VỤ HÀNG CHỤC NGƯỜI DÂN Ở THÀNH PHỐ KON TUM BỊ LỪA ĐI LAO ĐỘNG TẠI LÂM ĐỒNG:
“Phải điều tra làm rõ sự việc…”
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum có 33 lao động là người DTTS ở 3 xã Đăk Rơ Wa, Chư Hreng và Kroong bị lừa đi lao động tại tỉnh Lâm Đồng. Đến ngày 11/11, đã có 9 người trở về (1 người ở xã Kroong và 8 người ở xã Chư Hreng); số lao động còn lại, chính quyền địa phương đang tìm cách liên lạc để đưa về.
Đó là khẳng định của ông Phan Văn Thế - Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum khi chỉ đạo xử lý vụ việc liên quan đến hàng chục người dân ở thành phố bị lừa đi lao động ở tỉnh Lâm Đồng. Sự việc không chỉ dừng lại ở xã Chư Hreng và Đăk Rơ Wa (trước đó Báo Kon Tum đã phản ánh), mà mới đây, chính quyền địa phương còn phát hiện thêm 12 trường hợp khác ở xã Kroong cũng bị lừa đi lao động theo kiểu trên...
Giả vờ ốm nặng mới về được
Trưởng Công an xã Kroong - ông Phùng Xuân Hạnh cho biết: Cả xã có 12 lao động (tuổi từ 20 đến trên 30) đều ở thôn Kroong Klah, bị “cò” lao động tên Năm ở thành phố Kon Tum dắt mối đưa đi lao động ở tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, ngoài 1 trường hợp là A Sanh (34 tuổi) đã trở về nhà, có 4 trường hợp khác là A Tùng, A Bắc, A Thuyên và A Thoái, gia đình tìm mọi cách liên lạc nhưng không được.
Chiều 11/11, tiếp xúc với chúng tôi, A Sanh kể: Khi nghe bà Y Hon ở trong làng rủ đi sang tỉnh Đăk Lăk hái cà phê “lương cao” nên tôi đi. Nhưng khi lên xe thì bị chở thẳng sang tỉnh Lâm Đồng. 4 ngày đầu chưa đi làm, chúng tôi ở tại công ty lao động có tên là Công ty TNHH Đ.H. Tất cả mọi người bị nhốt trong nhà, khóa cửa bên ngoài, mỗi ngày chỉ được ăn một bữa và còn bị đánh đập.
|
Cũng theo lời A Sanh, vì lao động quá cực khổ, nhưng chỉ được trả 120.000 đồng/ngày nên anh giả vờ bị đau, gia đình chủ sợ anh chết nên vội vã cho xe chở về Gia Lai. Dù về đã được 2 ngày, nhưng A Sanh vẫn chưa hết bàng hoàng về những ngày phiêu dạt ở Lâm Đồng, nhất là lúc bị một số người mình xăm đầy hình, mặt mày dữ tợn đá vào hông đến giờ vẫn còn đau…
Mang tiền đi chuộc con
Sáng 11/11, ông A Boih - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Kroong (có 3 người con đang lao động tại huyện Lâm Hà- tỉnh Lâm Đồng), cùng cha mẹ của 5 người khác khăn gói mang tiền lên xe đi Lâm Đồng để chuộc con về.
Ông A Boih cho biết: Cách đây khoảng 20 ngày, 3 đứa con của tôi là A Sơn (24 tuổi), A Hiệp (21 tuổi) và A Sữu (20 tuổi) rủ nhau đi khỏi nhà nhưng gia đình tôi không hề biết chúng nó đi đâu. Cách đây mấy ngày, A Hiệp gọi về bảo đang ở huyện Lâm Hà, đang làm cho một gia đình bên này khổ lắm và đòi tôi phải mang tiền sang chuộc về. Nghe A Hiệp nói qua điện thoại là ban đầu qua đó mọi người bị nhốt vào một ngôi nhà, không cho đi đâu. Sau đó, chủ công ty ở huyện Đức Trọng “bán” họ cho các chủ nhà vườn để lấy tiền. Khi về làm việc cho các chủ vườn, vì làm việc nặng nhọc nên các lao động như A Hiệp xin về thì công ty bắt phải nộp tiền chuộc mới cho về.
“Hôm trước nói chuộc hơn 2 triệu đồng/người, giờ thì còn 1,9 triệu đồng/người”- A Boih nói. Cũng theo ông A Boih, còn 5 gia đình khác trong làng do không có tiền nên không sang tỉnh Lâm Đồng để chuộc con về.
Chủ tịch UBND xã Kroong - ông Nguyễn Thành Đức cho biết, đối tượng “cò” lao động đến dụ dỗ kiểu gì và đưa người đi, cả thôn, xã đều không hay, thậm chí ngay cả ông A Boih, người có 3 con trai đi lao động như vậy mà cũng không biết gì.
“May mà một trường hợp còn có điện thoại liên lạc nên mới biết được địa chỉ, nơi làm của các lao động, chứ không thì biết ở đâu mà tìm…” - Ông Phùng Xuân Hạnh - Trưởng Công an xã Kroong nói thêm.
Chính quyền và công an đã vào cuộc
Đối với các trường hợp lao động ở xã Chư Hreng, ngày 11/11, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Chư Hreng cho biết: Sau khi 6 người trước đó trốn thoát trở về nhà, đến ngày 10/11, đã có 2 trường hợp nữa trở về đó là A Huyên và A Mâng, cùng ở thôn Kon Hra Ktu. 2 trường hợp này là do người nhà đã lên tận Lâm Đồng trả tiền và đưa con em mình về. Đến nay, đã có 8/18 người của xã bị lừa đi lao động ở Lâm Đồng đã trở về. 10 lao động còn lại chỉ có 2 người liên lạc được, 8 người khác vẫn chưa biết ở đâu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Thế - Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: UBND thành phố Kon Tum đã có văn bản chỉ đạo các xã và Công an thành phố vào cuộc. Thường trực Thành uỷ và UBND thành phố đã giao Công an thành phố điều tra, nắm rõ đối tượng và làm rõ hành vi lừa đảo, nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ xử lý hình sự; đồng thời liên hệ với Công an tỉnh Lâm Đồng xác định cụ thể người dân đang ở đâu để đưa về. Đối với chính quyền các xã, phường, phải rà soát cụ thể xem có trường hợp nào đi lao động như vậy, báo cáo cụ thể về thành phố.
“Với trách nhiệm của mình, tôi đã liên hệ bằng điện thoại với lãnh đạo chính quyền tỉnh Lâm Đồng đề nghị hỗ trợ, chỉ đạo đơn vị chức năng ở địa phương xác định cụ thể những lao động của thành phố Kon Tum đang ở địa phương nào. Khi có thông tin chính xác sẽ phối hợp để đưa về”- Ông Thế cho biết thêm.
Văn Phương