Xã Đoàn Kết sau 10 năm xây dựng nông thôn mới
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được quan tâm đúng mức, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay tích cực... đó là những kết quả nổi bật sau 10 năm bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum).
Những ngày đầu khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xã vùng ven Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) gặp không ít khó khăn, do điểm xuất phát thấp, mặt bằng dân trí chưa cao, đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương.
Thêm vào đó, người dân còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước; cơ sở hạ tầng kỹ thuật của xã chưa đồng bộ, thương mại dịch vụ chưa phát triển, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp; tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm… chính là những trở ngại lớn trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới tại xã Đoàn Kết.
Không thể lùi bước, nhưng làm thế nào tìm ra “lời giải” phù hợp cho “bài toán xây dựng nông thôn mới” tại địa phương là điều cấp ủy đảng, chính quyền xã Đoàn Kết quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Đoàn Kết đã triển khai các nghị quyết, kế hoạch xây dựng nông thôn mới xuống các chi bộ thôn, phân công các đồng chí đảng ủy viên phụ trách các thôn, bám sát, đôn đốc và triển khai, nắm bắt tình hình thông qua các cuộc họp. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, giải thích cho dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn nhằm tạo sự đồng thuận, làm cho người dân chủ động tham gia với tư cách vừa là chủ thể tham gia tích cực, vừa là đối tượng thụ hưởng.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, kết hợp với các cơ chế khuyến khích, kích cầu…, địa phương đã tạo sự chuyển biến tư tưởng, hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo nên các phong trào thi đua sâu rộng, sôi nổi phát huy nội lực của từng thôn để xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn xã Đoàn Kết.
|
Bằng nhiều cách làm linh hoạt trong huy động mọi nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt quy chế tập trung dân chủ ở cơ sở, các công việc đều được cấp ủy đảng, chính quyền xã Đoàn Kết đưa ra bàn bạc dân chủ, thấu đáo, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự tích cực tham gia của các tầng lớp nhân dân nhằm tạo nên sức mạnh tổng lực trong triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Đoàn Kết đã tạo được niềm tin và đồng lòng của cán bộ đảng viên và nhân dân địa phương, đem lại những kết quả tích cực.
Bộ mặt xã vùng ven Đoàn Kết thay đổi tích cực trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ, thương mại, ngành nghề công nghiệp; hệ thống chính trị từ xã đến thôn được củng cố và phát triển; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống giáo dục, y tế ở nông thôn tiếp tục được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường nông thôn được cải thiện…
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chính quyền xã Đoàn Kết tích cực vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các cây, con giống có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi theo hướng hàng hoá được hình thành. Nếu như năm 2010, toàn xã mới có 34 hộ sản xuất kinh doanh giỏi thì đến nay xã Đoàn Kết có 103 hộ sản xuất kinh doanh giỏi; mỗi năm các hộ này thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Nhờ thế, mức thu nhập bình quân đầu người của xã từ năm 2010 là 10,5 triệu đồng/năm đến nay đạt 35 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 26,69% xuống còn 4,7%. Trong đó, nổi lên các nhiều hộ gia đình làm kinh tế giỏi tiêu biểu như gia đình ông Lê Kim Hương, ông Mai Văn Phước ở thôn 5; ông Nguyễn Văn Đảm ở thôn 7; ông Nguyễn Ngọc Thái ở thôn 6; ông A Thai ở thôn Hnor; ông A Hnhiu ở thôn Đăk Kia....
Nhờ biết phát huy tốt nội lực, việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở Đoàn Kết đã tìm ra những hướng đi đúng đắn và vững chắc, tạo nên diện mạo đổi thay tích cực về mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Nhờ thế, năm 2015 xã Đoàn Kết được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau hơn 4 năm kể từ khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay diện mạo nông thôn xã Đoàn Kết ngày càng khang trang, văn minh; an ninh nông thôn được đảm bảo; đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp giúp người dân đi lại thuận lợi; mọi mặt đời sống, vật chất của người dân cũng được cải thiện đáng kể.
Để đạt xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020, Ban Chỉ đạo chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới xã Đoàn Kết đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 40 và Kế hoạch số 41 ngày 22/4/2019 về việc duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020 và xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã Đoàn Kết.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên nhằm duy trì chất lượng 19 tiêu chí đã đạt được, phấn đấu đến năm 2020 thực hiện tiếp 10 tiêu chí theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2019-2020 và xây dựng khu dân cư theo bộ tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu tại thôn 7.
Với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân bằng những cách làm phù hợp, chúng ta có quyền tin rằng, thời gian tới, xã Đoàn Kết sớm đạt danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao...
Đắc Vinh