Vượt qua thách thức
Dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục gây nên những hệ lụy nặng nề đối với tình hình kinh tế - xã hội. Ngay lúc này các chuyên gia kinh tế cho rằng, cùng với việc thực hiện “nhiệm vụ kép” là chống dịch và duy trì sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội, cần chủ động xây dựng các kịch bản cho thời kỳ “hậu Covid-19”.
1. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong quý I, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay. Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn. Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh.
Về xã hội, dịch bệnh tác động đến cuộc sống người dân, gây tâm lý bất an. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm. Qua khảo sát nhanh của cơ quan chức năng, có tới 53% doanh nghiệp dự kiến giảm ít nhất 20% số lao động, 27% dự kiến cắt giảm trên 40% số lao động.
Đối với tỉnh Kon Tum, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND-UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội trong quý I đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 16,48%; thu ngân sách đạt 21,5% dự toán và bằng 112,6% cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, dịch bệnh đã tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, như gây tâm lý bất an trong nhân dân; gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại; làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Qua rà soát sơ bộ, có 3.980 lao động của 105 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh tạm dừng làm việc; 5.880 hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động và 162.802 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, người lao động tự do không có hợp đồng lao động mất việc hoặc không có việc làm.
Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với sản xuất nông nghiệp rất lớn. Hệ quả ngay trước mắt là xuất khẩu nông sản “đóng băng”. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính của tỉnh là cà phê, cao su, mì đều lao đao bởi không có “đầu ra”.
Trước tình hình ấy, trong thời gian qua, hàng loạt chính sách đã được triển khai nhằm hỗ trợ nền kinh tế, chia sẻ gánh nặng và khó khăn với các doanh nghiệp ngay trong lúc dịch bệnh Covid- 19 còn đang diễn ra. Đáng chú ý là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020, chỉ đạo thực hiện ngay 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới các đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng. Các ngành Ngân hàng, Tài chính, Công thương, Giao thông vận tải... đã kịp thời triển khai các giải pháp cụ thể với tổng giá trị quy đổi ước tính khoảng 330 nghìn tỷ đồng…
Gần đây nhất, ngày 9/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về gói hỗ trợ (khoảng 62.000 tỉ đồng) dành cho các đối tượng khó khăn (khoảng 20 triệu người) do ảnh hưởng dịch bệnh Covid- 19. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa to lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp và có xu hướng kéo dài.
Tất cả các chính sách, giải pháp nói trên đều đã và đang được tỉnh ta triển khai quyết liệt và hiệu quả nhất.
|
2. Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh ý nghĩa tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, loạt chính sách trên còn có tác dụng như “liều thuốc bổ” giúp người lao động, cộng đồng doanh nghiệp chuẩn bị cho thời kỳ khôi phục sản xuất, sau khi dịch bệnh được đẩy lùi. Tuy nhiên, ngay lúc này, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần có những kịch bản, kế hoạch cụ thể cho công cuộc "tái thiết" thời "hậu chiến".
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ chuẩn bị một chương trình toàn diện, kỹ càng với những kịch bản cụ thể về phục hồi kinh tế sau khi dịch kết thúc, bao gồm cả chương trình kích cầu.
Và dù là với kịch bản nào thì Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp một cách toàn diện, giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ, cho chậm nộp, kể cả thuế, phí bảo hiểm, đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19.
Còn ở tỉnh ta, kịch bản nào cho hậu Covid- 19?
Tin mừng là UBND tỉnh đã chủ động xây dựng 3 kịch bản cụ thể nhằm điều hành thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả nhất, và ở mỗi kịch bản đều có phương án ứng phó. Trước mắt là xây dựng phương án cho kịch bản dịch Covid-19 kết thúc trong quý II, trên cơ sở đó xác định rõ cần quan tâm phát triển lĩnh vực nào, giảm lĩnh vực nào để đảm bảo kinh tế - xã hội được phát triển thông suốt.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, với bất kể kịch bản nào cũng cần phải đánh giá, phân tích, dự báo được tình hình Việt Nam và thế giới thời "hậu Covid-19", và chính quyền phải năng động, quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp.
Mỗi ngành, mỗi địa phương cần có phương án cụ thể để sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới trước khi dịch kết thúc. Trong đó, chú trọng sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch; tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi và phát triển bền vững.
Tiếp theo, cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế - xã hội, từ đó gia tăng khả năng “bình phục” nhanh và “bứt phá” sau khi dịch qua đi.
Tất nhiên, trong quá trình đó, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần chủ động xây dựng nhiều kịch bản ứng phó. Bên cạnh chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, doanh nghiệp cũng cần tính đến kịch bản hậu Covid-19 để sẵn sàng tăng tốc khi dịch bệnh được kiểm soát an toàn.
Chống "giặc" và thắng "giặc" đã khó, đứng dậy và phục hồi sau "chiến tranh" càng khó hơn, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và niềm tin. Một khi chủ động chuẩn bị kịch bản đúng và trúng, với một ý chí mới, một tinh thần, khát vọng phát triển mạnh mẽ, nhất định chúng ta sẽ vượt qua thách thức.
Thành Hưng