Xây dựng thương hiệu đặc sản: Những vấn đề cần tháo gỡ
Tỉnh ta có nhiều đặc sản và những đặc sản ngày càng được người tiêu dùng ở các nơi khác biết đến và ưa chuộng. Mỗi khi có dịp đến thăm Kon Tum du khách thường chọn mua những sản vật này làm quà biếu người thân.
Tuy nhiên, trên thực tế lại có rất ít các sản vật được chú ý trong khâu xây dựng thương hiệu đặc sản của địa phương. Nghĩa là những mặt hàng này được bảo hộ, phát triển nhãn hiệu, thương hiệu tập thể… Trong khi đó, yêu cầu thị trường đòi hỏi sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được bảo hộ từ các cơ quan chức năng của Nhà nước.
Tỉnh ta có nhiều đặc sản như: Sâm Ngọc Linh, cà phê, gạo đỏ, rượu cần, sim Kon Plông, măng khô, chuối rừng, sơn tra, mật ong rừng... Và, hiện nay, với việc triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm đặc trưng” ngày càng có nhiều đặc sản địa phương được khai thác, đưa ra thị trường, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, một số sản phẩm nông nghiệp, dược liệu…phục vụ tiêu dùng là đặc sản của các địa phương, như: cà phê Đăk Hà, rượu vang sim Măng Đen, sâm Ngọc Linh, rượu gạo đỏ... từng bước xây dựng được thương hiệu, có nhãn hiệu hàng hóa và có mặt tại hệ thống các cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Nhưng đó chỉ là số ít địa phương, doanh nghiệp có ý thức chú trọng xây dựng thương hiệu cho đặc sản do địa phương, đơn vị làm ra nhằm đảm bảo giữ uy tín sản phẩm, tránh nạn làm hàng giả, đồng thời tạo giá trị gia tăng của sản phẩm trên thị trường.
|
Thẳng thắn nhìn nhận, việc dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Đa phần các sản phẩm được khách hàng tìm đến chỉ là do “hữu xạ tự nhiên hương”, bởi chất lượng sản phẩm đặc trưng gây sự chú ý với khách hàng và từ đó người tiêu dùng giới thiệu cho nhau, chứ chưa được các địa phương, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo dựng “chỗ đứng thật sự” của các đặc sản đối với khách hàng trên thị trường.
Trong khi đó, thực tiễn đã chứng minh, thương hiệu là công cụ hữu ích của doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp bảo vệ hợp pháp những đặc điểm hoặc hình thức đặc trưng riêng có của sản phẩm; tạo dựng được niềm tin của khách hàng. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hoá là cần thiết, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Đặc sản địa phương cũng là các sản phẩm hàng hóa, do vậy cũng chịu sự tác động bởi các quy luật cạnh tranh và cung cầu, muốn tồn tại và phát triển được thì các hàng hóa đặc sản địa phương cần phải được tạo lập, bảo tồn và nâng cao giá trị hàng hoá.
Xây dựng thương hiệu chính là giải pháp hiệu quả để người dân tạo lập, bảo tồn và phát triển được các giá trị của sản phẩm hay nói cách khác là giúp cho sản phẩm đặc sản địa phương có sức cạnh tranh và có chỗ đứng trên thị trường. Thế nhưng, điều này lại chưa được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương trên địa bàn tỉnh coi trọng và thực hiện.
Theo đánh giá ở Sở Công thương, sở dĩ người dân và doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho sản phẩm là do nhiều cơ sở chưa thấy được tầm quan trọng và giá trị thương hiệu của sản phẩm.
Điều quan trọng hơn là do các đơn vị, hợp tác xã, hộ sản xuất của tỉnh đa số ở quy mô vừa và nhỏ, trong khi việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hoá dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể thì đòi hỏi yêu cầu cao về chuyên môn, cũng như chi phí đầu tư phải lớn...
Bên cạnh đó, việc sản xuất các sản phẩm đặc sản, nông sản ở các địa phương hiệu nay chủ yếu theo hình thức đơn lẻ, manh mún và tự phát; công nghệ thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn thủ công thô sơ; ứng dụng khoa học trong sản xuất và chế biến chưa nhiều dẫn đến chất lượng sản phẩm thiếu đồng nhất, thiếu ổn định. Vì thế, việc người nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp tự đăng ký, quản lý và khai thác thương hiệu gặp nhiều khó khăn.
Việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm cũng là vấn đề cần quan tâm hiện nay trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên thị trường và làm cho “chủ các thương hiệu” nản lòng và gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng của các doanh nghiệp, hợp tác xã…
Thực tế có không ít doanh nghiệp phải mất rất nhiều công sức, chi phí để xây dựng được thương hiệu của mình, nhưng khi có thương hiệu rồi thì việc bảo vệ lại không được chặt chẽ, nghiêm túc trước nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi, phức tạp dẫn đến việc mất thương hiệu hoặc thương hiệu bị ảnh hưởng. Vì vậy, không ít doanh nghiệp, hợp tác xã “ngại” đầu tư làm thương hiệu, dù họ vẫn ý thức được cái lợi của việc xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Có thể nói, tiềm năng về các loại hàng hoá đặc sản, mang tính đặc trưng của các địa phương trên địa bàn tỉnh ta khá dồi dào. Trong bối cảnh thị trường hội nhập cùng với yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao thì việc tạo dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hoá là điều hết sức cần thiết, để đặc sản của các địa phương tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhưng để làm được điều này, bên cạnh đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ của chính các doanh nghiệp, hợp tác xã thì sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, sự tiếp sức của ngành chức năng là không thể thiếu được.
Thiên Hương