Vùng biên Ia H’Drai vẫy gọi
Được thành lập từ tháng 3/2015, huyện biên giới Ia H’Drai cách thành phố Kon Tum khoảng 150km về phía tây nam, chiều dài biên giới khoảng 76,4km tiếp giáp với tỉnh Rattanakiri (Campuchia), có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh. Vượt qua bao khó khăn, trở ngại, quân và dân huyện Ia H’Drai đang từng ngày chung tay xây dựng huyện lớn mạnh….
Không phải là lần đầu tiên đến với huyện biên giới Ia H’Drai, nhưng đối với tôi, lần trở lại này khác lắm. Có một cái gì đó nao nao, xao xuyến lòng người. Vẫn cái nóng hầm hập đặc trưng của miền biên giới, vẫn những cơn gió ngần ngật thổi của mùa khô Tây Nguyên như quấn quýt lòng người…
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Thạch khá bận bịu nhưng cũng cố gắng sắp xếp thời gian tiếp chúng tôi. Gặp tôi tại phòng khách, anh nói: Anh thông cảm, mới “dọn” về trụ sở làm việc mới, nên còn bề bộn lắm, không có nước trà “đãi” nhà báo. Anh mời tôi dùng tạm chai nước suối, rồi nói tiếp: Huyện đang tiến hành họp HĐND nên anh em bận rộn cả ngày…
Bước đi đầu tiên…
Qua tìm hiểu được biết, từ khi mới thành lập, điểm xuất phát mọi mặt của huyện Ia H’Drai hầu như chỉ là con số không với bao bộn bề khó khăn, thách thức. Nhưng sau một nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết lần thứ XVI Đại hội Đảng bộ huyện, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến rõ nét.
Đến nay, toàn huyện có 27.823ha cây trồng các loại; trong đó, cây cao su có 24.719ha (gần 2/3 diện tích đã đến thời kỳ khai thác mủ), cây hằng năm các loại khoảng 2.200ha, diện tích cây công nghiệp khác và cây ăn quả 885ha…
Nhằm giải quyết bài toán giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện đã đột phá trong phát triển chăn nuôi gắn với sản xuất nông nghiệp, phù hợp với lợi thế, tiềm năng của huyện.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Thạch chia sẻ: Người dân ở đây rất cần mẫn, chịu thương, chịu khó nên nghề chăn nuôi phát triển khá nhanh. Đến nay, toàn huyện có 4.335 con gia súc, 30.000 con gia cầm, khoảng 25ha diện tích ao nuôi thủy sản... đã giải quyết cái ăn, cái mặc hàng ngày cho người dân, tạo thu nhập để người dân tích lũy.
Bên cạnh đó, một số cơ sở sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh dịch vụ như: các công ty cao su, nhà máy chế biến mủ cao su, sản xuất tinh bột sắn, điện năng lượng mặt trời; dịch vụ khách sạn, vận tải... đang được phát triển khá đồng bộ.
Nếu như trước đây, khi chưa được thành lập, huyện Ia H’Drai chỉ ngút ngàn rừng núi với những con đường gồ ghề, bụi đỏ mù trời, mùa mưa thì lầy lội, tắc đường, thì nay thay vào đó là những con đường nhựa phẳng lì đến tận trung tâm huyện, xã; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng mới, khang trang… vóc dáng một đô thị trong tương lai đang bắt đầu thai nghén ở miền biên giới xa ngái này…
Song song với việc phát triển kinh tế, huyện rất chú trọng đến phát triển sự nghiệp giáo dục. Số lượng học sinh các cấp học, bậc học phát triển nhanh, năm học 2018-2019, huyện huy động 2.254 học sinh đến lớp với nhiều bậc học; đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không ngừng trưởng thành về mọi mặt…
…đến tương lai
Nhằm giải quyết khó khăn trước mắt cho người dân, kể từ khi thành lập đến nay, huyện đã triển khai các chương trình tín dụng cho người dân thuộc diện nghèo, chính sách được tiếp cận nguồn vốn. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân với tổng dư nợ đến 80 tỷ đồng, giúp người dân có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế, sửa chữa nhà ở, sử dụng nước sạch…
|
Trên cơ sở rà soát hộ nghèo, huyện cũng đã triển khai hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn theo Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho người dân thuộc đối tượng theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ...
Để có một bước đi vững chắc trong tương lai không phải là việc dễ dàng. Vì vậy, bên cạnh việc tập trung thu hút và bố trí ổn định dân cư vào địa bàn theo quy hoạch, huyện tập trung vào các chương trình, dự án để khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo đột phá phát triển kinh tế góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Thạch nói: Trước mắt, huyện triển khai thật tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án của tỉnh đầu tư trên địa bàn bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và phối hợp triển khai các công trình, dự án lớn trên địa bàn huyện như: dự án phát triển kết cấu hạ tầng khu trung tâm huyện; dự án phát triển kết cấu hạ tầng, bố trí dân cư dọc hai bên quốc lộ 14C đoạn từ trung tâm hành chính huyện đến ngã 3 quốc lộ 14C - Sê San 3; cầu Drai; chợ trung tâm huyện; dự án cấp nước sinh hoạt; các công trình thủy lợi và điện năng lượng mặt trời trên địa bàn... Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tham mưu sớm hình thành cửa khẩu Hồ Le, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Thạch, trong tương lai, huyện tiếp tục khai thác quỹ đất để tạo nguồn đầu tư xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng các khu, điểm dân cư nông thôn, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả ở những nơi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu; khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản và du lịch trên sông Sê San và sông Sa Thầy đoạn qua địa bàn huyện; phát huy bản sắc văn hóa đa dạng của các đồng bào dân tộc thiểu số tại địa bàn để thu hút du khách. Đồng thời, huyện cũng kêu gọi và thu hút đầu tư để phát triển một số dịch vụ cơ bản, thiết yếu phục vụ nhân dân như: ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông...
Với những định hướng đúng đắn của huyện, tôi tin rằng trong tương lai không xa, huyện Ia H’Drai sẽ sớm thoát nghèo, vươn mình sánh vai cùng các địa phương khác trong tỉnh.
Trên đường trở lại thành phố, đi ngang qua những cánh rừng cao su bạt ngàn đang vươn mình vi vu trong gió, tôi nghe tiếng trở mình thì thầm trong đất. Tiếng thì thầm như lời vẫy gọi từ miền đất biên cương Tây Nam Tổ quốc…
Bài ảnh: Dương Đức Nhuận