Kỹ nghệ chỉnh âm cồng chiêng của người Xơ Đăng
Thời gian qua, dù xã hội có nhiều thay đổi, nhưng cộng đồng người Xơ Đăng trên địa bàn tỉnh vẫn luôn nỗ lực bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đặc biệt là kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng. Không cầu kỳ, không phô trương, kỹ nghệ này vẫn được người Xơ Đăng nỗ lực gìn giữ, bảo tồn qua các thế hệ.
Người Xơ Đăng gọi chiêng bằng là Chinh, chiêng núm là Guông, xem cồng chiêng là biểu tượng cho sự sống và niềm tin thiêng liêng. Họ không chế tác được chiêng, mà tin rằng chiêng do thần linh ban tặng, dùng để bảo vệ dân làng, xua đuổi tà ma, mừng mùa bội thu và tiễn đưa người quá cố. Mỗi dịp lễ hội truyền thống, cồng chiêng luôn hiện diện như một nhịp điệu không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân.
|
Tại làng Kon Bưu (xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy), chúng tôi có dịp gặp gỡ nghệ nhân A Nhất, người đã dành cả cuộc đời mình để bảo tồn và truyền dạy cồng chiêng, nghệ thuật chỉnh âm cồng chiêng. Năm nay đã 76 tuổi, mái tóc bạc và đôi tay gân guốc, ông vẫn cần mẫn, tỉ mỉ chỉnh sửa từng chiếc chiêng trong ngôi nhà sàn cũ kỹ của mình.
Mang ra bộ chiêng 12 chiếc được bảo quản cẩn thận, ông A Nhất giới thiệu cho chúng tôi từng đặc tính và công dụng của mỗi chiếc. Những chiếc chiêng dù đã qua nhiều năm tháng vẫn giữ nguyên được âm thanh trong trẻo, sâu lắng, mang hơi thở linh thiêng của núi rừng Tây Nguyên. Bộ chiêng này được tìm tòi, sưu tập từ nhiều nơi và ghép thành bộ hoàn chỉnh, được truyền qua ba thế hệ. Mỗi chiếc chiêng, mỗi âm thanh đều chứa đựng một câu chuyện, một ký ức gắn liền với bà con Xơ Đăng tại làng.
Biết đến cồng chiêng từ sớm, những ngày tháng đầu tiên học chỉnh chiêng của ông A Nhất không có ai chỉ bảo, ông phải tự nghe, tự cảm nhận từng âm thanh, nhịp điệu để chỉnh cho đúng. Với năng khiếu sẵn có, ông dần tiếp cận và sở hữu đôi tai thính, nhạy, chỉ cần nghe là biết chiêng đúng điệu hay “lạc nhịp”. Nhiều năm nay, ông A Nhất luôn kiên trì truyền lại những kiến thức quý báu của mình cho thế hệ trẻ trong làng. Chính sự kiên nhẫn và tận tâm ấy, ông trở thành biểu tượng trong làng về sự tâm huyết gìn giữ những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Nghệ nhân A Nhất giải thích: Tôi chỉnh sửa chủ yếu bằng tay, dùng tai để cảm nhận. Mỗi lần như thế, tôi hòa vào từng nhịp chiêng, cảm thấy như đang trò chuyện cùng tổ tiên của mình. Âm thanh của chiêng phải được chỉnh cho đúng, nếu không sẽ mất đi tính linh thiêng trong các nghi lễ. Chiêng còn phải được chỉnh sửa sao cho phù hợp với không khí của từng mùa vụ, để âm thanh của chiêng có thể hòa nhập vào nhịp sống của cộng đồng. Chiêng phải vang đúng thì lễ cúng mới linh thiêng, Yang mới nhận lễ của bà con.
|
Tại thôn Năng Lớn 3 (xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông), nghệ nhân A Bâu (41 tuổi) là một trong những người tâm huyết, nỗ lực gìn giữ kỹ nghệ chỉnh chiêng của người Xơ Đăng. May mắn sinh ra trong gia đình có truyền thống về cồng chiêng, anh A Bâu được học đánh chiêng từ khi còn nhỏ. Khi trưởng thành, anh không chỉ chỉnh chiêng thành thạo mà còn truyền dạy cho các em nhỏ trong làng.
Nghệ nhân A Bâu chia sẻ: Được tham gia các lớp tập huấn về chỉnh chiêng, hiện tôi biết cách áp dụng phần mềm và dựa theo phím đàn guitar để tìm âm thanh đúng cho chiêng. Mỗi bộ chiêng sẽ có một thanh âm riêng, nếu lệch là thần linh không nhận và không thể mời tổ tiên về dự tại các lễ hội, sinh hoạt của cộng đồng. Ý thức được trách nhiệm của mình, tôi luôn giữ gìn kỹ nghệ chỉnh chiêng và truyền dạy cho nhiều học trò trong làng. Hy vọng rằng lớp trẻ sẽ tiếp nối và gìn giữ những âm thanh cổ của dân tộc mình.
