Chùm ảnh: Côn Đảo- Vùng đất anh hùng
16/01/2025 04:57
Côn Đảo là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Côn Đảo có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và là nơi nuôi dưỡng tinh thần cách mạng kiên cường của nhiều thế hệ nhà cách mạng và người yêu nước Việt Nam.
|
Huyện Côn Đảo có diện tích gần 76km2 với 16 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau. Huyện nằm cách trung tâm thành phố Vũng Tàu khoảng 185km về hướng Đông-Nam (Ảnh Xuân Đà). |
|
|
Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh An Sơn Miếu ở huyện Côn Đảo. Đây là nơi thờ Bà Phi Yến, người phụ nữ tài sắc và giàu lòng ái quốc. Hằng năm, vào ngày 18/10 âm lịch, nhân dân huyện Côn Đảo đều chung tay tổ chức Lễ giỗ Bà Phi Yến rất long trọng. Lễ giỗ Bà Phi Yến là sự kiện văn hóa tại huyện Côn Đảo được Bộ VH,TT&DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. |
|
|
Bảo tàng Côn Đảo nằm trên đường Nguyễn Huệ, huyện Côn Đảo. Bảo tàng hiện có khoảng 2.000 tư liệu, hiện vật quý về lịch sử, văn hóa con người và vùng đất Côn Đảo qua các thời kỳ. |
|
|
Di tích Chuồng cọp Pháp (Di tích Quốc gia đặc biệt) được xây dựng vào năm 1940. Di tích có tổng diện tích 5.475m2, bao gồm 100 phòng giam có chắn song sắt bên trên và 60 phòng tắm nắng không có mái che dùng để tra tấn tù chính trị. Chuồng cọp Pháp là nơi kết thúc thất bại của chiến dịch ly khai đàn áp gần 2.000 người tù chính trị mà địch thực hiện từ năm 1957-1961. |
|
|
Di tích Trại Phú Sơn (Di tích Quốc gia đặc biệt) là nơi đã từng giam giữ đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Sau những trận tra tấn của địch và bị bệnh nặng, trưa ngày 6/9/1942, đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã trút hơi thở cuối cùng tại Xà lim số 5 (Trại Phú Sơn). |
|
|
Di tích Trại Phú Bình-Chuồng cọp Mỹ (Di tích Quốc gia đặc biệt) được xây dựng vào năm 1971. Di tích có tổng diện tích 29.618m2, gồm 8 khu (mỗi khu có 48 phòng biệt lập). Đây là nơi khởi đầu và là trung tâm chỉ đạo cuộc nổi dậy giải phóng hoàn toàn Côn Đảo vào sáng 1/5/1975 của tù chính trị. |
|
|
Nghĩa trang Hàng Dương (Di tích Quốc gia đặc biệt) là nơi an nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày từ năm 1862-1975. Nghĩa trang Hàng Dương được nhiều người dân và du khách ghé thăm khi đến với Côn Đảo. Đây là “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng và lòng yêu nước của các thế hệ người dân Việt Nam. |
|
Đức Thành