Xã Đăk Tờ Re: Tìm hướng đi giúp dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) có nhiều nỗ lực trong việc giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo và nâng cao đời sống.
Trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo và nâng cao đời sống, xã tranh thủ các chương trình, dự án, các nguồn lực hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tính đến cuối năm 2019, về cây hàng năm, xã phát triển trên 217 ha lúa nước, 629 ha mì, 164 ha bắp, 28 ha rau các loại, 27 ha đậu các loại. Diện tích lúa được bà con gieo sạ các giống lúa mới như Đài Thơm 8, TH1, Nàng Hương; cây mì chủ yếu là giống mì cao sản.
Về cây lâu năm, xã có 2.477 ha cao su, 50 ha cà phê, 9,6 ha tiêu, 290 ha bời lời và 59 ha cây ăn quả các loại. Về chăn nuôi, đàn bò 2.100 con, đàn lợn 3.377 con, đàn dê 145 con và đàn gia cầm 11.000 con.
Để tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, từ các nguồn lực, đến nay, trên địa bàn xã có 4 công trình thủy lợi bảo đảm nước tưới tiêu cho 27 ha lúa nước và nhiều diện tích cây trồng khác.
Trong sản xuất, người dân được các cấp quan tâm đào tạo nghề khai thác mủ cao su, nuôi gia súc, trồng nấm... Ở một số thôn, làng, xã hỗ trợ dân thành lập các tổ hợp tác và phát triển kinh tế trang trại theo mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
|
Thông qua việc huy động các nguồn lực, triển khai các biện pháp giúp dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo, tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 41,92%, giảm 8,75% so với năm 2018.
Mặc dù có những chuyển biến tích cực, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với tiêu chí nông thôn mới.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi về thôn 8 gặp thôn trưởng A Páoh. Anh nói thật lòng: Trong những năm gần đây, việc thực hiện các mô hình giảm nghèo ở thôn 8 có những chuyển biến, nhưng công tác này vẫn còn khó khăn. “Việc nâng cao thu nhập, giúp người dân giảm nghèo ở thôn 8 còn khó khăn bởi nguồn thu nhập chính của người dân là cây mì, trong khi đất đai trồng mì lâu năm nên bạc màu, bà con sản xuất theo truyền thống, ít đầu tư phân bón, tái tạo lại đất nên năng suất không cao, bình quân chỉ khoảng 18-20 tấn/ha. Cây cao su có giá trị kinh tế cao, nhưng hiện nay trong thôn chỉ mới có 4 hộ dân trồng” – A Páoh cho biết.
Y Bienh – Thôn trưởng thôn Đăk Pui thừa nhận: Trồng cây cao su hiệu quả kinh tế cao hơn một số cây trồng khác, nhưng cao su là cây công nghiệp dài ngày, từ khi trồng đến khi đưa vào khai thác mủ phải mất ít nhất 5-6 năm. Trong khi đó, người dân lại thiếu tiền đầu tư, “cái khó bó cái khôn” nên việc phát triển cao su tiểu điền trong thôn Đăk Pui chưa nhiều.
Ông Huỳnh Quốc Thái – Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo còn cao do điều kiện của xã có nhiều khó khăn, tác động đến hiệu quả sản xuất, như đất đai dốc, pha cát dễ bị rửa trôi, bạc màu; người dân còn tập quán canh tác cũ, chưa đẩy mạnh thâm canh nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo còn ít, chưa có nhiều mô hình phát triển sản xuất để học tập và trao đổi kinh nghiệm.
Để tạo hướng bứt phá nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, ông Huỳnh Quốc Thái cho biết, trong thời gian đến, xã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật các loại cây trồng, vật nuôi cho bà con; gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người dân.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm duy trì tăng trưởng ổn định, bền vững; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư, hình thành và phát triển mạnh loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là các doanh nghiệp có đầu tư sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản, sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động tại chỗ.
Bên cạnh đó, xã tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo; khai thác triệt để có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng bền vững về kinh tế - xã hội. Triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả gắn với xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp. Tiếp tục lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, vận động người dân đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất, nâng cao thu nhập nhằm giúp các hộ nghèo vươn lên.
Văn Nhiên