Vốn tín dụng-nguồn lực không thể thiếu trong xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 7 năm triển khai, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ta đạt được những thành tựu nhất định; đã có 13 xã “về đích” và dự kiến sẽ có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018. Đạt được kết quả trên là sự huy động sức mạnh tổng lực của xã hội, sự tác động của nhiều yếu tố: từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong xã hội…
Trong đó, để có được kết quả trên, một yếu tố không thể không kể đến trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới là nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng. Nó là đòn bẩy, động lực thúc đẩy người dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần nâng cao thu nhập, tạo bộ mặt mới cho các vùng nông thôn.
Theo ông Hoàng Minh Tân- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, nguồn vốn tín dụng dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng ngày càng tăng qua các năm và số người được thụ hưởng từ chương trình này cũng ngày càng nhiều.
Tính đến hết tháng 8/2018, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đạt trên 12.500 tỷ đồng, chiếm 43% tổng dư nợ cho vay, với nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn tham gia cho vay, nhưng cho vay nhiều nhất là Agribank Kon Tum và Ngân hàng Chính sách xã hội Kon Tum. Từ nguồn vốn tín dụng này, hàng nghìn hộ gia đình có điều kiện mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng và phục vụ nhu cầu tiêu dùng…, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hộ nông dân, đặc biệt là nông dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, hạn chế đáng kể tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn. Ông Hoàng Minh Tân khẳng định.
Ông Phạm Đình Phước- Phó Giám đốc Agribank Kon Tum nhận định: Đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng gặp những thách thức không nhỏ như chi phí hoạt động cho lĩnh vực này cao do số lượng món vay nhỏ và địa bàn rộng, rủi ro lớn...Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank Kon Tum ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%.
|
Nhờ sự gắn bó, đồng cam cộng khổ cùng với khách hàng, nên dù có sự cạnh tranh ngày càng lớn giữa các ngân hàng nhưng Agribank Kon Tum vẫn giữ vững thị phần 40,33%, đạt chỉ tiêu đề ra. Đến cuối tháng 8/2018, tổng dư nợ đạt trên 10.500 tỷ đồng, với 31.200 khách hàng vay vốn, trong đó cho vay nông nghiệp nông thôn, với 8.200 tỷ chiếm tỷ trọng 86% tổng dư nợ, với 25.500 khách hàng vay vốn. Phần lớn doanh nghiệp và người nông dân vay vốn, chủ yếu tập trung vào việc trồng cao su, trồng và chăm sóc cây cà phê, phát triển kinh tế hộ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu, tạo lập vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh phát triển. Đầu tư tín dụng nông thôn của Agribank Kon Tum trong thời gian qua, thật sự đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Ông Phạm Đình Phước cho biết thêm về những hoạt động tín dụng của Ngân hang Agribank Kon Tum hướng đến khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những hiệu quả mang lại trong thực tế.
Còn theo ông Lê Danh Thứ- Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, trong tổng số trên 2.268 tỷ đồng dư nợ hiện nay của Chi nhánh, có đến 98% nguồn vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, cũng chính là để xây dựng nông thôn mới. Do nguồn vốn chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương, trong khi ở một số chương trình cho vay còn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân nên Chi nhánh luôn quan tâm, ưu tiên dành nguồn lực để cho vay đối với các xã đăng ký về đích nông thôn mới.
Ưu điểm nổi bật nhất của nguồn vốn vay từ hai ngân hàng này hiện nay đó là người vay không cần tài sản đảm bảo, lãi suất vay thấp hơn so với vay vốn thông thường, thời gian vay kéo dài và thủ tục vay đơn giản. Mặc dù đầu tư vào lĩnh vực nông thôn có nhiều rủi ro, chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả nguồn vốn vay đối với người dân, nhưng có một thực tế là tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng này luôn ở mức thấp như 0,05% trên tổng dư nợ cho vay đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; 0,2% đối với Agribank Kon Tum. Không chỉ thúc đẩy phát triển sản xuất, nguồn vốn tín dụng còn có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội ở vùng nông thôn.
Thêm một tin vui đối với ngân hàng và người dân đó là mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể tăng mức cho vay gấp 2 lần so với hiện nay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, HTX, liên hiệp HTX và chủ trang trại khi không có tài sản đảm bảo.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1205/QĐ-TTG ngày 19/09/2018 quy định về việc điều chỉnh mức vay tín dụng tối đa thực hiện chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Theo quyết định này, hộ gia đình cư trú hợp pháp tại địa phương thuộc khu vực nông thôn chưa có nước sạch hoặc có nhưng chưa đạt chuẩn, chưa đảm bảo vệ sinh và không nợ vốn vay Nhà nước sẽ được tạo điều kiện vay tối đa 10 triệu đồng/hộ để xây dựng mới, cải tạo công trình vệ sinh, hệ thống nước sạch sinh hoạt thay vì là 6 triệu/hộ như quy định cũ.
Những sự thay đổi này được xem là cần thiết, kịp thời để giúp các hộ nông dân tiếp thêm sinh lực trong phát triển kinh tế hộ, cải thiện điều kiện sinh hoạt, cũng như giúp việc xây dựng nông thôn mới của các địa phương thêm hiệu quả, bền vững. Nguồn vốn tín dụng đã và đang tiếp tục là “đòn bẩy” để 86/86 xã nông thôn trong tỉnh xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và góp phần đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn.
Dương Lê