Vấn đề nâng cao thu nhập bình quân đầu người trong xây dựng nông thôn mới
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc giúp dân nâng cao thu nhập bình quân đầu người và giảm nghèo có vai trò rất quan trọng. Thực tế cho thấy, ở địa phương, thôn làng nào thu nhập bình quân đầu người được nâng cao thì việc huy động sức dân đóng góp thực hiện các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới thuận lợi và ngược lại.
Trong những năm qua, tỉnh ta có nhiều nỗ lực huy động hệ thống chính trị, các nguồn lực và sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Bằng các nguồn lực đầu tư của Nhà nước và với phương châm “lấy sức dân để xây dựng cuộc sống cho dân”, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh có những chuyển biến tích cực, cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều thay đổi tích cực và đời sống người dân nông thôn tiếp tục được nâng lên.
Nhưng nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho xây dựng nông thôn mới có hạn, trong khi yêu cầu đầu tư xây dựng các thiết chế hạ tầng xã hội ở khu vực nông thôn hiện nay rất lớn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các địa phương thường tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho các xã "xã điểm để các xã này về đích nông thôn mới theo đúng lộ trình.
Các địa phương thường tập trung việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ít chú trọng đến hỗ trợ phát triển sản xuất để giúp dân nâng cao thu nhập bình quân đầu người và giảm nghèo một cách bền vững.
|
Chính vì vậy, nhiều xã khó đạt chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người và giảm nghèo theo tiêu chí nông thôn mới. Ngay cả có xã đạt tiêu chí thu nhập bình quân đầu người thì việc đạt được này cũng được đánh giá một cách gượng ép, không bền vững.
Điều dễ thấy là, xã nào có các điều kiện thuận lợi để phát triển các cây trồng chiến lược có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê và người dân phát triển mạnh các cây trồng chiến lược này thì việc đạt tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo thuận lợi hơn các xã khác. Khi kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên thì việc huy động các nguồn lực trong dân để thực hiện các tiêu chí khác thường thuận lợi hơn, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng nông thôn mới thường thấp hơn các xã khác.
Điều đó chứng minh, việc tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển, mở rộng ngành nghề để nâng cao thu nhập, giảm nghèo người cho dân có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, việc nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo một cách bền vững đòi hỏi phải có chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, không phải cứ có tiền muốn là có ngay được như việc thực hiện một số tiêu chí trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Muốn thực hiện tốt tiêu chí nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm nghèo bền vững cho người dân, đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền phải đặc biệt quan tâm và có các giải pháp căn cơ; hàng năm phải dành một nguồn kinh phí thích đáng cho công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm để nâng cao thu nhập bình quân đầu người và giảm nghèo cho người dân.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, trong những năm qua, tỉnh ta đã đề ra các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân. Đáng chú ý là việc thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững; Đề án chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất lúa thiếu nước vụ đông xuân; Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Dự án ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trồng tái canh cây cà phê vối bền vững; Phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; kế hoạch xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; Đề án hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền; Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh...
Trong việc thực hiện các chương trình này, Đề án hỗ trợ dân phát triển cao su tiểu điền, Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh, Đề án chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất lúa thiếu nước vụ đông xuân... đang phát huy hiệu quả.
Điều đáng nói, trong việc thực hiện các dự án, đề án này, có đề án hoàn thành (Đề án phát triển cao su tiểu điền) và phần nhiều đề án, dự án đang thực hiện, nhưng có một số địa phương ít quan tâm và dành thời gian giúp dân thực hiện tốt.
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, tiêu chí bình quân thu nhập đầu người xây dựng nông thôn mới năm sau thường cao hơn năm trước. Ví dụ như thu nhập bình đầu người năm 2017 là 31 triệu đồng/năm thì đến năm 2018 thu nhập bình quân đầu người là 35 triệu đồng/năm...
Thế nhưng ở một số xã nằm trong lộ trình về đích nông thôn mới năm nay, thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp so với yêu cầu tiêu chí đặt ra, nhưng vẫn chưa có các giải pháp căn cơ để nâng cao thu nhập bình quân đầu người cho người dân. Chính vì vậy, việc về đích nông thôn mới theo kế hoạch rất khó thực hiện.
Chỉ tính riêng năm 2017, tỉnh ta có kế hoạch xây dựng 5 xã về đích nông thôn mới, nhưng không xã nào đạt được nông thôn mới, trong đó có tiêu chí thu nhập bình quân đầu người và giảm nghèo.
Trước những yêu cầu đặt ra, đòi hỏi các địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa đến việc đầu tư và triển khai các giải pháp nâng cao thu nhập bình quân đầu người, hộ nghèo đạt tiêu chí nông thôn mới một cách bền vững và lâu dài.
Có như vậy, chẳng những các địa phương sớm hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới một cách bền vững mà còn đạt được mục tiêu ý nghĩa tốt đẹp của chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân khu vực nông thôn.
Văn Nhiên