KỶ NIỆM 63 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 – 7/5/2017)
Những tấm gương anh hùng làm nên chiến thắng
63 năm trước, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đằng sau chiến thắng ấy, hàng ngàn người con nước Việt đã nằm lại với đất mẹ. Không tiếc thân mình, họ, những người chiến sĩ mang trên mình một tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc...
Phan Đình Giót – lấy thân mình lấp lỗ châu mai
Phan Đình Giót sinh năm 1922 trong một gia đình nghèo ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, cùng với bạn bè đồng trang lứa, Phan Đình Giót xin tham gia tự vệ chiến đấu và xung phong đi bộ đội chủ lực năm 1950. Phan Đình Giót tham gia rất nhiều các chiến dịch lớn như: Trung Du, Hòa Bình, Tây Bắc… Lập chiến công trong nhiều trận đánh, người thanh niên Cẩm Xuyên nhanh chóng được ghi nhận về chí khí, lòng dũng cảm và được đồng đội quý mến.
Mùa đông năm 1953, đơn vị của Phan Đình Giót được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hành quân gần 500km, vượt qua nhiều đèo dốc, mang vác nặng, nhưng anh vẫn kiên trì giúp đồng đội về đến đích. Trong nhiệm vụ xẻ núi, mở đường kéo pháo lên đèo xuống dốc vào trận địa rất gay go gian khổ, anh đã nêu cao tinh thần gương mẫu, bền bỉ và động viên anh em chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên.
Chiều 13/3/1954, quân ta nổ súng tiêu diệt Him Lam. Cả trận địa rung chuyển mù mịt sau nhiều loạt pháo. Các chiến sĩ đại đội 58 lao lên mở đường, đã liên tiếp đánh đến quả bộc phá thứ tám. Phan Đình Giót đánh quả thứ chín và bị thương ở đùi, nhưng vẫn xung phong đánh quả tiếp theo. Quân Pháp tập trung hỏa lực trút đạn như mưa xuống trận địa ta, đồng đội bị thương rất nhiều.
Lòng căm thù quân giặc lên cao, Phan Đình Giót lao lên đánh liên tiếp hai quả nữa phá toang hàng rào cuối cùng, mở thông đường để đồng đội lên đánh sập lô cốt đầu cầu. Lợi dụng thời cơ địch hoang mang, anh lao lên bám chắc lô cốt số 2, ném thủ pháo, bắn kiềm chế cho đơn vị tiến lên. Anh bị thương ở vai và đùi, máu chảy rất nhiều.
Thế nhưng bất ngờ từ hỏa lực lô cốt số 3 của địch bắn rất mạnh vào đội hình của ta. Lực lượng xung kích bị ùn lại, anh cố gắng nhích mình lên gần lại lô cốt số 3 với ý nghĩ cháy bỏng duy nhất là dập tắt lô cốt này. Anh đã dùng hết sức còn lại nâng tiểu liên lên bắn mạnh vào lỗ châu mai và hét to: “Quyết hy sinh vì Đảng, vì dân”, rồi rướn người lấy đà lao cả tấm ngực thanh xuân vào bịt kín lỗ châu mai địch. Hỏa điểm lợi hại nhất của quân Pháp bị dập tắt, toàn đơn vị ào ạt xông lên như vũ bão, tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam, giành thắng lợi trong trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Phan Đình Giót hy sinh lúc 22h30 ngày 13/3/1954 và được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31/3/1955. Khi hy sinh, anh là Tiểu đội phó bộ binh Đại đội 58, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được tặng Huân chương Quân công hạng Nhì.
Tô Vĩnh Diện – lấy thân mình chèn pháo
Năm 1946, Tô Vĩnh Diện - chàng thanh niên 22 tuổi quê Nông Cống, Thanh Hoá đã tham gia dân quân địa phương rồi xung phong đi bộ đội ba năm sau đó. Tháng 5/1953, Tô Vĩnh Diện được điều về làm tiểu đội trưởng một đơn vị pháo cao xạ. Trong quá trình hành quân cơ động trên chặng đường hơn 1.000km tới vị trí tập kết để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, anh luôn nhận những nhiệm vụ khó khăn, nặng nhọc, động viên giúp đỡ đồng đội kéo pháo đến nơi an toàn.
Trong lúc kéo pháo qua những chặng đường nguy hiểm, cũng như nghỉ dọc đường, anh luôn nhắc nhở đồng đội chuẩn bị chu đáo và tự mình đi kiểm tra tỉ mỉ dây kéo pháo, xem xét từng đoạn đường, từng con dốc rồi phổ biến cho anh em để tránh những bất ngờ xảy ra.
Qua 5 đêm kéo pháo ra tới dốc Chuối, đường hẹp cong và rất nguy hiểm, anh cùng pháo thủ Lê Văn Chi xung phong lái pháo. Đến nửa chừng, dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc, anh vẫn bình tĩnh giữ càng lái cho pháo thẳng đường. Nhưng một trong bốn dây kéo pháo lại bị đứt, pháo càng lao nhanh, đồng chí Chi bị hất văng ra. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn đó, Tô Vĩnh Diện hô anh em “Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo”, và anh buông tay lái xông lên phía trước, lấy thân mình chèn vào bánh pháo, nhờ đó các anh em đồng đội kịp ghìm giữ pháo lại. Tấm gương hy sinh vô cùng anh dũng của Tô Vĩnh Diện đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu thắng lợi. Khi hy sinh anh là Tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37 ly, thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367.
Tô Vĩnh Diện được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 7/5/1955 được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Bế Văn Đàn – lấy vai làm giá súng
Bế Văn Đàn tham gia hoạt động du kích từ nhỏ, năm 1948, mới 17 tuổi, chàng thanh niên Cao Bằng xung phong vào bộ đội giữa lúc cuộc chiến tranh Đông Dương đang diễn ra quyết liệt. Khi chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 diễn ra, Bế Văn Đàn được phân công làm liên lạc cho tiểu đoàn. Một đại đội của tiểu đoàn nhận nhiệm vụ bao vây giữ Pháp ở Mường Pồn, Bế Văn Đàn đã vượt qua lưới đạn dày đặc xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chính xác. Trận đấu càng ngày càng diễn ra ác liệt hơn, anh được lệnh ở lại đại đội chiến đấu cùng các anh em đồng đội.
Quân Pháp phản kích lần thứ ba, mở đường tiến, đại đội bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng anh vẫn tiếp tục chiến đấu. Khi đó, một khẩu trung liên không bắn được vì không có chỗ đặt súng. Trong tình thế hết sức khẩn trương, Bế Văn Đàn không ngần ngại chạy lại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô đồng đội bắn. Khi đồng đội còn do dự thì Bế Văn Đàn kiên quyết: “Kẻ thù trước mắt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi”. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, anh bị thêm hai vết thương nữa và hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình. Sự hy sinh của Bế Văn Đàn đã trở thành tấm gương tiểu biểu trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Khi hy sinh, anh là tiểu đội phó, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đại hội mừng công của đơn vị, Bế Văn Đàn được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất và được bình bầu là chiến sĩ thi đua số một của tiểu đoàn. Ngày 31/8/1955, Bế Văn Đàn được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Quân công hạng Nhì.
Những Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện là ba trong số biết bao tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn xuân xanh. Các anh đã nằm lại nơi đất mẹ để “núi sông bừng lên, đất nước ta sáng ngời, cánh đồng Điện Biên cờ chiến thắng tưng bừng trên trời”…
HOÀI AN (tổng hợp)