Xây dựng cánh đồng lớn - những vấn đề đặt ra
Thực hiện Kết luận số 366-KL/TU ngày 17/02/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”, ngày 13/3/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 176/QĐ-UBND về kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025 trên địa bàn. Chương trình đã nhận được sự đồng thuận từ phía người dân và doanh nghiệp, nhưng khi triển khai cụ thể, việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Triển khai thực hiện, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 223/QĐ-UBND thành lập Ban tổ chức thực hiện kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” (gọi tắt là Ban tổ chức thực hiện Kế hoạch 176 cấp tỉnh) và quy chế hoạt động.
Sau khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 176 và chỉ đạo triển khai từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đến nay cơ bản đã hoàn thành công tác chuẩn bị và triển khai một số nội dung của kế hoạch. Một số doanh nghiệp đã nghiên cứu, tìm hiểu Kế hoạch 176 và đăng ký tham gia thực hiện kế hoạch. Diện tích đăng ký dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp theo kế hoạch là 4.732ha, trong đó diện tích dồn đổi 4.172ha; diện tích tích tụ 560ha.
|
Kết quả, bước đầu Ban tổ chức thực hiện kế hoạch 176 cấp tỉnh đã làm việc với UBND huyện Đăk Hà, UBND xã Đăk La và Công ty CP Đường Kon Tum để thống nhất kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp xây dựng cánh đồng lớn trồng mía ứng dụng công nghệ cao tại địa bàn thôn 7, thôn 8, thôn 9 xã Đăk La với diện tích khoảng 100ha.
Trên địa bàn huyện Kon Plông, Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Măng Đen đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 154ha trên địa bàn các xã Măng Bút, Ngọc Tem và xã Hiếu; triển khai liên kết với các hộ dân trồng bắp lấy thân nuôi dê với diện tích 21ha.
Còn lại một số mô hình sản xuất chỉ dừng lại ở mức liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp. Còn về đất đai vẫn thực hiện theo từng thửa đất của từng chủ thể sử dụng đất khác nhau, chưa thực hiện việc dồn đổi, tích tụ theo kế hoạch được duyệt.
Theo ông Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, những khó khăn trong việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn” trên địa bàn là địa hình Kon Tum dốc và bị chia cắt nhiều nên việc lựa chọn điểm để triển khai gặp nhiều trở ngại và quy mô diện tích mỗi vùng sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Tâm lý người dân sợ mất quyền sử dụng đất, nên chưa chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để tham gia kế hoạch tích tụ, dồn đổi đất nông nghiệp. Hình thức tích tụ đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp để cho doanh nghiệp thuê lại phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng nguyên liệu, trồng cây dược liệu, trồng cà phê, phát triển đồng cỏ chăn nuôi… mà Nhà nước đứng ra thuê đất của người dân cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất, nhưng quyền sử dụng đất vẫn thuộc người dân, do đó doanh nghiệp không có quyền thế chấp sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng để vay vốn đầu tư. Còn những tiềm ẩn rủi ro khi người dân đòi lại đất, do đó doanh nghiệp chưa mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện sử dụng đất theo hình thức này… Ngoài ra, kinh phí thực hiện Kế hoạch 176 xác định chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, trong đó có một phần từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiện hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc bố trí từ ngân sách để thực hiện tích tụ, dồn đổi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định: Việc xây dựng cánh đồng lớn, hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân để có sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa nhằm tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch vùng canh tác, đất đai manh mún, hạ tầng phục vụ sản xuất còn yếu kém cũng ảnh hưởng đến thực hiện liên kết, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn.
Ông Nguyễn Minh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh cho rằng, vai trò của nhà doanh nghiệp trong việc xây dựng cánh đồng lớn ở Kon Tum còn mờ nhạt. Ai cũng ngại vì thủ tục còn phức tạp và mất thời gian. Các doanh nghiệp đều từ chối làm chủ đầu tư dự án mà chỉ tham gia cung cấp vật tư đầu vào. Vì vậy, nhà quản lý cần phải tìm được doanh nghiệp tâm huyết, liên kết với nông dân tham gia ứng trước vật tư, ứng dụng khoa học vào sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trong sản xuất quy mô lớn.
Cũng theo ông Phạm Đức Hạnh, với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng cánh đồng lớn, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, trong hướng đến tiếp tục triển khai thực Kế hoạch 176, định vị những cánh đồng lớn cần xây dựng. Có quy hoạch lại cụ thể cơ cấu giống, cây trồng ở mỗi cánh đồng lớn, trong đó có tìm sự đồng thuận cao của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân tham gia vào quá trình lựa chọn cơ cấu, thời vụ, loại giống, phương thức sản xuất, tiêu thụ, cách thức điều hành và trách nhiệm của mỗi bên trong quá trình thực hiện.
Điều cần nhất là Nhà nước có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, vận động doanh nghiệp chung tay xây dựng cánh đồng lớn. Vai trò của doanh nghiệp vừa là bà đỡ, vừa hỗ trợ nông dân, đồng thời bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia, tạo mối liên kết chặt chẽ và bền vững trong quá trình thực hiện. Ông Phạm Đức Hạnh tiếp tục khẳng định với chúng tôi về “vai trò động lực” để chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp, xây dựng “cánh đồng lớn” phát huy hiệu quả trong quá trình triển khai.
Một khi “dáng dấp” cánh đồng lớn đầu tiên được hình thành sẽ làm cơ sở nhân rộng ra địa bàn.
Dương Lê