Tại một buổi truyền dạy kỹ năng chỉnh chiêng do Sở VH,TT&DL tổ chức trong tháng 4 vừa qua, chúng tôi gặp nghệ nhân trẻ A Hội (30 tuổi, người Xơ Đăng) ở thôn Kon Mong Tu (xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy). Có năng khiếu về cồng chiêng, tuy nhiên kỹ năng chỉnh chiêng đối với anh còn khá mới mẻ. Tại lớp học, mỗi khi A Hội thực hành sửa chiêng, tuy tay cầm búa gõ vào mặt chiêng còn lóng ngóng, nhưng khi chiếc chiêng ngân được đúng điệu, ánh mắt anh A Hội lại bừng sáng, niềm vui đong đầy trong đáy mắt.
Anh A Hội chia sẻ: Được tham gia tập huấn, học những kiến thức khoa học giúp mình hiểu nhiều điều lắm. Mình thấy rằng việc sửa chiêng không kỳ bí và khó như nhiều người nói. Khi sửa được chiêng, mình thấy như đang nói chuyện được với tổ tiên, được tổ tiên chứng giám. Mình dự định sau lớp tập huấn sẽ về thành lập một nhóm bạn trẻ chỉnh chiêng của làng. Từ đó giúp các bộ chiêng cổ của cộng đồng được chỉnh sửa và mang ra sử dụng.
|
Trong quá khứ, ở mỗi cộng đồng làng, kỹ năng chỉnh chiêng là yêu cầu bắt buộc với các nghệ nhân lớn tuổi và các già làng, những người chịu trách nhiệm tổ chức lễ cúng. Tuy nhiên, với cuộc sống hiện đại, sự du nhập văn hóa và lối sống mới khiến nhiều giá trị truyền thống dần mai một. Thực tế hiện nay, người biết chỉnh chiêng chỉ chiếm phần nhỏ; người trẻ biết chỉnh chiêng còn hiếm hơn.
Theo điều tra, khảo sát từ ngành Văn hóa, tại các cộng đồng làng hiện nay, nhiều bộ chiêng cổ hiện không còn phát đúng âm thanh do bị móp méo, hoặc từng bị chỉnh sai kỹ thuật. Người giữ nghề không có người kế thừa, khiến “giọng” chiêng bị thất truyền. Việc tìm mua chiêng cổ cũng khó khăn do giá cao và nguy cơ bị thất lạc sang vùng khác.
Trước nguy cơ đó, ngành Văn hóa và các cấp chính quyền, địa phương đã phối hợp với các nghệ nhân mở lớp truyền dạy kỹ năng chỉnh chiêng, hướng đến việc số hóa âm thanh mẫu, chuẩn hóa tài liệu về chỉnh chiêng. Các nghệ nhân được tham gia tập huấn, được tạo điều kiện để ghi chép, quay video quá trình chỉnh chiêng để làm tư liệu tự học, truyền dạy lại cho cộng đồng.
Theo phân tích khoa học, đơn vị nhỏ nhất của âm nhạc hiện đại (1 phím đàn guitar hay nửa cung) có giá trị 100 cents; trong đó, độ chênh cao độ cần chỉnh chiêng chỉ dao động từ 7–10 cents. Đây là những quãng siêu nhỏ, tai thường khó cảm nhận nhưng giàu cảm xúc, mang sắc thái đặc trưng của cộng đồng.
Thang âm cổ của người Xơ Đăng khác biệt với âm nhạc hiện đại, có hệ âm giai riêng biệt, đậm chất dân gian. Có nơi dùng 5 chiêng, có nơi dùng từ 6 – 8 chiếc và có thể nhiều hơn; mỗi chiếc chiêng đều mang một cung bậc riêng, nếu không dùng máy đo chính xác thì phải có đôi tai thật nhạy và tinh tế mới cảm nhận được.
Xét trong dàn 8 chiêng, thì chiêng của người Xơ Đăng sẽ giống các chiêng ở những cộng đồng người DTTS ở các chiêng 2, 4, 5, 7, có cao độ trùng khớp với các phím đàn guitar ở các quãng 4 đúng, 5 đúng và 8 đúng. Các chiêng số 1, 3, 6, 8 sẽ khác nhau, được xác định như sau: Chiêng số 1 sẽ thấp hơn chiêng số 2 khoảng 187 cents; chiêng số 3 sẽ cao hơn chiêng số 2 khoảng 340 cents; chiêng số 6 sẽ thấp hơn chiêng số 7 khoảng 168 cent; chiêng số 8 sẽ cao hơn chiêng số 7 khoảng 172 cents.
Ông Phan Văn Hoàng – Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL khẳng định: Không có chỉnh chiêng thì không còn không gian cồng chiêng đúng nghĩa. Không gian ấy không chỉ là biểu diễn mà còn là nghi lễ, là tâm linh, là bản sắc dân tộc. Thời gian qua, kỹ nghệ chỉnh chiêng được ngành Văn hóa tích cực gìn giữ qua việc mở nhiều lớp truyền dạy, số hóa tư liệu về kỹ năng chỉnh chiêng và lồng ghép vào hoạt động du lịch văn hóa tại địa phương. Trong đó, đặc biệt phát huy vai trò, tâm huyết của các nghệ nhân trong gìn giữ, bảo tồn và truyền dạy lại cho thế hệ sau.
Hoàng Thanh