Bài ca sinh viên
Kể từ lần nắm tay nhau hát vang ca khúc Bài ca sinh viên trong ngày đầu đến giảng đường, tôi và các bạn tôi, đã có những ngày tháng tuổi trẻ sôi động, nhiệt huyết và tràn đầy hoài bão, khát vọng cống hiến.
|
Đã lâu lắm rồi, tôi mới nghe lại Bài ca sinh viên- những giai điệu mà tôi thân quen từ khi bước chân vào giảng đường đại học.
Những tưởng bao năm tháng trôi qua đã mài mòn, đã làm dịu đi nhiệt huyết từng có của những năm tháng sinh viên. Nhưng không, vẫn như trước đây, khi giai điệu tươi vui, rộn rã ấy vang lên, là trong tôi lại rạo rực, cảm thấy máu chảy rần rật trong người.
Và lại trào dâng tự hào vì mình đã từng đứng trong đội hình sinh viên đi dưới “ánh nắng ban mai ửng hồng”.
Tận đáy lòng mình, tôi muốn nắm tay cảm ơn nhóm bạn trẻ đã cho tôi được nghe lại những giai điệu quan thuộc ấy.
Sáng sớm ngày 9/1, ở quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng, gần cổng Phân hiệu Đại học Đà Nẵng, tôi chứng kiến một nhóm bạn trẻ vừa bàn luận về đề tài gì đó, có vẻ sôi nổi lắm.
Lát sau, một bạn đi lại quầy thanh toán nói nhỏ với nhân viên phục vụ. Sau đó thật bất ngờ, ca khúc Bài ca sinh viên vang lên rộn rã. Tôi lặng đi trong giai điệu chất chứa khát vọng, ước mơ, hoài bão của bao thế hệ sinh viên Việt Nam: "Bài ca sinh viên ta hát/ Có nắng ấm ban mai ửng hồng/Tuổi sinh viên theo năm tháng/Trang sách trắng ước mơ tràn đầy".
Cách đây gần 30 năm, tháng 9/1994, tôi rụt rè đặt bước chân đầu tiên vào khu giảng đường Khoa Báo chí, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn- Đại học Quốc gia Hà Nội).
Giữa phố thị phồn hoa, giữa mênh mông biển người, đứa sinh viên từ một vùng quê hẻo lánh, lạc hậu, nghèo xơ xác là tôi ngơ ngác và… run. Chính giai điệu của một ca khúc đang phát trên loa đã giúp tôi trấn tĩnh, đã truyền cho tôi sự tự tin.
Trong buổi sinh hoạt lớp đầu tiên, thầy giáo chủ nhiệm, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Vĩ (sau này là nhà nguyên cứu văn hóa nổi tiếng) yêu cầu cả lớp cùng đứng lên, tay nắm tay cùng hát vang ca khúc Bài ca sinh viên để “lớp học mình thêm khí thế và đoàn kết”.
Tôi ngơ ngác không biết đó là ca khúc nào. Chỉ đến khi các bạn trong lớp cất tiếng hát, thì tôi mới nhận ra: Đó là ca khúc đã giúp tôi trấn tĩnh, truyền cho tôi sự tự tin.
Sau này, tôi biết rằng, đó là ca khúc được nhạc sĩ Trần Hoàng Tiến sáng tác vào tháng 3/1985; được biểu diễn chính thức lần đầu tiên ngày 19/5/1985, trong cuộc thi Tiếng hát làng Sen diễn ra ở quê Bác, để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng.
Bài hát đã đi đúng, đi trúng vào tâm tư, nguyện vọng và khát khao, hoài bão của sinh viên thời bấy giờ nên nhanh chóng được phổ biến rộng rãi. Và sau này trở thành bài hát chính thức của Hội Sinh viên Việt Nam.
Đó là chuyện sau này, còn kể từ lần nắm tay nhau hát vang trong ngày đầu đến giảng đường đó, tôi và các bạn tôi, đã có những ngày tháng tuổi trẻ sôi động, nhiệt huyết và tràn đầy hoài bão, khát vọng cống hiến.
Ngày ấy, chưa có những hoạt động như Thứ Bảy tình nguyện, Chủ nhật xanh, Mùa hè xanh, Mùa hè tình nguyện, nhưng bất cứ hoạt động nào của nhà trường, của địa phương đều mang dấu ấn sinh viên.
Giữa bộn bề khó khăn, tôi cứng cáp lên qua các hoạt động ấy. Chúng tôi cùng nhau nêu cao tinh thần quyết tâm, không ngại khó, không ngại khổ; luôn đoàn kết, nỗ lực học tập.
Đó mãi là những năm tháng tươi đẹp và tuyệt vời nhất trong cuộc đời!
Cũng từ đó, rất nhiều lần chúng tôi hát vang Bài ca sinh viên. Ai cũng hát bằng tất cả sự xúc động và tự hào. Từng lời ca như thúc giục chúng tôi hãy nỗ lực học tập, rèn luyện để ngày mai cùng nhau “tới những chân trời mới” để “dệt nên những ước mơ cho đời”.
Trong giai điệu hào hùng, tôi như thấy đội ngũ điệp trùng của sinh viên Việt Nam, từng thế hệ tiếp nối, trưởng thành từ Hội Học sinh kháng chiến, Đoàn sinh viên kháng chiến ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Tôi nhớ đến tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Để ghi nhận và noi gương tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất (tổ chức tháng 2/1950 tại Việt Bắc) đã quyết định lấy ngày 9/1 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh - sinh viên.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (từ ngày 22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9/1 làm ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Tiếp nối truyền thống thời kỳ kháng chiến chống Pháp, giai đoạn đánh Mỹ, phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên miền Nam tiếp tục có những hỹ sinh, đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
|
Trải qua 74 năm cống hiến và trưởng thành, tâm huyết, mồ hôi, xương máu của hàng vạn sinh viên Việt Nam tình nguyện ngày đêm hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay sẽ không có một thế lực nào có thể phủ nhận.
Và ngày nay, mỗi học sinh, sinh viên không ngừng rèn luyện, tu dưỡng theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên.
Hành trang của các em là lòng yêu nước, bề dày truyền thống rất đỗi tự hào của học sinh, sinh viên Việt Nam và tri thức thời đại mới.
Hồng Lam