Giải pháp phát triển du lịch Kon Tum
Kon Tum là tỉnh giàu tiềm năng và có nhiều lợi thế để phát triển du lịch ổn định và bền vững trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, trong thời gian qua tiềm năng và lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả để đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Vậy nguyên nhân nào đã kìm hãm sự phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian vừa qua? Xin đưa ra một số nguyên nhân sau:
Về đặc thù của tỉnh, Kon Tum là tỉnh nghèo miền núi rất nhiều khó khăn; tỉnh có 43 dân tộc cùng sinh sống, trình độ dân trí thấp, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều khó khăn; tình hình an ninh còn tiềm ẩn những yếu tố bất lợi đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch, nhất là đầu tư nước ngoài và khách quốc tế.
Về cơ sở hạ tầng giao thông và kỹ thuật, hầu hết các điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh đều nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng rừng núi có địa hình phức tạp, trong khi đó hạ tầng giao thông còn rất bất cập, các điểm đến tham quan du lịch của tỉnh gần như chưa có đường đi lại thuận tiện cho khách du lịch và nhà đầu tư, đây là yếu tố bất lợi cho ngành du lịch và không dễ khắc phục ngay đối với tỉnh nghèo, bởi nó yêu cầu nguồn lực đầu tư rất lớn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho du lịch của tỉnh chưa phát triển, còn manh mún, nhỏ lẻ, đơn điệu thực sự không đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, tham quan và nghỉ dưỡng của khách du lịch, nhất là những dịp cao điểm. Hơn nữa, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, không sáng tạo; sản phẩm hàng hóa nghèo nàn về số lượng và chất lượng chưa tạo được sức hấp dẫn cho du khách.
|
|
Về công tác tham mưu, mặc dù Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về “Phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết 12 bằng Kế hoạch số 3250/KH-UBND với các chương trình, mục tiêu rất cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các đơn vị có trách nhiệm liên quan chưa tham mưu xây dựng được kế hoạch chi tiết, cụ thể kịp thời, phù hợp với chiến lược phát triển du lịch trung và dài hạn nên thiếu cẩm nang và chưa định hình được hướng phát triển du lịch của tỉnh.
Điều này đã gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, triển khai, quản lý và nhà đầu tư, do đó trong thực tế phát triển du lịch tại tỉnh đang mang tính tự phát, nguồn lực đầu tư phân tán, chưa hiệu quả làm ảnh hưởng đến khả năng tối ưu hóa nguồn lực tiềm năng du lịch của tỉnh.
Về quy hoạch phát triển du lịch còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; công tác quản lý nhà nước về du lịch còn hạn chế, nhất là triển khai, quản lý quy hoạch, năng lực thẩm định, giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư; quản lý và kiểm soát hoạt động du lịch còn lỏng lẻo; chưa xây dựng được niềm tin bằng các cam kết giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương điều này đã làm giảm hiệu quả của chính sách thu hút đầu tư.
Về nguồn nhân lực rất thiếu và yếu, hiện nay cả tỉnh chỉ có 5 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành; toàn tỉnh chỉ cấp và quản lý 29 thẻ hướng dẫn viên, trong đó 14 thẻ hướng dẫn quốc tế, 9 thẻ hướng dẫn nội địa, 6 thẻ hướng dẫn tại điểm; số lao động làm trong ngành du lịch hiện có gần 1.800 người, trong đó hơn 50% chưa được đào tạo căn bản, hạn chế về kỹ năng, kiến thức văn hóa, lịch sử, địa lý địa phương nên chưa làm thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu, khám phá của du khách.
Từ những nguyên nhân trên, trong thời gian tới để đưa du lịch Kon Tum phát triển, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tập trung làm tốt và thực chất hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Dùng công nghệ số để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tour, tuyến du lịch, các sản phẩm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch của tỉnh để tiếp cận và tương tác với du khách và nhà đầu tư giúp khách hàng trải nghiệm các sản phẩm du lịch trước khi họ đặt chân đến.
Thứ hai, giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, cá nhân xây dựng kế hoạch ngắn, trung và dài hạn thật sự khoa học, cụ thể và phù hợp với chiến lược phát triển du lịch mà Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh cũng như các đề án mà Chính phủ đã phê duyệt; tham mưu và ban hành chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, xây dựng cơ chế đặc thù có tính ưu đãi phù hợp với từng vùng, trong đó chú trọng tính công khai, minh bạch; thực hiện kịp thời công tác quy hoạch, quản lý, thẩm định tốt công tác quy hoạch; sâu sát thực tế để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư.
Thứ ba, hiện nay khó khăn, trở ngại nhất trong phát triển, thu hút khách và nhà đầu tư du lịch của tỉnh là hạ tầng giao thông, cơ sở kỹ thuật do đó phải tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tránh tư tưởng chia đều, đầu tư dàn trải, manh mún, kéo dài gây lãng phí không hiệu quả. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư cho huyện Kon Plông, thành phố Kon Tum, một số di tích lịch sử, văn hóa, vài điểm lên vùng Quốc bảo sâm Ngọc Linh thật sự hoàn chỉnh về hạ tầng giao thông, cơ sở kỹ thuật thỏa mãn được nhu cầu đi lại, ăn, nghỉ, tham quan, vui chơi giải trí của du khách.
Thứ tư, tập trung đào tạo, chuẩn hóa nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng để nâng cao chất lượng phục vụ trong tỉnh và liên kết vùng, hiện nay đây là hai điểm yếu của nguồn nhân lực trong ngành du lịch của tỉnh; phát triển các sản phẩm hàng hóa, sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, sáng tạo và có tính đặc trưng, khác biệt của tỉnh để tạo ra sức cạnh tranh cao như: kết hợp các tour trải nghiệm văn hóa, lịch sử, sinh thái, thám hiểm, trekking, trải nghiệm nông nghiệp, nghề truyền thống, lễ hội tạo ra sự độc đáo, hấp dẫn du khách và nhà đầu tư.
Với lợi thế về tiềm năng sẵn có, chúng ta tin tưởng rằng, nếu được quan tâm chỉ đạo, khai thác và đầu tư hiệu quả nhất định Kon Tum sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút và hài lòng du khách trong và ngoài nước. Ngành du lịch sẽ cất cánh ngang tầm khu vực và cả nước sẽ mang đến nguồn lợi không nhỏ, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Nguyễn Ngọc Sơn