Xã Đăk Tờ Re: Nỗ lực giúp dân giảm nghèo, nâng cao đời sống
Với sự khuyến khích, vận động và hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình sản xuất và các cây trồng chiến lược có giá trị kinh tế cao, xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) đang nỗ lực giúp dân giảm nghèo, phát triển kinh tế, làm “đòn bẩy” để thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới khác, phấn đấu đến năm 2020 đạt nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra…
Nằm trên vùng đất có điều kiện tự nhiên không thuận lợi (đất đai pha cát không được màu mỡ và dốc), việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo của người dân ở xã Đăk Tờ Re khó khăn hơn một số địa phương khác trên địa bàn huyện Kon Rẫy.
Trăn trở với “cuộc chiến” giảm nghèo và thực hiện những mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy và UBND xã Đăk Tờ Re đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay góp sức để phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
|
Ông Huỳnh Quốc Thái - Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho biết: Trong những năm gần đây, Đảng uỷ, UBND xã tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ dân thực hiện các mô hình sản xuất, nhân rộng các cây trồng chiến lược và vật nuôi có giá trị kinh tế cao để giúp dân giảm nghèo và nâng cao đời sống.
Đến thăm mô hình cây chuối từ Dự án giảm nghèo miền Trung hỗ trợ cho dân trồng từ năm trước, chúng tôi nhận thấy vườn chuối sum sê xanh tốt và cho quả. Ở đây, không gặp chủ nhà, chúng tôi đành sang vườn chuối người dân tự nhân rộng.
Ông A Huy (thôn 3, xã Đăk Tờ Re) khẳng định: Cây chuối phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương. Gia đình không thuộc diện được hỗ trợ, thấy người thân trồng chuối hiệu quả, tôi xin cây con giống về trồng 3 sào đất trong vườn. Vườn chuối trồng mới giáp năm, nay cho quả.
“Gia đình tự trồng, không bón phân, cây chuối không phát triển mạnh bằng cây chuối của các gia đình được hỗ trợ giống, phân bón. Nếu có phân bón, vườn chuối sẽ tốt hơn, cho nhiều quả hơn và quả to hơn. Ở thôn 12 của xã, có hộ trồng chuối thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng”- A Huy phân trần.
Nhờ sự dẫn đường của cán bộ xã Đăk Tờ Re, chúng tôi đến trang trại chuối của ông Phạm Văn Hải (thôn 12).
Ông Phạm Văn Hải bộc bạch: Gia đình tôi trồng hơn 3ha chuối tiêu lùn và gần 2ha chuối mốc. Bình quân 1ha chuối tiêu lùn, gia đình thu 4 tấn quả/tháng. Giá chuối tiêu bán ở đây bán từ 3-4 nghìn đồng/kg quả chuối. Còn chuối mốc bán theo nải, mỗi nải 8 nghìn đồng. 1ha chuối mốc thu 6 triệu đồng/tháng. Tính ra, hàng tháng gia đình thu từ 40-50 triệu đồng từ tiền bán quả chuối, chưa kể việc bán bắp chuối.
“Tuy nhiên, chuối tiêu lùn người dân dùng để ăn, không cúng nên giá cả thường không ổn định. Có thời điểm giá chuối tiêu lùn hạ còn 1.200-1.300 đồng/kg quả. Gặp lúc giá chuối hạ, người trồng sẽ không có lãi. Còn chuối mốc, người dân mua về trước để cúng, sau để ăn nên giá cả ổn định hơn”- ông Hải chia sẻ.
Rời các hộ trồng chuối, tôi đến thôn 2 thăm vườn cao su tiểu điền của ông A Bíp được tỉnh hỗ trợ trồng trước đây. Lúc này, tôi nhìn đồng hồ đã là 11h30, nhưng ông A Bíp vẫn chưa trút mủ. Ông bảo hôm nay trời mát, cao su vẫn còn cho mủ, gia đình chưa trút mủ. Công nhân ở các vườn bên họ trút về hết rồi.
|
“Gia đình được Nhà nước hỗ trợ trồng 1ha cao su và năm nay là năm đầu tiên cạo mủ cao su. Tuy mới cạo, nhưng vườn cao su cho khoảng 50 lít mủ/lần cạo. Với giá bán như năm nay, bình quân gia đình thu khoảng 400-500 nghìn đồng/lần cạo. Cao su cho thu nhập ổn định hơn các cây trồng khác; vì vậy, năm nay gia đình thu mì bán, đầu tư trồng mới thêm 2ha cao su nữa”-A Bíp khoe.
Đi dọc theo một số thôn làng, chúng tôi còn thấy mô hình heo rừng lai do Dự án giảm nghèo miền Trung hỗ trợ cho người dân nuôi theo hình thức bán thả rông (vừa có chuồng, vừa khoanh lại một khoảnh đất nhỏ cho heo đi dạo) cũng đang sinh trưởng tốt. Nuôi heo theo hình thức này, phù hợp với điều kiện chăm sóc người dân và cũng giúp cho người dân có thêm một khoản thu nhập.
Theo số liệu báo cáo của UBND xã Đăk Tờ Re, thông qua việc hỗ trợ và vận động người dân nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đến nay, xã phát triển 2.477,1ha cao su (khoảng 900ha cao su tiểu điền), 50ha cà phê (chủ yếu ở khu vực đất đỏ, gần nguồn nước tưới), 574ha mì (trên 50% giống mì cao sản), 290ha bời lời, 40ha chuối...; đàn bò 1.627 con, đàn heo 1.675 con, đàn dê trên 60 con... Thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 15 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo 55,19%.
“Tính đến thời điểm này, xã Đăk Tờ Re đạt 11/19 tiêu chí và phấn đấu đến cuối năm nay đạt thêm 3 tiêu chí; các năm còn lại mỗi năm phấn đấu đạt 2 tiêu chí để đến cuối năm 2020 đạt xã nông thôn mới. Vẫn biết việc hạ tỷ lệ hộ nghèo và nâng thu nhập bình quân đầu người là khó nhất, nhưng với sự quyết tâm của xã và sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên, xã Đăk Tờ Re đang nỗ lực cao nhất, phấn đấu đạt nông thôn mới theo kế hoạch đã định” - ông Huỳnh Quốc Thái nhấn mạnh.
Văn Nhiên