Ya Tăng: Nỗ lực vượt khó
Sau 8 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) mới chỉ đạt được 7/19 tiêu chí. Ya Tăng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đề ra.
Toàn xã Ya Tăng có 398 hộ với gần 1.500 khẩu, trong đó trên 97% là đồng bào DTTS. Người dân sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, tập quán sản xuất lạc hậu, trình độ dân trí thấp, kinh tế còn nhiều khó khăn... Đây là trở ngại lớn trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Xác định rõ những khó khăn trên, cấp ủy đảng, chính quyền xã Ya Tăng đề ra cách làm với những bước đi phù hợp nhằm tránh sự nóng vội, mang tính phong trào, hình thức trong quá trình triển khai thực hiện.
Chính quyền xã Ya Tăng xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên.
Các thành viên Ban chỉ đạo nắm bắt tình hình của các thôn làng, những nhu cầu cần thiết để cùng với các thôn bàn bạc, lấy ý kiến người dân triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với yêu cầu thực tế; trong đó công tác tuyên truyền vận động được chú trọng nhằm khơi dậy ý thức tự nguyện của người dân.
Trong quá trình triển khai tại cơ sở, những khó khăn, vướng mắc đều được báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kịp thời, nhằm tháo gỡ khó khăn, rút kinh nghiệm cho các bước triển khai tiếp theo.
Cả hệ thống chính trị cơ sở nỗ lực vào cuộc nhưng do những nguyên nhân khách quan về điều kiện tự nhiên và xã hội, sau 8 năm triển khai thực hiện, xã Ya Tăng mới đạt được 7/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới gồm: thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại, bưu điện, y tế, hệ thống chính trị.
Trao đổi với chúng tôi, bà Tống Thị Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Ya Tăng cho biết: Là xã thuần nông, có xuất phát điểm thấp, diện tích đất để trồng lúa nước rất ít, trong khi đó sản xuất trên địa bàn xã lại phụ thuộc vào sự lên xuống thất thường của mực nước ngập lòng hồ thủy điện nên sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn rất khó khăn. Do đó, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, nan giải nhất là tiêu chí thu nhập, hộ nghèo và giao thông nông thôn...
Những năm qua, xã Ya Tăng cũng đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi; đồng thời thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ về cây, con giống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những giải pháp đó chỉ dừng lại ở việc giúp người dân có thêm nguồn thu nhập để cải thiện phần nào cuộc sống khó khăn, chứ chưa thực sự phát huy được hiệu quả nâng mức thu nhập theo đúng tiêu chuẩn.
Tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của xã Ya Tăng chiếm 26,88%, thu nhập bình quân đầu người chỉ mới 12,5 triệu đồng/năm. Hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; nhiều tuyến đường nội thôn làng còn bị lầy lội vào mùa mưa, gây khó khăn cho việc đi lại, mua bán, vận chuyển nông sản của người dân.
Ngoài ra, các tiêu chí khác như trường học, nhà ở dân cư, tổ chức sản xuất, môi trường và an toàn thực phẩm... của xã Ya Tăng cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thôn trưởng thôn Lút - Rơ Châm Dêl cho biết: Việc triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thôn thời gian qua rất khó khăn. 100% các hộ dân trong thôn thu nhập chủ yếu dựa vào cây mì và cây bời lời nên việc huy động sự đóng góp vật chất của người dân gần như không có gì. Vừa rồi thôn được Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đầu tư xây dựng nhà văn hóa với kinh phí trên 768 triệu đồng, riêng hạng mục xây dựng tường rào nhà văn hóa do người dân trong làng phải tự đóng góp kinh phí xây dựng nhưng đến nay bà con vẫn chưa đóng góp để thực hiện được…
|
Để thực hiện các tiêu chí còn lại, bà Tống Thị Nghĩa cho biết, đến nay, Đảng ủy, UBND xã Ya Tăng xây dựng kế hoạch và đưa ra giải pháp cụ thể cho từng tiêu chí. Trong đó, địa phương tập trung nguồn lực vào các tiêu chí có liên quan đến phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đầu tư hệ thống giao thông; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia ngày công, hiến đất làm đường, khai thác triệt để những thế mạnh của xã, triển khai chương trình liên kết 4 nhà để giúp người dân phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, tạo đầu ra cho sản phẩm, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tạo tiềm lực vững chắc để xây dựng nông thôn mới...
Bảo Châu