Vườn Quốc gia Chư Mom Ray: Chủ động trong công tác phòng, chống cháy rừng
Trước tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài, cấp dự báo cháy rừng luôn ở mức rất nguy hiểm (cấp V), Vườn Quốc gia Chư Mom Ray chủ động triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống cháy rừng nhằm bảo vệ tài nguyên rừng và hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất khi xảy ra cháy rừng.
Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có diện tích 56.249ha, nằm trên địa giới hành chính của các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Sa Sơn, Mô Rai, thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) và Đăk Kan, Sa Loong, Pờ Y (huyện Ngọc Hồi). Với hơn 90% ranh giới giáp với diện tích đất sản xuất của người dân ở 49 thôn, làng vùng đệm, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray luôn phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng rất cao mỗi khi bước vào mùa khô.
Ông Đào Xuân Thủy - Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Mom Ray đánh giá, mùa khô 2019 - 2020 khắc nghiệt hơn so với các năm trước. Tại diện tích của Vườn, mưa không còn xuất hiện từ giữa tháng 10/2019 và thời tiết luôn trong tình trạng nắng nóng kéo dài. Thêm vào đó, do nắng hạn kéo dài nên hệ thống sông, suối chảy qua diện tích của Vườn hầu như cạn kiệt, chỉ còn sông Sa Thầy (chảy về huyện Ia H’Drai), suối Ya Mô và suối Đăk Tao đang duy trì với mực nước thấp… Đó chính là những nguyên nhân làm cho nguy cơ cháy rừng ở đây luôn đặt trong tình trạng “nóng”, chỉ cần một sự bất cẩn nhỏ của con người cũng dễ gây ra cháy rừng nên cần tăng cường công tác quản lý, tuần tra kiểm soát bảo vệ rừng của lực lượng chức năng và giáo dục ý thức tham gia quản lý, bảo vệ rừng của người dân sống quanh vùng đệm.
|
Hiện tại, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray có gần 18.000ha rừng là lồ ô tre nứa và rừng cỏ xen cây gỗ đang nằm trong diện “báo động đỏ” có nguy cơ cháy rừng rất cao. Trước tình hình trên, Vườn chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ứng phó, chủ động phòng, chống cháy rừng.
Theo đó, Vườn thành lập 20 chốt (trực thuộc 14 trạm quản lý bảo vệ rừng) đặt tại các cửa rừng, dọc các cột mốc phân chia đất sản xuất của người dân với diện tích rừng của Vườn để chốt chặn, nắm thông tin, số lượng người dân ra vào rừng. Bởi thực tế cho thấy, nguyên nhân gây ra cháy rừng được xác định hầu hết do người dân vào rừng thu hoạch lâm sản phụ (ươi, mật ong) và người dân phát đốt dọn thực bì để làm rẫy ở khu vực vùng đệm.
Song song với việc lập chốt để kiểm tra, nhắc nhở những người ra vào rừng, lãnh đạo Vườn Quốc gia Chư Mom Ray xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức bảo vệ rừng của người dân sống ở khu vực vùng đệm; đồng thời triển khai việc ký các bản cam kết bảo vệ rừng với 49 thôn, làng vùng đệm.
Trước đây, việc tuyên truyền được cán bộ thuộc lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Vườn lồng ghép tại các buổi họp thôn, làng thì nay việc tuyên truyền được phát qua hệ thống loa phát thanh của xã, thị trấn (17h hàng ngày) và gặp gỡ trực tiếp, nhắc nhở từng người dân tại rẫy để phù hợp với chủ trương phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 hiện tại. Nội dung tuyên truyền được soạn ngắn gọn và dễ hiểu như: Đốt rẫy, dọn thực bì trước 9h sáng và sau 14h chiều và nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc dập ngọn lửa khi vào rừng thu hoạch lâm sản phụ…
Để chủ động phát hiện kịp thời các vụ cháy rừng, Vườn triển khai lực lượng gồm 87 cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách cùng cộng đồng nhận khoán đi tuần tra, kiểm soát, trực chốt và trực quan sát rừng 24/24h tại các vị trí dọc cách đường ranh giới đất sản xuất của người dân với diện tích rừng của Vườn từ 500- 1.000m.
