• Thời sự - Chính trị
    • Xây dựng Đảng
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
    • An toàn giao thông
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
    • Nhịp cầu bạn đọc
[EMAGAZINE] BÁO CHÍ KON TUM - ĐỒNG HÀNH CÙNG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH    Xã luận: Một thế kỷ đồng hành cùng dân tộc    Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh    Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam    Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Ngọc kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei   

Đất & Người Kon Tum

Người dành trọn đời cho thổ cẩm

23/05/2025 06:02

Không phải vàng, bạc đá quý, cũng không phải trâu, bò, ruộng vườn, 73 năm tuổi đời, “của để dành” của ông Đep (thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) là những tấm thổ cẩm do mình dệt nên. Những tấm thổ cẩm vượt thời gian, mang bản sắc văn hóa truyền thống là một phần cuộc sống của chính ông - người dành trọn đời cho thổ cẩm.

Những tấm thổ cẩm vượt thời gian

Lững thững bước về phía căn phòng nhỏ trong căn nhà cấp 4 bên dòng Đăk Bla thơ mộng, ông Đep cười thật tươi, bảo sẽ có bất ngờ cho khách. Đôi phút sau, ông trở ra, tay xách 2 túi ni lông cũ kỹ. Đôi mắt ông sáng lên: 1 túi đựng 3 tấm thổ cẩm được dệt từ 53 năm trước; 1 túi đựng những tấm thổ cẩm cuối cùng kể từ khi buông khung cửi. Cả cuộc đời của mình gói ghém trong này”.

2 chiếc túi được mở ra. Áo, khố thổ cẩm với những đường nét tinh xảo được gấp gọn gàng. Tất cả đều do ông dệt nên, gói trọn tâm huyết và tình yêu của ông dành cho thổ cẩm.

Mảnh thổ cẩm màu trắng, hình chữ nhật với họa tiết nhà rông được ông Đep khâu lên ngực trái chiếc áo thổ cẩm đẹp nhất. “Tấm này 53 năm rồi, tự tay mình trồng bông, dệt vải, nhuộm màu bằng vỏ cây rồi dệt nên. Khi tự tay mình dệt nên một biểu tượng văn hóa của dân tộc Ba Na, tự hào lắm!”- ông Đep giới thiệu.

Ông Đep say sưa kể chuyện thổ cẩm. Ảnh: H.T

 

Trong cuộc trò chuyện tìm hiểu về thổ cẩm, ông Đep như được “cháy” với tình yêu của mình. Mà đúng hơn, tình yêu thổ cẩm trong ông đã hòa chung với dòng máu chảy trong tim, dù có ngưng dệt, vẫn luôn nguyên vẹn như thuở đầu làm quen với khung cửi. Chỉ vào tấm thổ cẩm bạc màu vì thời gian, với sự khác biệt rất lớn so với những tấm thổ cẩm được dệt bằng chỉ ngày nay, ông bảo: “Tấm này cũng được mình dệt năm 1972. Đây là khố Kơ Teh. Hoa văn rất đặc biệt với hình cây, lá, hoa, trái của cây Kơ Teh. Ngày đó, bà con mình nhìn cây trong thực tế, suy nghĩ rồi dệt nên. Ngày đó, khi vào lễ hội đâm trâu, đàn ông phải mặc khố Kơ Teh”.

Bao nhiêu năm trôi qua, trải qua bao lần chuyển đổi, làm nhà, những tấm thổ cẩm với chất liệu đặc biệt từ sợi bông, từ vỏ cây, lá cây vẫn sống mãi với ông. Thực ra, ông từng lưu giữ 5 tấm nhưng đã gửi cho Bảo tàng tỉnh 1 tấm để lưu giữ. Vừa rồi, ông tặng cho con trai 1 tấm và giữ lại 3 tấm. Khi chúng tôi hỏi mua với giá 6 triệu đồng, ông lắc đầu: “Giá trị thời gian, giá trị văn hóa, quý giá lắm, không đổi bằng tiền được đâu. Cách đây nhiều năm, người ta trả mình 5 triệu đồng, mình không bán”- ông Đep nói.

Quý nhưng không vì thế mà ông cất giữ khư khư cho riêng mình. Từ trước đến nay, bất kể ai cần, ai mượn, ông đều sẵn sàng hỗ trợ. Bởi với ông, cũng như các nghề truyền thống khác, nghề dệt rất cần sự tiếp nối các thế hệ. “Nhiều người mượn thổ cẩm của mình để dạy học, giới thiệu về nghề truyền thống của các DTTS, đó là việc rất quý, không có lý do gì mà mình không cho mượn. Có điều, ngoài người quen, cũng có người ở khắp nơi ghé đến tìm mượn. Mình đang nghĩ đến việc phải lưu lại căn cước công dân khi cho mượn, vì lo họ lấy mất, không biết đâu mà tìm” – ông Đep nói.

