Xây dựng hợp tác xã kiểu mới: Nhìn từ Kon Plông
Thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng huyện Kon Plông đã cố gắng thành lập được 8 hợp tác xã (HTX) hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, có 4 HTX nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) và 4 HTX hoạt động sản xuất kinh doanh về rau, hoa, quả xứ lạnh; trồng nấm; thu mua chế biến dược liệu và trồng lan... Các HTX này đều tích cực tìm các giải pháp đầu tư, thay đổi phương thức hoạt động để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Thành công nhất phải kể đến HTX rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen. Thời gian qua, HTX này đã triển khai trồng được 2.700m2 hoa xứ lạnh trong nhà bạt, cung ứng nhiều loại hoa trong các dịp lễ, tết; tham gia các Hội chợ hoa tết ở trung tâm các huyện, thành phố Kon Tum; đồng thời nghiên cứu mở rộng thị trường tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng, trong đó ưu tiên phối hợp với các đơn vị tại Quảng Ngãi mở cửa hàng giới thiệu các sản phẩm mang thương hiệu Măng Đen như các loài hoa (ly ly, đồng tiền, lan hồ điệp); sản phẩm cá tầm; măng khô; rượu sim; rượu sâm Ngọc Linh (Thái Hòa), cốt toái bổ; chè dây; các loại nấm…
Ông Nguyễn Văn Ban - Chủ nhiệm HTX rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen cho rằng, khí hậu, thổ nhưỡng vùng Kon Plông có đủ điều kiện để phát triển mạnh về rau hoa xứ lạnh, nhưng các HTX hiện nay chưa thụ hưởng nhiều chính sách như chuyển giao khoa học công nghệ, vay vốn tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng, thông tin tiếp cận thị trường. Sự liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa thành phần kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác còn hạn chế, do vậy, chưa khai thác được thế mạnh về nguyên liệu, vốn, thị trường để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Còn ông Bùi Quang Đạo - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn huyện Kon Plông cho biết: Năm 2017, HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn ra đời và được sự tiếp sức của chính quyền huyện Kon Plông, HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn sản xuất ra những sản phẩm tinh dầu tiêu rừng với mẫu mã riêng biệt, ưa nhìn. Bước đầu, các cơ quan chuyên môn đã kiểm định, đánh giá cao sản phẩm của HTX; Sở Công thương bình chọn tinh dầu tiêu rừng là 1 trong 12 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Kon Tum năm 2018. Tuy nhiên, cái khó là nguyên liệu đầu vào ngày càng ít và giá thành sản phẩm vẫn đang là một trở ngại. Trong tương lai, chúng tôi sẽ vận động và hỗ trợ các hộ dân tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là vùng rừng có cây tiêu rừng; đồng thời ươm giống phát triển cây tiêu rừng.
Một số HTX kiểu mới ở Kon Plông hoạt động không những phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, mà còn gắn với quá trình triển khai thực hiện những chương trình, dự án phát triển cộng đồng.
Bà Lâm Anh Thư - Chủ nhiệm HTX Lan rừng Măng Đen cho biết: Ngoài việc bảo tồn và phát triển hoa lan ở Măng Đen, HTX còn liên kết với nhiều hộ dân ở xã Măng Cành tiến hành thu gom phân trâu, bò để sản xuất giun quế. Giun quế là nguồn thức ăn giàu đạm để cung cấp cho các cơ sở nuôi các loại cá, ba ba, lươn, ếch, chình…; chất thải ra của giun quế còn là nguồn phân hữu cơ sạch chăm bón cho các loài lan và cung cấp cho các cơ sở trồng rau hoa khác…
|
Sự ra đời của HTX Lan rừng, HTX rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen, HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn... đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình cho nhiều hộ dân ở các xã trên địa bàn huyện Kon Plông. Tuy nhiên, qua tìm hiểu hoạt động cụ thể của các mô hình HTX tại huyện Kon Plông mới thấy những khó khăn mà các HTX đang gặp phải. Chẳng hạn như các HTX nuôi cá tầm, cá hồi bị cá tầm Trung Quốc giá rẻ phá giá, một số trại nuôi của các HTX này không chịu nổi sức ép này đã phải bỏ trại nuôi.
Ông Lê Tấn Hiển - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông khẳng định vai trò của HTX nhất là HTX nông nghiệp ngày nay có vị trí rất quan trọng khi vừa hỗ trợ các thành viên tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, vừa thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX. Bên cạnh các quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Trung ương, của tỉnh, địa phương sẽ dành một khoản kinh phí nhất định để hỗ trợ HTX hoạt động kiểu mới và các mô hình tổ hợp tác, hướng tới chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, gắn với tiêu thụ nông lâm sản cho nông dân. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ phối hợp với các cơ quan thông tin, đại chúng để tuyên truyền, giới thiệu nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn hoạt động hiệu quả.
Dương Lê