Xây dựng nông thôn mới ở xã Vinh Quang: Vẫn còn những nan giải trong triển khai
Trong những năm qua, cấp uỷ đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum) nỗ lực xây dựng nông thôn mới; nhờ vậy, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Tuy nhiên, để đạt chuẩn nông thôn mới, xã Vinh Quang cần phải phấn đấu nỗ lực nhiều hơn nữa.
Dấu ấn từ nông thôn mới
Đi dọc các tuyến đường vào xã Vinh Quang và vào sâu các tuyến đường liên thôn, ngõ xóm, chúng tôi không hỏi ngạc nhiên thấy đường sá khang trang, sạch đẹp hơn những năm về trước.
Ông Đặng Quốc Hưng (thôn Phương Quý I) khẳng định, việc vệ sinh môi trường ở các thôn, làng sạch, bảo đảm các tiêu chí về môi trường là do người dân các thôn tự bỏ tiền (10 nghìn đồng/hộ/tháng) để hợp đồng người thu gom rác thải.
“Hàng tuần, các hộ tập kết rác tại một điểm trong thôn, xe đến thu gom rác và chở đến khu chứa rác thải của thành phố Kon Tum. Nhờ cộng đồng cùng hưởng ứng, từ năm 2013 đến nay, vấn đề môi trường ở xã Vinh Quang được giải quyết triệt để, không còn ô nhiễm như trước”, ông Hưng chia sẻ.
Ở thôn Trung Thành, công cuộc chuyển đổi cây trồng của người dân đạt được những kết quả quan trọng. Trên diện tích đất gò đồi trước đây trồng mì bạc màu, nay người dân chuyển đổi sang trồng 250 ha cao su, 7 ha cà phê...
|
Ông Ngô Văn Lực - Trưởng thôn Trung Thành cho biết, mặc dù những năm gần đây giá mủ cao su hạ, nhưng người dân trồng cao su vẫn thu 500-600 nghìn đồng/ha/lần cạo. Tính ra trong 1 tháng với 15 lần cạo mủ, người dân trồng cao su thu từ 7,5-9 triệu đồng/ha. Cây cao su vẫn là cây trồng giúp cho người dân có thu nhập ổn định hơn một số cây trồng khác.
Có rất nhiều hộ gia đình trong thôn Trung Thành như ông Hà Hùng, Đặng Tuấn... vươn lên làm giàu nhờ cây cao su.
Trước đây gia cảnh cũng khó khăn như bao hộ khác, nhưng nhờ phát triển được 9ha cao su kết hợp với buôn bán mủ cao su, những năm gần đây, gia đình ông Hà Hùng có thu nhập 500-600 triệu đồng/năm. Gia đình ông Đặng Tuấn phát triển 11ha cao su; kết hợp với buôn bán mủ và nông sản, gia đình ông Tuấn có thu nhập từ 600-700 triệu đồng/năm.
Có hộ không có đất chuyên canh cao su, nhưng nhờ phát triển nuôi heo theo hình thức trang trại kết hợp với buôn bán thức ăn gia súc như ông Trần Văn Đâu (thôn Trung Thành) thu từ 200-300 triệu đồng/năm.
“Kinh tế phát triển, người dân trong thôn có điều kiện mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị. Các hộ gia đình vươn lên trong xây dựng nông thôn mới là nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất - ông Ngô Văn Lực khẳng định.
Ông A Hậu - Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết, trong năm 2017-2018, thôn Trung Thành được Nhà nước hỗ trợ đầu tư 1,6 tỷ đồng và người dân trong thôn bỏ công sức, tiền (tổng giá trị hơn 800 triệu đồng) xây dựng 2,3 km đường bê tông. Các tuyến đường bê tông xây dựng đúng quy cách, đẹp và chắc chắn.
Khó khăn cần giải quyết
Nhờ địa phương tập trung huy động đầu tư xây dựng, tiến hành bê tông hóa hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, đường sá ở xã Vinh Quang không khác phố thị là bao. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, xã Vinh Quang còn tới 27 km đường giao thông cần được đổ bê tông để đạt tiêu chí nông thôn mới, tương ứng với số tiền Nhà nước đầu tư khoảng 20 tỷ đồng. Đó là chưa kể xã còn cần phải đầu tư trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hoá... để đáp ứng yêu cầu nông thôn mới.
Vấn đề đang được cấp uỷ đảng, chính quyền xã Vinh Quang quan tâm là, vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là người dân ở các thôn đồng bào dân tộc thiểu số thu nhập bình quân đầu người vẫn còn thấp. Trong khi đó, quỹ đất để người dân có thể khai thác, mở rộng sản xuất nhằm nâng cao thu nhập không còn.
Theo báo cáo đánh giá của xã Vinh Quang về xây dựng nông thôn mới, năm 2017 thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 29 triệu đồng/năm, trong khi đó, yêu cầu đạt chuẩn nông thôn mới trên 31 triệu đồng/người/năm và theo quy định mức đạt chuẩn năm sau đòi hỏi lại phải cao hơn nữa.
Tính đến thời điểm này, xã Vinh Quang đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là quy hoạch; thuỷ lợi; điện; cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; thông tin-truyền thông; nhà ở dân cư; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm; tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; văn hoá; môi trường và an toàn thực phẩm; hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh. Các tiêu chí chưa đạt là giao thông; trường học; cơ sở vật chất văn hoá; thu nhập; y tế.
“Các tiêu chí chưa đạt còn nhiều và là những tiêu chí khó, trong khi đó, xã Vinh Quang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2019 đạt chuẩn nông thôn mới. Trước những yêu cầu đặt ra, bên cạnh sự nỗ lực của cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân, xã Vinh Quang đề nghị các cấp, các ngành quan tâm bố trí đủ vốn để xã xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo đảm các tiêu chí nông thôn mới theo kế hoạch” - ông A Hậu Chủ tịch xã Vinh Quang nhấn mạnh.
Văn Nhiên