Đưa dừa nước lên “phố núi”
Tưởng chừng dừa nước chỉ có ở miền Tây, nhưng mấy năm nay, loại trái này đã được vợ chồng ông Nguyễn Văn Mến (huyện Ba Tri, Bến Tre) đưa lên “phố núi” Kon Tum bày bán và được nhiều người ưa chuộng.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Mến và bà Phan Thị Em (cùng 59 tuổi, quê ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) mưu sinh bằng nghề bán dừa nước hàng chục năm nay. Theo ông Mến, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ở quê chỉ có vài sào trồng lúa và dừa, không đủ tiền trang trải cuộc sống nên vợ chồng ông mang dừa nước- đặc sản quê hương đi bán ở nhiều tỉnh, thành, và trụ lại Kon Tum đã được 3 năm nay.
Hiện tại, vợ chồng ông Mến không có địa điểm bán cố định, mà bán ở đường Lê Lợi (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum), chợ Duy Tân (phường Duy Tân) và một số tuyến đường trên địa bàn thành phố Kon Tum.
“Dừa nước này, gia đình tôi mua của hộ dân khác ở quê. Được họ vận chuyển từ Bến Tre đến Kon Tum, mỗi lần là 200 buồng”- ông Mến cho biết.
|
Theo ông Mến, dừa nước mọc ở những vùng nước lợ và thường mọc thành từng dãy ở ven sông, kênh rạch hoặc ở các vùng đầm lầy ven sông, ven biển ở các tỉnh miền Tây, trong đó nhiều nhất là ở Bến Tre. Do phát triển hoàn toàn ở môi trường tự nhiên, nên phôi dừa có vị ngọt thanh, tính mát và không độc hại.
Dừa nước thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 11 (dương lịch) hàng năm, vì thế gia đình ông Mến sẽ bán hết tháng 11 rồi về quê đi làm thuê. Ông Mến và vợ ngồi bán từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều hàng ngày. Mỗi ngày phải chẻ từ 30-40 buồng dừa để trong thùng đá bán dần. Với giá 50.000 đồng/bịch phôi dừa, gia đình ông Mến thu được 1.000.000-1.500.000 đồng/ngày. Nếu bán không hết, ông bà để trong tủ đông, món này dùng trong 1 tháng. Bên cạnh bán dừa, sạp hàng của vợ chồng ông còn bày bán nước, đường thốt nốt để tăng thêm thu nhập.
Theo bà Phan Thị Em, đến thành phố Kon Tum, dừa nước bán rất chạy, bình quân mỗi ngày bán được khoảng 10 buồng dừa. Lạ mắt với loại trái cây này, nhiều người đi đường dừng xe lại để tìm hiểu và mua mang về.
Bà Phan Thị Em chia sẻ: Do mọc dưới nước, nên mỗi lần thu hoạch rất cực. Sau khi hái về, đem tách riêng từng quả rồi chẻ đôi và nạo lấy phần phôi nhũ bên trong, có thể dùng trực tiếp hoặc sấy khô đều được. Phôi dừa nước ăn với đá, đường có tác dụng giải khát và rất tốt cho sức khỏe.
|
Chị Trần Hồng Nhung, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum cho biết: “Tưởng chừng loại dừa nước chỉ có ở miền Tây, không ngờ lại xuất hiện ở Kon Tum. Khi thấy, tôi đã tấp xe để mua về 2 bịch phôi dừa kèm theo nước thốt nốt ăn kèm. Sau khi ăn thử, tôi thấy vị ngọt nhạt, thanh và ngon hơn khi ăn với nước thốt nốt. Đây là món có vị mát, phù hợp thời tiết của Kon Tum”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tưởng ở phường Duy Tân cũng thấy loại dừa rất lạ nên đã ghé bên sạp hàng dừa nước của vợ chồng bà Em để hỏi. Sau khi được bà Em giải đáp và cho ăn thử, anh Tưởng bất ngờ vị nó rất thanh, mát. Không chần chừ, anh Tưởng mua hẳn 3 bịch phôi dừa và nước thốt nốt mang về để dành nấu chè ăn trong những ngày nóng oi bức của Kon Tum.
Món dừa nước còn lạ lẫm với người dân thành phố Kon Tum. Nhưng thời gian gần đây, loại trái cây miền Tây này đã dần được nhiều người Kon Tum ủng hộ và lựa chọn để thưởng thức.
Nay Săt