Vận tải hành khách: Bù lỗ chạy giữ tuyến, giữ khách
Dù đã được phép hoạt động trở lại, quy định về giãn cách trên phương tiện vận tải hành khách cũng đã được dỡ bỏ nhưng hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn vẫn gặp không ít khó khăn. Vừa chạy, vừa bảo đảm công tác phòng dịch, các đơn vị vận tải đang trong tình thế chấp nhận bù lỗ để giữ khách, giữ tuyến.
Mong sớm hỗ trợ
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hoạt động vận tải hành khách bị ảnh hưởng khá nặng nề. Hoạt động vận tải bị tạm ngưng, ảnh hưởng đến thu nhập của cả doanh nghiệp và người lao động. Nhiều lao động không có việc làm, không có thu nhập nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản đề xuất đối với cơ quan cấp trên có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp vận tải như giảm lãi suất với hợp đồng vay vốn hiện tại hoặc có thời gian miễn lãi, khoanh nợ, giãn nợ (cả lãi và gốc), nới lỏng các điều khoản trả nợ...; giảm mức thuế VAT; giảm và gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; gia hạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), giãn nợ, miễn giảm phí BHXH và không tính lãi phạt chậm nộp cho đến khi hết dịch...
Cho đến nay, theo tìm hiểu trên địa bàn tỉnh có gần 930 lao động của 15 đơn vị vận tải hành khách bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ngoài một số ngân hàng đã giảm lãi suất thì toàn bộ người lao động của các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ từ các gói hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Nguyễn Bá Hiện - chủ nhà xe Đức Thành chuyên chạy tuyến Kon Tum - Thái Bình cho hay: Đến nay, một số ngân hàng đã tiến hành giảm lãi suất, khoanh vùng giãn nợ cho doanh nghiệp. Nhưng cũng có ngân hàng chưa giảm mà mới yêu cầu đơn vị làm hồ sơ. Còn việc hỗ trợ cho nhân viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì đến nay vẫn chưa có.
“Người lao động hỏi, bao giờ mới nhận được tiền hỗ trợ thì tôi không biết nói sao, đành phải giải thích rằng, các đơn vị chỉ có chức năng rà soát, làm thủ tục để tiến hành hỗ trợ” - ông Hiện cho biết.
|
Còn ông Bùi Ngọc Sỹ - Giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc cho biết, hiện đơn vị giao dịch với nhiều ngân hàng nhưng đến nay mới có một vài ngân hàng hạ lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ. Các ngân hàng khác thì mới hướng dẫn chúng tôi làm các thủ tục theo quy định để triển khai các biện pháp hỗ trợ.
Dù số tiền hỗ trợ theo quy định không nhiều nhưng với người nghèo, người lao động mất việc làm thì đó cũng là một khoản tiền không nhỏ giúp họ khắc phục những khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, họ mong ngóng sớm nhận được các khoản tiền hỗ trợ để giúp họ vượt qua trong giai đoạn khó khăn này.
Chạy để giữ khách, giữ tuyến
Theo ghi nhận của phóng viên, tại Bến xe khách liên nội tỉnh, trong khuôn viên bến xe chỉ lèo tèo vài chục người khách ra vào. Trong khu đỗ xe, nhiều xe chuẩn bị xuất bến mà khách vẫn thưa thớt vài người. Có hàng chục xe đậu tại bến “nằm chơi”, được che bạt cẩn thận. Tại các quầy bán vé, cảnh đìu hiu rõ nét, gần như không có khách đến mua. Phải nói rằng, đây là thời điểm khó khăn nhất đối với hoạt động vận tải hành khách.
Ông Phạm Quang Long - Phó Giám đốc Bến xe khách liên nội tỉnh cho biết: Hiện nay, khách ít nên hàng ngày lượng xe xuất bến chỉ đạt khoảng 60 - 70% so với trước. Có xe khi xuất bến, lượng khách chưa được 1/3 so với số ghế của xe. Thậm chí, có đơn vị chạy tuyến phía Bắc, có hôm đăng ký nhưng vì không có khách nên đành hủy chuyến đi.
Tìm hiểu tại các nhà xe cho thấy lượng hành khách đi lại thời gian này rất ít, chỉ bằng 50-60% so với trước kia. Ông Đoàn Thế Tiến - Phó Giám đốc Công ty TNHH Minh Quốc cho biết: Hiện giờ hầu hết các chuyến xe chỉ có khách một chiều mà lượng khách cũng không nhiều. Còn chiều về gần như chỉ chạy xe không. Các tuyến có lượng khách đông như đi Thành phố Hồ Chí Minh thì cũng giảm đến hơn 30%, tuy nhiên cũng còn đỡ hơn so với tuyến Kon Tum đi Huế.
Theo ông Tiến, do tâm lý e ngại nguy cơ dịch bệnh Covid-19 nên hành khách vẫn hạn chế đi lại. Tuyến Huế, hiện nay chạy chuyến nào lỗ chuyến đó, nhưng chúng tôi vẫn duy trì vừa để giữ tuyến, vừa để giữ khách. “May mà giá xăng dầu hiện nay xuống thấp nên cũng đỡ chứ nếu như giá xăng cao như ngày xưa thì sợ không chịu nổi” - ông Tiến thở dài.
Ông Trần Văn Sự - Giám đốc Công ty TNHH Việt Tân cho hay: Từ khi hoạt động trở lại bình thường, lượng khách giảm mạnh. Đơn cử như trước đây, mỗi ngày chúng tôi chạy 3 xe từ Kon Tum ra các tỉnh phía Bắc là Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình thì hiện nay, lượng khách của 3 tuyến chỉ đủ chạy một xe.
“Chúng tôi biết chạy thì lỗ nhưng vẫn phải chấp nhận để giữ khách, giữ tuyến và giữ tài xế. Theo tôi, nguyên nhân lượng khách ít do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, cũng ngại đi lại. Chỉ khi có việc cần, bắt buộc họ mới đi” - ông Sự chia sẻ.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, dù còn khó khăn khi hoạt động trở lại nhưng các đơn vị vận tải vẫn đang nỗ lực phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân. Song song với đó, các đơn vị vận tải cũng luôn chú trọng công tác phòng dịch, thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch trên phương tiện và trong quá trình di chuyển. Tất cả các hành khách ra vào bến, lên xe đều được nhắc nhở phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn khô đã được các đơn vị chuẩn bị sẵn trên xe nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Theo bà Lê Thị Lan - Giám đốc Bến xe khách liên nội tỉnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm nên công tác phòng dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu. Thực hiện tốt công tác phòng dịch sẽ góp phần tạo sự yên tâm cho hành khách, từ đó giúp ngành vận tải quay trở lại hoạt động bình thường và sẽ nhanh chóng hồi phục.
Hà Nam