Ngoài việc cử lực lượng trực và quan sát ngoài thực địa, tại văn phòng lực lượng bảo vệ rừng của Vườn còn có 1 cán bộ kỹ thuật phụ trách việc trực hệ thống theo dõi cháy rừng trực tuyến của Cục Kiểm lâm (hệ thống cảnh báo cháy sớm và theo dõi cháy rừng qua vệ tinh cho 33 Vườn Quốc gia trên cả nước).
Khi phát hiện có cháy rừng xảy ra, Vườn nhanh chóng triển khai phương án “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ); đồng thời, triển khai quân số thuộc Tổ cơ động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, cán bộ văn phòng của Vườn và liên lạc với chính quyền các xã, thị trấn lân cận huy động lực lượng: Dân quân tự vệ, Công an, người dân… tham gia hỗ trợ chữa cháy.
“Nhờ thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát, trực cháy và luôn có lực lượng hỗ trợ chữa cháy thường trực nên từ đầu mùa khô 2019 – 2020 đến nay, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray phát hiện sớm 3 vụ cháy rừng, kịp thời triển khai lực lượng khoanh vùng chữa cháy và bị thiệt hại ở mức thấp nhất”, ông Đào Xuân Thủy nói.
Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sa Nhơn hiện đang quản lý 12 khoảnh thuộc 4 tiểu khu với tổng diện tích gần 1.700ha rừng, giáp ranh gần 10km đất sản xuất của người dân ở các thôn thuộc xã Sa Nhơn và xã Rờ Kơi. Trạm có 4 cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách.
Ông Lê Văn Lộc – Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sa Nhơn cho hay, chủ động thực hiện các phương án phòng, chống cháy rừng, ngoài việc đi tuần tra rừng và trực đêm tại chốt, mỗi ngày cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách của Trạm cùng các hộ dân thuộc cộng đồng nhận khoán ở 5 thôn của xã Sa Nhơn đứng trực quan sát từ 10h sáng đến 16h chiều tại 4 vị trí (mỗi vị trí cách gần 2,5km) dọc các khu vực giáp ranh để phát hiện cháy rừng sớm.
Trạm Quản lý bảo vệ rừng Sa Nhơn chính là nơi xảy ra vụ cháy rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 589 (xã Rờ Kơi) vào ngày 26/3. Vụ cháy này được lực lượng trực quan sát phát hiện vào lúc 16h.
Ngay sau khi nhận được tin từ các lực lượng trực báo về, Trạm nhanh chóng triển khai lực lượng chữa cháy, gồm 4 cán bộ Trạm, 55 hộ thuộc cộng đồng nhận khoán cùng các phương tiện (bình bơm nước đeo vai, rựa, cuốc, xẻng, bàn dập lửa inox, máy cưa) và lực lượng hậu cần, chỉ huy di chuyển đến vị trí cháy rừng để tiến hành các biện pháp dập lửa, bảo vệ rừng; đồng thời báo cáo với lãnh đạo Vườn Quốc gia cùng chính quyền xã Sa Nhơn và xã Rờ Kơi huy động lực lượng hỗ trợ chữa cháy.
“Dù vị trí cháy nằm trên địa hình dốc, cao trên 1.100m và mất 2 tiếng đồng hồ để tiếp cận từ Tỉnh lộ 675, nhưng lực lượng gần 120 người đã tích cực khoanh vùng, tạo đường băng cản lửa, đào rãnh ngăn than bén lửa… đến gần 19h, khu vực cháy được dập hoàn toàn. Sau đó, các lực lượng tiếp tục trực tại khu vực này đến ngày 28/3 để theo dõi, phát hiện kịp thời việc tái cháy. Vụ cháy gây thiệt hại 0,45ha rừng cỏ tranh, lau lách”, ông Lộc nói.
Ông Đào Xuân Thủy chia sẻ, trong thời gian tới, Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống cháy rừng đang thực hiện. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn cùng các ban, ngành, lực lượng thuộc huyện Sa Thầy và huyện Ngọc Hồi trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ rừng, nhằm không để tình trạng cháy rừng xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng và những thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Đức Thành