Ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng rau, hoa tại địa bàn tỉnh: Hướng đã mở và một số vấn đề đặt ra
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là xu hướng tất yếu, khâu then chốt thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tại địa bàn tỉnh Kon Tum, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nói chung, trồng rau, hoa nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy vậy, thực tế vẫn còn một số vấn đề đặt ra đối với lĩnh vực không ít tiềm năng này.
Là đơn vị kinh tế tập thể đầu tiên được thành lập tại địa bàn huyện Kon Plông tiên phong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, kết quả nổi bật của Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh thanh niên Măng Đen là đã thử nghiệm thành công và đưa vào trồng nhiều loại hoa xứ lạnh vốn chỉ phù hợp với khí hậu Đà Lạt.
Các loại hoa của Hợp tác xã không chỉ được tiêu thụ tại địa bàn tỉnh mà còn mở rộng cung ứng trên thị trường một số vùng lân cận, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán những năm trước.
Ông Nguyễn Văn Ban - Giám đốc Hợp tác xã cho hay: Phòng NN&PTNT Kon Plông là đơn vị đầu tiên đưa hoa lily vào trồng thử tại địa bàn huyện dưới dạng mô hình. Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh thanh niên Măng Đen tiên phong đầu tư sản xuất hàng hóa, phát triển loại hoa này thành “thương hiệu” của Hợp tác xã tại địa bàn tỉnh Kon Tum. Những năm qua, mỗi năm, Hợp tác xã đã trồng và tiêu thụ từ 50.000 đến 100.000 củ giống hoa lily, tập trung chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán. Không chỉ ổn định tại Măng Đen, Hợp tác xã còn chuyển giao quy trình trồng và chăm sóc hoa lily cho bà con nông dân thành phố Kon Tum, huyện Đăk Hà.
|
Cùng với hoa lily, Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh thanh niên Măng Đen còn trồng thử nghiệm và sản xuất nhiều loại hoa khác mà trước đó chưa hề có, hay phổ biến ở huyện Kon Plông nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung như tulip, cát tường, cẩm chướng, đồng tiền; cũng như một số giống rau như xà lách Mỹ, xà lách Nhật…
“Trồng thử nghiệm thì nhiều, nhưng để đầu tư sản xuất hàng hóa, phải cân nhắc, tìm hiểu thị trường để có định hướng phù hợp thì mới đạt hiệu quả”- ông Ban lưu ý.
Theo Thạc sĩ Chu Đình Liệu- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học- công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ), được giao nhiệm vụ triển khai các đề tài, dự án ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thời gian qua, Trung tâm đã bố trí kinh phí để tiến hành nghiên cứu, khảo nghiệm và từng bước nhân giống một số loại cây trồng theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học. Cùng với một số loại cây dược liệu như cây sâm dây, cây lan kim tuyến, cây ba kích; đáng chú ý là các giống cây rau, hoa đã được đưa vào sử dụng rộng rãi như hoa lan hồ điệp, đê rô, địa lan, hoa cúc, đồng tiền, cẩm chướng…
Trồng rau, hoa là một trong số nghề truyền thống của bà con nông dân tỉnh Kon Tum. Ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực này không chỉ góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; mà còn hướng đến nền sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Gia đình ông Nguyễn Duy Điệp là một trong số hộ nông dân ở tổ 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum đi đầu áp dụng quy trình VietGap vào trồng rau xanh. Tích cực tham gia mô hình sản xuất trong phạm vi triển khai đề án của thành phố Kon Tum, sau đó, ông Điệp chủ động đầu tư hệ thống nhà màng và mở rộng thêm diện tích trồng rau an toàn với chủ yếu các loại rau cải, rau dền, cà chua, xà lách, cải bắp thảo, su hào…
“Ứng dụng VietGap vào trồng rau cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định từ khâu làm đất, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch. Đặc biệt, là phải đảm bảo phun thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất đúng nồng độ đúng liều lượng và chu kỳ thời gian hợp lý” - ông Nguyễn Duy Điệp giải thích.
Cùng với quy trình Viet Gap, làm quen nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mới được người sản xuất tiếp cận. Ông Nguyễn Văn Ban- Giám đốc Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh thanh niên Măng Đen cho biết: Mỗi loại giống đều có những đặc điểm riêng, đòi hỏi người sản xuất phải chủ động và tích cực sử dụng phù hợp với điều kiện thực tế của mình để mang lại hiệu quả cao nhất. Khái niệm “công nghệ” trong nông nghiệp trước đây còn xa lạ với bà con nông dân, nhưng bây giờ ngày càng trở nên phổ biến, gần gũi. Chẳng hạn như hình thức tưới phun từng được xem là sự “đột phá” một trong những khâu quan trọng của quá trình trồng rau, hoa; đến nay, đã được đầu tư sử dụng rộng rãi. Tuy vậy, với sản xuất hữu cơ để tạo ra sản phẩm “sạch”, quan trọng nhất là đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng một cách khoa học. Trong đó, phương pháp phối trộn các giá thể để trồng rau, hoa có vai trò rất cần thiết. Có thể sử dụng những giá thể tự có và dễ tìm, giá thể nhập khẩu, hay sử dụng giá thể nhập khẩu chọn lọc trộn với giá thể tự có thông thường, góp phần giảm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Gắn với yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đầu ra ổn định cho sản phẩm là yếu tố quan trọng, quyết định hiệu quả đầu tư phát triển nông nghiệp. Nông dân Nguyễn Duy Điệp cho biết: Các hộ trồng rau theo quy trình VietGap từng gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, tuy vậy, đến nay đã ổn định xuất bán cho người tiêu dùng và các trường học phục vụ học sinh bán trú trên địa bàn thành phố Kon Tum. Giá thành rau an toàn cao hơn rau trồng không được kiểm chứng kỹ thuật không bao nhiêu, song lợi ích rất lớn. Nhận thức rõ điều này nên người tiêu dùng từng bước hình thành thói quen sử dụng rau VietGap.
Hiện nay, phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả an toàn là một trong số dự án liên kết theo chuỗi giá trị được tỉnh Kon Tum xác định. Tuy vậy, để hình thành và phát triển chuỗi giá trị này, vấn đề đặt ra trước hết là tích cực sản xuất hữu cơ gắn với từng bước khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và đặc biệt phải đảm bảo thị trường tiêu thụ sản phẩm.
“Sản xuất sạch là xu hướng tất yếu, nhưng nếu chỉ trồng đơn lẻ, quy mô nhỏ thì mỗi kỳ thu hoạch cũng chỉ trong thời gian ngắn, phạm vi cung ứng hẹp. Tuy vậy, nếu tập trung nhiều người, nhiều cơ sở cùng sản xuất, hình thành nên vùng sản xuất hẳn hoi, thì với “thương hiệu” được tạo ra cho sản phẩm của chính mình, khâu tiêu thụ sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn. Giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm cũng được nâng lên” - ông Nguyễn Văn Ban phân tích thêm.
Theo xu hướng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng rau, hoa trên địa bàn tỉnh ngày càng cần đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa với quy mô lớn.
Vì vậy, song song với tích cực thu hút các nguồn lực đầu tư cần thiết để mở rộng vùng sản xuất tập trung, triển khai đề án phát triển công nghệ sinh học theo chỉ đạo của UBND tỉnh trong những năm tới được xem là động lực thúc đẩy hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất tại địa bàn.
Bài, ảnh: Thanh Như