Những tấm vải nhưng không đơn thuần là vải, đó là cả quá trình kỳ công dệt, quá trình gìn giữ văn hóa, gìn giữ nghề truyền thống. Ông Đep nói rằng, đây sẽ là món quà quý giá để trao truyền lại cho các con, các cháu khi ông trở về với cát bụi.

 
Những tấm thổ cẩm là báu vật quý giá của ông Đep. Ảnh: H.T

 

Mãi mãi một tình yêu

Những tưởng dệt thổ cẩm chỉ là công việc dành cho phụ nữ, nhưng với ông Đep lại khác. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, nhưng tình yêu dành cho thổ cẩm của ông vẫn bền chặt.

Ông vẫn nhớ như in ngày hoàn thành tấm thổ cẩm cuối cùng. Sau một thời gian ngồi chai mắt cá chân, tấm thổ cẩm cũng hoàn thiện như ý muốn. Mọi lần, khi dệt xong một tấm thổ cẩm, ông mừng vui, sung sướng lắm. Còn lần này, ông thấy lòng trĩu nặng.  “Có lẽ đây là lần cuối cùng tao ngồi với mày. Cái lưng tao đã quá đau, tao không thể dệt thêm được nữa”- thẫn thờ hồi lâu trước khung cửi, ông Đep gửi những lời tạm biệt từ đáy lòng của mình đến “người bạn” đã cùng ông đi qua bao tháng năm của cuộc đời.

Với người Ba Na xưa, đàn ông chẻ tre, đan lát; đàn bà dệt thổ cẩm. Nhưng mọi thứ dường như trái ngược với ông Đep. Ông không đan lát giỏi nhưng lại múa dẻo, hát hay và dệt giỏi. Ông cứ nhìn các bà, các mẹ làm rồi làm theo. Khi Kon Tum còn lửa đạn chiến tranh, khi việc làm chỉ, nhuộm sợi chỉ hoàn toàn bằng thủ công từ vỏ cây, lá cây, ông Đep đã tự dệt vải phục vụ cho gia đình.

Nhớ lại thời hoàng kim của thổ cẩm, đó là khoảng thời gian ông ăn, ngủ bên khung cửi nhưng vẫn không làm kịp theo yêu cầu của bà con. Ông miệt mài dệt vải đổi gạo, đổi cá khô để nuôi sống gia đình. Thuở ấy, ở làng rất nhiều người biết dệt, nhưng họ cứ tìm đến ông, vì sự tỉ mỉ, sự tinh xảo, cẩn thận trong từng đường nét.

Qua thời hoàng kim, thổ cẩm không còn là trang phục được mặc hàng ngày, ông vẫn không quên nghề. Ngoài những giờ đồng áng, ông lại cặm cụi dệt đến còng lưng, hoa mắt. Nói là không huy hoàng, nhưng thi thoảng vẫn có người tìm mua. “Nhiều người Việt kiều đặt mình làm, có dịp về họ lấy. Chỉ cần nghĩ đến việc thổ cẩm dân tộc được trân quý ở mọi miền trên đất nước, trên thế giới là cái bụng mình reo vui”- ông Đep nói. 

Ông Đep dạy lớp trẻ “đọc” hoa văn trên thổ cẩm. Ảnh: H.T

 

“Đọc” hoa văn trên thổ cẩm

Nhìn hoa văn thổ cẩm trên chiếc áo dài của chị bạn đi cùng, ông liền bảo: Đây là họa tiết của dân tộc Chăm. Cầm một tấm khác, ông bảo, đó là họa tiết của dân tộc Gia Rai. Mỗi dân tộc là một sắc màu. Hoa văn trên thổ cẩm của các dân tộc cũng khác nhau, không dễ để nhận biết.

Ông Đep không nắm được hết hoa văn trên thổ cẩm của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước, nhưng ông tự tin “đọc” được các hoa văn, họa tiết thổ cẩm của 7 dân tộc tại chỗ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là của dân tộc Ba Na và Gia Rai. Có cơ duyên được tham gia nhiều cuộc thi về văn hóa trong và ngoài tỉnh, ông gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ nhân dệt. Hiểu biết được tích lũy mỗi ngày, dần thành quen mắt, chỉ nhìn qua, ông có thể biết được hoa văn thổ cẩm của dân tộc nào.

