Đưa hàng Việt thâm nhập thị trường nông thôn
Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa là một trong những nội dung quan trọng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đến nay chương trình này đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận...
Theo đánh giá của Sở Công thương, trước đây, thị trường nông thôn dường như là “sân chơi” của hàng hóa kém chất lượng, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, nhất là hàng Trung Quốc phẩm cấp thấp…; hàng Việt lép vế, thậm chí không có được chỗ đứng ở thị trường rộng lớn này.
Từ khi Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, sự đồng hành của doanh nghiệp, hàng Việt từng bước thâm nhập thị trường nông thôn.
Đặc biệt, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn sau 8 năm triển khai (bắt đầu triển khai từ năm 2011) đã từng bước nhân ra diện rộng, phát triển và đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn.
Qua từng năm triển khai chương trình, số phiên chợ hàng Việt về nông thôn được tổ chức nhiều hơn, số chuyến bán hàng lưu động tăng dần qua các năm; quy mô triển khai, chất lượng hàng hóa ngày càng được nâng lên; việc tổ chức bán hàng phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn… đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng Việt của người dân.
Để việc triển khai chương trình đạt hiệu quả, Sở Công thương phối hợp với UBMTTQ các cấp, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền nội dung chương trình để đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nắm rõ chủ trương, tích cực hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tăng cường mua sắm hàng hóa trong nước. Đồng thời, vận động các đại lý, doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối tăng cường bán hàng Việt; nâng cao chất lượng, mẫu mã của sản phẩm, dịch vụ cung ứng, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng…
Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn luôn được Sở Công thương chú trọng triển khai thực hiện.
Nhờ vậy, các công ty, doanh nghiệp ngày càng tích cực hưởng ứng chương trình này. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối thương mại đã chủ động cung ứng nguồn hàng, kho bãi, phương tiện vận chuyển, tiếp cận thị trường xây dựng các điểm bán hàng cố định.
Một số doanh nghiệp đã kiên trì tham gia các hội chợ, phiên chợ, các đợt bán hàng, bám điểm bán kể cả những vùng đặc biệt khó khăn; tăng tần suất chuyến hàng, số lượng, chủng loại hàng hóa để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Thậm chí, có nhiều phiên chợ, chuyến bán hàng, doanh nghiệp tham gia không có lãi hoặc phải bù lỗ nhưng họ vẫn không bỏ cuộc.
Từ năm 2011 đến nay, Sở Công thương tổ chức được 20 phiên chợ hàng Việt, 132 chuyến đưa hàng Việt đến các xã thuộc 9 huyện trên địa bàn tỉnh. Mỗi chuyến hàng Việt về nông thôn có từ 3- 5 doanh nghiệp tham gia với các mặt hàng thiết yếu được đưa về bán cho người dân như: dầu ăn, bột ngọt, muối, bột giặt, dầu gội đầu, sữa tắm, mì tôm, bánh kẹo, quần áo, giày dép, dụng cụ gia đình...
|
Hoạt động này vừa giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu và quảng bá trực tiếp sản phẩm đến người tiêu dùng, góp phần xây dựng niềm tin vào sản phẩm nội địa; vừa giúp người tiêu dùng vùng nông thôn tiếp cận, sử dụng ngày càng nhiều sản phẩm hàng hoá của Việt Nam đảm bảo chất lượng với giá cả phù hợp.
Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong thời gian qua thu hút hơn 70.000 lượt người đến mua sắm, doanh thu bán hàng đạt gần 6,5 tỷ đồng.
Với sự hỗ trợ của Bộ Công thương, tỉnh ta triển khai xây dựng được 2 điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Kon Plông và thành phố Kon Tum. Thông qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa do Việt Nam sản xuất đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm nông sản đặc trưng của các huyện đến với du khách tham quan du lịch; bước đầu hình thành hệ thống phân phối hàng Việt Nam.
Qua 8 năm triển khai Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn vùng sâu, vùng xa cho thấy đây là một giải pháp quan trọng và có tính đột phá trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thành công của Chương trình chính là việc tạo ra sự tương tác tích cực hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng, từ chỗ e dè, băn khoăn khi tiếp cận các chuyến hàng Việt lúc ban đầu thì đến nay chất lượng, giá cả đã thuyết phục người tiêu dùng; quan niệm, thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi theo hướng ngày càng tích cực, người dân ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước…
Có thể nói, với những hoạt động thiết thực, cụ thể trong việc đưa hàng Việt về nông thôn của các cấp, các ngành trong tỉnh, hàng “nội” từng bước bám rễ sâu hơn ở thị trường nông thôn tỉnh ta; doanh nghiệp có thêm điều kiện tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là tiền đề, là động lực để ngành chức năng và doanh nghiệp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Thiên Hương