Xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu
Tỉnh ta có nguồn dược liệu dồi dào, trong đó, có những loài có giá trị như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, lan kim tuyến, ngũ vị tử... Để khai thác hiệu quả, nâng tầm giá trị của dược liệu, thời gian qua, các cấp, các ngành chú trọng đầu tư, hỗ trợ bảo tồn, phát triển nguồn dược liệu và gắn với chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dược liệu địa phương.
Chủ trương phát triển dược liệu là một trong những nội dung được Tỉnh ủy Kon Tum quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ngày 2/3/2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, kế hoạch bảo tồn, phát triển, xây dựng thương hiệu dược liệu Kon Tum.
Mục tiêu tỉnh ta đề ra là đến năm 2020, toàn tỉnh phát triển được khoảng 2.000ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm; thu hút đầu tư ít nhất 10 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu địa phương theo chuỗi liên kết phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu... Đến năm 2030, nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu đạt khoảng 25.000 ha, hình thành mới ít nhất 5 cơ sở sản xuất giống dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh; mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh...
|
Theo Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 09/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về triển khai thực hiện các lĩnh vực đột phá trong năm 2019”, việc bảo tồn, đầu tư phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác gắn với xây dựng chuỗi liên kết giá trị và phát triển thương hiệu cũng được xác định là nội dung quan trọng nhằm tạo ra đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chủ trương trên của Tỉnh ủy, thời gian qua, các cấp, các ngành tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, bảo tồn, phát triển diện tích gắn với triển khai chế biến, tiêu thụ dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra các sản phẩm dược liệu có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển dược liệu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh, đặc biệt là sâm Ngọc Linh. Các ngành và các địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và nhân dân về chủ trương, ý nghĩa của việc phát triển dược liệu, từ đó, tích cực tham gia bảo tồn, phát triển.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 1.260ha cây dược liệu; trong đó, có 600ha sâm Ngọc Linh tập trung chủ yếu tại địa bàn huyện Tu Mơ Rông và một số loại cây dược liệu phổ biến như hồng đẳng sâm, đương quy, sa nhân tím, đinh lăng… được trồng tại các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Sa Thầy.
Các ngành, các địa phương cũng tiến hành rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch và vùng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” để thu hút đầu tư phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh tập trung quy mô lớn; gắn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển dược liệu dưới tán rừng; đẩy mạnh việc giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất. Đến nay, đã có 10 doanh nghiệp được tỉnh giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu với tổng diện tích trên 7.300ha tại hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông.
|
Tỉnh ta đã thực hiện tuyển chọn, bảo tồn nguồn gen thuần chủng, phát triển giống gốc bản địa sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác có giá trị kinh tế và dược tính vượt trội để phục vụ cho việc nuôi trồng. Ngành chức năng tập trung nghiên cứu sâu về sự thích nghi, tính chất, chất lượng, công dụng của sâm Ngọc Linh làm cơ sở hoàn thiện quy trình nuôi trồng chăm sóc, thu hoạch, chế biến sản phẩm có giá trị kinh tế cao; phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức triển khai đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Để thúc đẩy việc bảo tồn, xây dựng và phát triển thương hiệu dược liệu của tỉnh Kon Tum, nhất là sâm Ngọc Linh, tỉnh ta đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ cho các đơn vị sản xuất kinh doanh và chế biến dược liệu. Theo đó, tỉnh hỗ trợ một phần chi phí cho nhà đầu tư sản xuất giống sâm Ngọc Linh để hỗ trợ lại giống cho gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia liên kết với trồng sâm Ngọc Linh với nhà đầu tư; hỗ trợ 50 triệu đồng/ha sâm trồng liên kết, diện tích hỗ trợ không quá 10ha/nhà đầu tư. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu còn được hỗ trợ về các thủ tục, hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đối với các cơ sở thu mua, chế biến sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác; công bố sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng do cơ sở sản xuất để đưa ra thị trường.
Hiện nay, ngành Công thương tỉnh đang xúc tiến triển khai Chương trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm sâm Ngọc Linh với nhiều nội dung như hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh Kon Tum công bố chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, kiểu dáng sản phẩm, tên thương mại. Ngành cũng phối hợp các bộ, ngành Trung ương đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” ở thị trường nước ngoài và thực hiện các thủ tục đăng ký Nhãn hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum ra thị trường thế giới; tổ chức xây dựng, kết nối chuỗi phân phối các sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum trong và ngoài nước, gắn kết việc quảng bá thương hiệu và phát huy giá trị của sâm Ngọc Linh Kon Tum...
Để ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái trong sản xuất và tiêu thụ dược liệu, nhất là các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường thường xuyên tăng cường các hoạt động nắm bắt tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh không mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với mặt hàng dược liệu.
Việc tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, liên kết sản xuất phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu để tạo ra đột phá trong nông nghiệp và từng bước đưa tỉnh ta trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia... Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Thiên Hương