Báo Kon Tum hòa mình vào “dòng chảy” chuyển đổi số
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các loại hình thông tin mới, như mạng xã hội, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự thay đổi trong thói quen và hành vi tiếp nhận thông tin của công chúng, buộc báo đảng địa phương nói chung, Báo Kon Tum nói riêng, phải tìm cách thích ứng, bằng việc hòa mình vào “dòng chảy” chuyển đổi số.
Chuyển đổi số báo chí, nói một cách dễ hiểu, là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối, tiếp cận độc giả. Mục tiêu là nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của báo chí trong bối cảnh kỷ nguyên số, thay đổi cách tòa soạn hoạt động nhằm cung cấp những giá trị lớn hơn cho bạn đọc.
Những năm gần đây, báo đảng địa phương cũng đã bắt đầu cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi số. Nhiều báo đảng địa phương được đầu tư nguồn kinh phí không nhỏ để xây dựng tòa soạn hội tụ, làm mới giao diện, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động nghiệp vụ. Từ đó được đánh giá cao về mức độ trưởng thành chuyển đổi số.
Vậy Báo Kon Tum đang đứng ở đâu trong “dòng chảy” này?
Trên thực tế, trong thời gian qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Báo Kon Tum đã từng bước tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng tuyên truyền, đưa thông tin đến độc giả một cách nhanh chóng, chính xác, đa dạng.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn lực tài chính và con người, chuyển đổi số ở Báo Kon Tum vẫn khá chậm chạp, chưa thực sự rõ nét. Trong đó, chưa xây dựng được mô hình tòa soạn hội tụ, xây dựng hệ thống quản trị nội dung (CMS) khoa học.
|
Các nội dung quan trọng trên các ấn phẩm của Báo Kon Tum chưa lan tỏa rộng rãi trên các hạ tầng mạng xã hội để đáp ứng cách tiếp cận qua môi trường mạng. Ngay cả Báo Kon Tum điện tử (vận hành tháng 8/2016) cũng sử dụng phần lớn sản phẩm từ báo in.
Quy trình xuất bản các ấn phẩm vẫn áp dụng theo mô hình tòa soạn truyền thống, chưa chuyển đổi sang mô hình mới, như tòa soạn điện tử hay tòa soạn hội tụ. Chưa ứng dụng công nghệ số để tối ưu hoá quy trình sản xuất tin bài, ví dụ, chưa có hệ thống quản trị nội bộ CMS, chưa có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung.
Nhưng dòng chảy chuyển đổi số trong các cơ quan báo đảng địa phương đang rất mạnh mẽ, Báo Kon Tum không thể tiếp tục tụt hậu trong chuyển đổi số nữa.
Với sự lãnh đạo của Chi ủy, chi bộ và Ban Biên tập, tháng 8/2024, Báo Kon Tum khẩn trương bắt tay nghiên cứu, học hỏi về chuyển đổi số. Quan điểm là nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số ngay, cách làm thì “liệu cơm gắp mắm", nhưng phải rõ kết quả, rõ sản phẩm.
Làm được không? Làm như thế nào? Nguồn lực ở đâu? Đây là 3 câu hỏi lớn mà những người được giao nhiệm vụ thực hiện phải tìm được câu trả lời. Quyết tâm thì có thừa, nhưng nguồn lực lại quá hạn hẹp.
Điều băn khoăn lớn nhất đến từ nguồn lực tài chính và nguồn lực con người. Thiếu thốn và chắp vá- chỉ có thể dùng như vậy để hình dung. Nếu ngay lập tức triển khai đồng bộ tất cả các khâu, chuyển từ mô hình truyền thống lên tòa soạn điện tử, tòa soạn hội tụ thì nguồn lực không kham nổi.
Phải triển khai trên cơ sở những gì mình có. Chỉ hai từ: Tận dụng. Kinh phí tiết kiệm hết mức có thể, chỉ chi cho phần mềm phát thanh viên ảo, mọi thứ còn lại tự trang trải. Con người cũng vậy, trên cơ sở những người cũ, tự học để tự làm.
|
Từ phân tích nhiệm vụ, đánh giá tình hình cụ thể, tháng 9/2024, Phòng Thư ký tòa soạn được giao nhiệm vụ bàn bạc, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số “cấp tốc”. Mọi thứ phải tự mày mò, vì thiếu nhân lực về kỹ thuật.
“Cửa ải” đầu tiên phải vượt qua là cần sự đồng thuận của tập thế cán bộ quản lý trong cơ quan. Rất tuyệt vời là mọi người đều đồng thuận bởi hiểu rõ tính cấp thiết của chuyển đổi số.
Tất cả mọi việc diễn ra trong âm thầm, lặng lẽ nhưng đầy nỗ lực. Cho đến một ngày tháng 10/2024. Đó là một ngày thầm lặng, như những ngày làm việc bình thường khác, nhưng bất ngờ thay, trên giao diện Báo Kon Tum Online xuất hiện các loại hình đa phương tiện, như multimedia, emagazine/megastory/image, infographic, podcast.
Trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu được ứng dụng vào sản xuất nội dung đa phương tiện như bản tin truyền hình, bản tin phát thanh. Cùng với đó, Báo Kon Tum cũng “trình làng” trên ứng dụng mạng xã hội facebook. Tất cả nói lên rằng, Báo Kon Tum đã hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số.
Cán bộ, biên tập viên, kỹ thuật viên phòng Thư ký tòa soạn- được giao trực tiếp sản xuất các bản tin phát thanh, truyền hình, podcast- theo dõi từng ngày xem có bao nhiêu người xem bao nhiêu người thích và theo dõi trang fanpage mà hồi hộp, mà vui mừng. Những lời khen tặng, những tin nhắn động viên, chúc mừng của bạn đọc khắp nơi gửi về trở thành động lực lớn lao.
Những bước đi ban đầu ấy giúp Báo Kon Tum truyền tải thông tin nhanh, kịp thời tới công chúng; nội dung thông tin đa dạng, sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn độc giả hơn, góp phần đổi mới công tác tuyên truyền của Đảng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của công chúng.
“Trái ngọt” đầu tiên là mới đây, Báo Kon Tum đã vươn lên vị trí Trung bình trong bảng xếp hạng mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2024 do Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố.
Có thể có người cho rằng, việc xếp hạng Trung bình thì có gì phải “xoắn”. Nhưng xin thưa, cuối năm 2023, Báo Kon Tum nằm trong 63% cơ quan báo chí địa phương xếp hạng Yếu. Nên chỉ 2 chữ “Trung bình” đơn giản vậy thôi, nhưng thực sự đem lại cảm xúc lớn lao.
Tất nhiên, hành trình chuyển đổi số phía trước còn nhiều gian nan. Trong đó, có những rào cản từ tư duy chuyển đổi số, nguồn lực tài chính hạn hẹp, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị thiếu thốn; năng lực sử dụng công nghệ của những người làm báo còn hạn chế.
Nhưng Báo Kon Tum vẫn kiên định hướng đi của mình, tiếp tục thực hiện các hình thức truyền thông hấp dẫn như podcast, video, megastory, infographics, long form, media, lens.
Đồng thời nghiên cứu thay đổi phương thức quản trị nội bộ của tòa soạn, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu và tương tác công chúng, dựa trên việc ứng dụng các phần mềm kỹ thuật số tiên tiến.
Lê Hải