Ông nói rằng, việc “đọc” được hoa văn của thổ cẩm cũng rất quan trọng. “Nhiều bạn dân tộc Ba Na nhưng mặc đồ thổ cẩm dân tộc Gia Rai mà không hay biết. Tất nhiên là vẫn được thôi. Nhưng mình nghĩ, nếu hiểu được hoa văn, trong các dịp đặc biệt, các bạn sẽ chọn hoa văn, thổ cẩm của chính dân tộc mình sẽ ý nghĩa hơn”- ông Đep lí giải.

Chưa bao giờ ông “giấu nghề”, thậm chí, ông luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn thế hệ trẻ “đọc” hoa văn thổ cẩm. Làm nghề liên quan đến thổ cẩm, chị Y Rum (thôn Kon Rờ Bàng 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) thường xuyên nhờ ông Đep tham vấn. “Có lần, 12h đêm mình ghé đến hỏi về hoa văn thổ cẩm, ông vẫn nhiệt tình hướng dẫn. Ông là bậc tiền bối, là nguồn cảm hứng giúp mình gắn bó với thổ cẩm”- chị Rum chia sẻ.

Dù cổ họng đau rát vì bị amidan nhưng ông Đep vẫn sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện liên quan đến thổ cẩm. Ông mong muốn, mỗi câu chuyện kể ra sẽ truyền thêm tình yêu thổ cẩm cho thế hệ trẻ, tiếp nối bước cha ông, gìn giữ nghề truyền thống.

Hoài Tiến

   

Các tin khác

  • Rượu ghè men lá H’nham
  • Gìn giữ kho tàng Sử thi Kon Tum
  • Suối Đăk Lôi níu chân du khách
  • Kỹ nghệ chỉnh âm cồng chiêng của người Xơ Đăng
  • Người giữ lửa nghề truyền thống ở Đăk Niêng
  • Đâu chỉ là máu xương
  • Những bước chân vì cộng đồng
  • Kon Rẫy: Vùng đất giàu nét đẹp văn hóa, lịch sử
  • Người giữ gìn nghề dệt thổ cẩm ở thôn Đăk Niêng
  • Tâm huyết giữ nghề truyền thống
Gửi bình luận của bạn
   
Đang xử lý

Tin Mới Nhất

  • Nhà thuê ở trung tâm hành chính Quảng Ngãi: Nhu cầu lớn, thị trường nhộn nhịp
  • Ngày kỷ niệm
  • Không ngừng nâng cao chất lượng tuyên truyền
  • Tổng kết 2 Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025
  • Gặp gỡ 3 nhà báo “Chiến sĩ Trường Sa”
  • 9 sản phẩm tham gia Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên - Nhi đồng toàn quốc lần thứ XXI
  • Lễ tổng kết Học kỳ trong quân đội khóa II, lần thứ XIII năm 2025
  • Đảng bộ cấp huyện, cấp xã kết thúc hoạt động vào ngày 1/7

Chùm ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Kon Tum qua ảnh

Ghi chép - Phóng sự

  • Chùm ảnh: Nơi dòng thời sự không ngừng chảy
  • [EMAGAZINE] BÁO CHÍ KON TUM - ĐỒNG HÀNH CÙNG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TỈNH
  • Ðồng vốn nhỏ, chắp cánh giấc mơ lớn
  • Chùm ảnh: Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể vùng đồng bào DTTS

Đất & Người Kon Tum

  • Rượu ghè men lá H’nham
  • Đặt trên bàn những ghè rượu mới ủ, các chị em trong tổ liên kết nấu rượu ghè và dệt thổ cẩm ở phường Trường Chinh (thành phố Kon Tum) giới thiệu rất hấp dẫn về sản phẩm mình làm ra: Một thức uống với chất men cực kỳ độc đáo, không giống với loại men ở bất cứ nơi nào.
  • Gìn giữ kho tàng Sử thi Kon Tum
  • Suối Đăk Lôi níu chân du khách
  • Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
  • Khuyến nông - Khuyến lâm
Thông tin cần biết
  • Tỉ giá
  • Chứng khoán
  • Giá vàng
  • Kết quả xổ số
  • Thời tiết
  • Lịch cúp điện
  • Lao động việc làm
  • Thời sự - Chính trị
  • Kinh tế
  • Xã hội
  • Văn hóa - Thể thao - Du lịch
  • Pháp luật & Đời sống
  • Đất & Người Kon Tum
  • Tòa soạn & Bạn đọc
Báo Kon Tum điện tử
• Phó tổng Biên tập: Phạm Minh Bảo, Nguyễn Thị Liễu Hạnh
• Tòa soạn: 258A Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum
• Điện thoại: 0260 3862531; Email: toasoanbaokontum@gmail.com
• Giấy phép số: 460/GP-BTTTT, do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 06/9/2022
Liên hệ tòa soạn
Thông báo bảng giá quảng cáo mới
Developed by