Hàng nội địa chiếm ưu thế ở vùng sâu
Trong những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp về một số xã vùng sâu của tỉnh. Ở bất cứ nơi đâu, chúng tôi đều thấy các quán tạp hóa của tư thương bán nhỏ lẻ trong các làng đồng bào DTTS phần lớn là hàng nội địa mang nhãn hiệu “Made in Vietnam”.
Tâm sự với chúng tôi, anh A Huấn (32 tuổi), trú tại thôn Rô Xia, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông cho biết, từ khi lập gia đình đến nay, anh mở thêm quán bán tạp hóa cho bà con trong làng. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, bà con chủ yếu dùng hàng nội địa. Thứ nhất là giá cả của các mặt hàng nội địa “mềm”, phù hợp với túi tiền; thứ hai là các loại hàng hóa được các ngành chức năng kiểm tra chất lượng, bà con rất yên tâm mỗi khi sử dụng.
“Cứ ba ngày là xe ô tô của các tư thương chở hàng nội địa từ thành phố Kon Tum lên làng một lần, hàng hóa nào không đảm bảo chất lượng theo quy định là em trả lại ngay. Nhờ đó, trong nhiều năm liền, bà con mua các loại thực phẩm của quán em bán đem về sử dụng không ai bị ngộ độc thực phẩm. Còn các đồ gia dụng cũng vậy, bà con biết sử dụng cẩn thận và đúng mục đích thì thời gian sử dụng cũng được rất lâu”- A Huấn cho biết thêm.
Ở thôn Kon Năng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, chị Y Yên cho biết, nhà chị nhiều năm nay chỉ dùng hàng Việt Nam chất lượng cao. Bởi theo chị, hàng Việt Nam của mình bây giờ mẫu mã rất đẹp, chất lượng chẳng thua kém gì hàng hóa các nước khác. Hơn nữa, đường sá thông thương, nhiều tư thương chở các loại hàng hóa đến bán, cạnh tranh nhau nên giá cả hàng hóa Việt Nam bây giờ khá bình ổn, không ai dám bán phá giá vì sợ mất khách hàng.
|
Chị Ngô Thị Na - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Kon Plông kể rằng, trong những ngày dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chị em phụ nữ trên địa bàn huyện sử dụng nhiều loại thực phẩm nội địa được bày bán tại các quán tạp hóa nhỏ lẻ trong làng để phục vụ bữa ăn hàng ngày, hạn chế đi đến trung tâm xã, huyện nhằm tránh tụ tập đông người. Các mặt hàng thiết yếu của cuộc sống đã được tư thương cung cấp khá đầy đủ, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng.
Một lần đến nhà chị Y Thơi (41 tuổi, trú tại làng Kon Lung, thôn 7, xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy), chúng tôi được chị cho biết, rượu nếp cẩm của Tổ hợp tác trồng lúa nếp và sản xuất rượu cần nếp cẩm sản xuất ra bao nhiêu là bà con trong xã cũng như du khách từ các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… đặt mua đến đó. Men làm rượu được làm từ một loại rễ và vỏ cây rừng. Rượu có nồng độ không cao và lỡ có uống nhiều cũng không gây đau đầu. Điều này chứng tỏ không những bà con vùng sâu, vùng xa của tỉnh mà còn người dân trong tỉnh, thậm chí ngoài tỉnh rất ủng hộ các mặt hàng nội địa do người dân mình làm ra theo tinh thần của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Anh Nguyễn Văn Triều (43 tuổi) - dân làng chài Sê San, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Dai cho biết, bà con ở đây chủ yếu dùng hàng nội địa. Từ đồ gia dụng, thực phẩm chế biến sẵn, cho đến máy móc điện tử sử dụng trong nhà bà con đều mua hàng nội địa. Bà con cho rằng, hàng nội địa ngày nay đã có chất lượng rất tốt và giá cả lại phù hợp với túi tiền của họ, nên họ ưa dùng.
Qua những lần đi cơ sở, với những gì mắt thấy, tai nghe, chúng tôi hiểu thêm tại sao người dân tỉnh ta, nhất là ở vùng sâu, vùng đồng bào DTTS thích sử dụng các mặt hàng nội địa. Đơn giản là do hàng nội địa ngày càng có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm và phù hợp với túi tiền của bà con. Và quan trọng hơn cả là do Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tác động rất lớn đến nhận thức của người dân và đó cũng là lý do để bà con dùng hàng nội địa.
Vĩnh Hà