Xây dựng sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng
Thực hiện chương trình xây dựng “Mỗi xã một sản phẩm”, từ những lợi thế của địa phương, huyện Tu Mơ Rông đã tập trung vào các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng.
Trong chương trình xây dựng “Mỗi xã một sản phẩm”, huyện Tu Mơ Rông đã đăng ký 7 loại sản phẩm đặc trưng gồm: Cà phê xứ lạnh, mật ong rừng, sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm, ngũ vị tử, sơn tra và đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng xã Măng Ri. Trong đó, việc xây dựng thương hiệu du lịch tại Măng Ri được đánh giá là sẽ tạo tiền đề, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm.
Theo đánh giá của ông Bùi Minh Thắng - Tổng giám đốc Công ty Victory Tour, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tour du lịch khám phá núi Ngọc Linh là một tour du lịch kén khách, nhưng nếu biết cách khai thác, nó sẽ trở thành một điểm đến mới lạ và thu hút đông đảo khách du lịch.
Du lịch phát triển, tất yếu sẽ kéo theo việc thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, dược liệu và sẽ kích thích địa phương mở rộng diện tích sản xuất. Đặc biệt, các sản phẩm đặc trưng đã được huyện đăng ký thương hiệu sẽ trở thành những sản phẩm chủ lực được giới thiệu đến du khách.
Xác định chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định giá trị và sự lớn mạnh của thương hiệu, UBND huyện Tu Mơ Rông cũng đưa ra nhiều giải pháp, khuyến cáo người dân thu hái dược liệu đúng thời điểm, bảo quản đúng quy trình.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đưa ra các giải pháp bảo vệ thương hiệu, tránh tình trạng thương lái trà trộn, làm giả các sản phẩm đặc trưng. Ông Nguyễn Bá Thành - Chủ tịch UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Chúng tôi đã tuyên truyền bà con không tham gia đưa các giống lạ đến địa bàn trồng, giao dịch bán như cây hàng hóa. Theo UBND tỉnh chỉ đạo, chỉ có 2 đơn vị là Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Trung tâm ươm tạo giống của Công ty TNHH MTV Lâm trường Đăk Tô thực hiện chức năng cung cấp nguồn giống trên địa bàn. Chúng tôi cũng rất chú trọng việc tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân và các tổ chức, không tham gia buôn bán các cây dược liệu không rõ nguồn gốc trên địa bàn xã.
Tuy nhiên, câu chuyện về chất lượng các sản phẩm được đăng ký thương hiệu nói chung và dược liệu nói riêng vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Ông A Rin Ka – Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông đánh giá: Phát triển dược liệu trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng và sản lượng còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng.
Bên cạnh đó, lãnh đạo huyện Tu Mơ Rông cho biết, hiện huyện cũng đang gặp khó trong việc bảo hộ thương hiệu dược liệu. Vẫn còn tình trạng thương lái nhập dược liệu từ địa phương khác về, dán nhãn mác dược liệu Tu Mơ Rông...
|
Trong 7 loại sản phẩm đặc trưng trên địa bàn, ngoài sâm Ngọc Linh, sâm dây đã tìm được chỗ đứng trên thị trường..., các sản phẩm còn lại vẫn đang trong quá trình khẳng định thương hiệu. Có thể thấy, để huyện Tu Mơ Rông xây dựng mỗi xã một sản phẩm đạt hiệu quả thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trước hết, đó là phải giải quyết những khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Vì, chỉ có giải quyết tốt khâu đầu ra của sản phẩm, thì người dân mới có thể an tâm, mạnh dạn đầu tư cho sản xuất. Đồng thời, bên cạnh sự định hướng, mở rộng diện tích dược liệu, nông sản, cũng cần có sự vào cuộc quyết liệt chính quyền địa phương trong việc giám sát, khuyến cáo, vận động người dân trong khâu thu hái, bảo quản sản phẩm đảm bảo đúng quy trình, quy định để nâng cao chất lượng sản phẩm - kết hợp với tăng cường kiểm soát thị trường, tránh sự trà trộn của hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tất Thành