Xã Đăk Tơ Lung mở hướng giúp dân phát triển kinh tế
Xác định đúng hướng việc phát triển cây trồng, vật nuôi chiến lược, có giá trị kinh tế cao, xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) tranh thủ các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật cho người dân sản xuất để giảm nghèo và nâng cao đời sống...
Nằm trên địa bàn không thuận lợi, phần lớn diện tích đất đai là đồi núi cao, đất dốc, việc xây dựng nông thôn mới, giúp dân giảm nghèo ở xã Đăk Tơ Lung gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương khác.
Trước yêu cầu đặt ra, trong những năm gần đây, Đảng uỷ, UBND xã Đăk Tơ Lung tập trung chỉ đạo chuyển đổi cây trồng, xác định các cây trồng, vật nuôi chiến lược có giá trị kinh tế cao phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương để mở hướng giúp dân phát triển kinh tế và nâng cao đời sống.
|
Ông Nguyễn Văn Thuỷ - Bí thư Đảng bộ xã Đăk Tơ Lung cho biết, các cây trồng, vật nuôi chiến lược được xã tập trung nguồn lực hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật và vận động người dân phát triển là cao su, chuối, cà phê vối, mì cao sản; bò, dê. Theo đó, đến nay, người dân trong xã phát triển 110ha cao su, gần 50ha cà phê, 30ha chuối, 558ha sắn; 659 con bò, 436 con dê...
Trong sản xuất, chính quyền xã Đăk Tơ Lung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi mạnh mẽ giống cây trồng, vật nuôi; tập trung vào các giống mới có năng suất và chất lượng như cà phê vối cao sản, mì cao sản, lúa mới, bắp lai, bò lai, dê lai...
Về tranh thủ các chương trình, dự án, năm nay, xã hỗ trợ giống mì cao sản cho trên 300 hộ sản xuất (Chương trình 102); thành lập và hỗ trợ cho 3 nhóm hộ (36 hộ) nuôi dê (Dự án giảm nghèo Tây Nguyên); hỗ trợ 7 con bò cho hộ nghèo khuyết tật và trẻ mồ côi (chương trình từ thiện và an sinh xã hội)... để giúp các hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Ông A Boát (thôn 4, xã Đăk Tơ Lung) khẳng định, nếu bám theo các cây trồng truyền thống và sản xuất theo phương thức cũ, người dân khó có thể thay đổi đời sống. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, gia đình tôi trồng 2 ha cao su. Mặc dù giá cao su trong mấy năm trở lại đây thấp, nhưng bình quân mỗi ngày, gia đình thu 400-500 nghìn đồng từ tiền bán mủ cao su. Cây cao su giúp cho gia đình có cuộc sống ổn định, không còn khó khăn, chật vật như trước.
Ở thôn 4 của xã Đăk Tơ Lung, có nhiều hộ phát triển cây cà phê cao sản.
Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cây cà phê trồng trên triền sông Đăk Snghé, ông Cao Văn Thu khoe: Xác định cây trồng chiến lược, năm 2017, gia đình trồng 1,2 ha cà phê vối cao sản TR4 (giống cà phê Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên). Cây cà phê trồng mới hơn 1 năm cho quả bói. Cây cà phê cao sản TR4 phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, phát triển nhanh. Mặc dù chưa thu hoạch, nhưng nhìn vườn cà phê cho quả bói và phát triển sum sê, ông Thu đặt nhiều kỳ vọng vườn cà phê giúp ông đổi đời.
Ghé thăm thôn 1 xã Đăk Tơ Lung tôi nhận thấy có nhiều hộ gia đình ở đây vươn lên từ phát triển cây chuối. Điển hình là ông Phan Mộng Hùng sau gần 3 năm đầu tư trồng chuối, đến nay, ông Hùng phát triển được 5,5 ha chuối, trong đó có 3 ha chuối trồng cho quả. Ở diện tích chuối cho quả, bình quân mỗi tháng cho ông thu 10 triệu đồng từ bán quả chuối. Cây chuối giúp cho gia đình ông có thu nhập ổn định và khá cao.
|
Học theo gia đình ông Hùng, nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 1 đầu tư trồng chuối và bước đầu người dân có thêm nguồn thu ổn định và nâng cao đời sống.
Chiến lược phát triển kinh tế, giúp dân giảm nghèo được khai mở. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và thu nhập bình quân đầu người ở địa phương còn thấp. Theo đánh giá, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Đăk Tơ Lung hiện đạt 23,1 triệu đồng/năm; số hộ nghèo 312/619 hộ, chiếm tỷ lệ 50,40% số hộ ở địa phương.
Để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt tiêu chí nông thôn mới, bên cạnh sự nỗ lực của cấp uỷ đảng, chính quyền và người dân, xã Đăk Tơ Lung mong sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nhiều hơn nữa của UBND huyện, các ngành để giúp người dân tiếp tục mở rộng sản xuất có hiệu quả các cây trồng chiến lược có giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu địa phương.
Văn Nhiên