đăng ký hơn 1.238 tỷ đồng (tính trong giai đoạn 2015-2019). Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, có hơn 17 tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu cơ hội, khảo sát đầu tư, trong đó có 15 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đi lên từ điểm tựa lịch sử, truyền thống quý giá, mảnh đất và con người Ngọc Hồi hôm nay đang là nơi gặp gỡ, giao thương, hò hẹn cho các nhà đầu tư hay khách du lịch. Đến đây, du khách còn thể hiện tình cảm đối với non sông đất nước và thưởng ngoạn cảnh sinh hoạt, giao thương với các nước láng giềng, khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư hay tham quan di tích lịch sử như Di tích Chiến thắng Plei Kần, Di tích lịch sử Đăk Seang, thăm Cột mốc ba biên, cửa khẩu quốc tế Bờ Y... để tìm hiểu vùng biên, nơi thấm đẫm biết bao mồ hôi, xương máu của tiền nhân trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc; thưởng thức không gian văn hóa cồng chiêng, kết hợp nghiên cứu phong tục, tập quán, lễ hội với nhiều nghi lễ độc đáo của các dân tộc nơi đây.
Dương Lê