“Dệt mùa vàng” trên cánh đồng lớn
Với tư duy lớn, cách làm mới, mạnh dạn liên kết để xây dựng vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn, nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang gặt hái “những quả ngọt” mùa màng bội thu. Những cánh đồng quy mô lớn dần thành hình, vẽ nên “bức tranh tươi sáng” cho nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân của địa phương.
Bội thu trên cánh đồng lớn
Những ngày cuối năm 2024, dưới cái nắng hanh vàng quyện trong cái gió se se lạnh mang đặc trưng của mùa khô Tây Nguyên, cũng như nông dân ở các nơi khác của huyện Đăk Hà, những người dân làng Kon K’lốc (xã Đăk Mar) tất bật thu hái cà phê. Vẫn những mảnh vườn ấy, nhưng hiện nay nông dân ở đây đã triển khai sản xuất theo tiêu chí cánh đồng lớn nên năng suất, chất lượng cà phê vượt trội hơn hẳn so với trước đây. Bởi vậy, niềm vui sướng của người trồng cà phê được nhân lên gấp bội.
Cánh đồng sản xuất cà phê dân làng Kon K’lốc là một trong những cánh đồng lớn đầu tiên được xây dựng trên địa bàn huyện Đăk Hà, bắt đầu từ năm 2017 với gần 100ha cà phê do người dân nhận khoán của Công ty TNHH MTV Cà phê 704. Toàn bộ diện tích cà phê được tái canh, trồng giống mới đạt tiêu chuẩn, áp dụng quy trình canh tác đồng bộ, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và thu hoạch phải quả chín trên 90%. Chính việc áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt này, vừa đảm bảo năng suất và chất lượng cà phê, vừa giúp sản phẩm cà phê của nông dân ở đây được bán với giá cao.
Anh A Rôih (làng Kon K’lốc, xã Đăk Mar) phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi nhận sản xuất 0,8ha cà phê trên cánh đồng lớn. Với việc đưa vào trồng giống mới, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật theo công ty hướng dẫn nên từ khi đưa vào kinh doanh, năng suất cà phê của gia đình tôi và của các hộ dân trên cùng cánh đồng đều đạt khá cao, từ 18-19 tấn cà phê tươi/ha, cao hơn khoảng 20% so với cách làm cũ.
|
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Đăk Hà nhiều khởi sắc khi phong trào tập trung ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung lan tỏa sâu rộng.
Hiện tại, ngoài cánh đồng lớn sản xuất cà phê tại thôn Kon K’lốc, huyện Đăk Hà đã xây dựng thành công cánh đồng trồng lúa thơm tại xã Đăk La với quy mô 35 ha, vùng chuyên canh rau tại xã Đăk Ngọk với quy mô 24ha, quy hoạch vùng liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê vối theo tiêu chuẩn 4C, UTZ trên địa bàn các xã Đăk Mar, Hà Mòn, Đăk Ngọk, Đăk Hring, Đăk Long và thị trấn Đăk Hà với quy mô 750ha theo tiêu chí cánh đồng lớn.
Trên địa bàn huyện Đăk Hà cũng hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 1.936ha và 1 doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với quy mô 220ha đã được UBND tỉnh công nhận.
Không chỉ ở Đăk Hà, những năm qua, người dân thành phố Kon Tum cũng mạnh dạn tập trung ruộng đất, liên kết tổ chức sản xuất theo phương thức của cánh đồng lớn, qua đó mang lại hiệu quả thiết thực.
Tại xã Đoàn Kết, những người trồng lúa đã chủ động liên kết với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết xây dựng cánh đồng “một vùng, một giống, một thời gian” (sản xuất trên một cánh đồng, cùng một loại giống, gieo trồng cùng một thời gian). Người dân áp dụng phương thức sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng” đó là, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế; đồng thời, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng là đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc, đúng cách.
Những thửa ruộng được nông dân trên địa bàn xã Đoàn Kết gieo cấy, chăm sóc đồng bộ, đúng quy trình thường ít sâu bệnh, tiết kiệm chi phí và cho năng suất cao. Bình quân, năng suất đạt trên 7,5 tấn/ha, cao hơn khoảng 1 tấn/ha so với những diện tích sản xuất lúa nhỏ lẻ; chất lượng gạo ngon hơn nên giá bán cũng cao hơn từ 10- 15% so với hạt gạo làm theo cách truyền thống.
Từ thành công của cánh đồng lúa Đoàn Kết, người dân các xã Hòa Bình, Đăk Cấm, phường Trần Hưng Đạo, Ngọc Bay tích cực học tập, mạnh dạn triển khai sản xuất, mở rộng diện tích vùng trồng lúa theo quy mô cánh đồng lớn. Và chính điều này đã đem đến hiệu quả kinh tế hơn cả sự mong đợi của nông dân trên địa bàn thành phố Kon Tum, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế hộ gia đình của địa phương.
Ông Phan Thanh Nam- Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum cho biết: Thời gian qua, thành phố Kon Tum chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tích cực vận động, hướng dẫn người dân thay đổi cách làm, phương thức sản xuất, xây dựng các cánh đồng lớn, vùng trồng tập trung. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành được một số cánh đồng lớn với các sản phẩm có lợi thế của địa phương như mì, cao su, cà phê, lúa, rau màu…
“Chủ trương lớn” mở đường sản xuất lớn
Bà Y Hằng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Xác định việc xây dựng cánh đồng lớn là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, từ năm 2017, tỉnh ta đã đề ra những chủ trương, kế hoạch tích tụ, tập trung ruộng đất để hình thành các cánh đồng lớn.
Cụ thể, ngày 17/2/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 366-KL/TU về chủ trương dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp để xây dựng “cánh đồng lớn”. Tháng 3/2017, UBND tỉnh có Quyết định số 176/QĐ-UBND (ngày 13/3/2017) ban hành Kế hoạch dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp về xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025.
Năm 2021, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 25/11/2021) về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030...
Trên cơ sở đó, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp cùng các địa phương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp thực hiện tập trung ruộng đất, liên kết sản xuất, hình thành vùng trồng tập trung gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.
|
Từ đó, những cánh đồng sản xuất lớn từng bước được hình thành phù hợp với điều kiện sản xuất của từng địa phương, gắn kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một vùng trồng tập trung lớn như vùng trồng sầu riêng tại huyện Ia H’Drai, Đăk Hà và Kon Rẫy với quy mô gần 965ha; vùng rau, củ quả xứ lạnh huyện Kon Plông với diện tích hơn 400ha, vùng chuối tại huyện Ia H’Drai với diện tích 56,2ha. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã thiết lập được vùng trồng cấp mã số và hoàn thành thủ tục đề nghị cấp mã số đối với 39 vùng trồng với diện tích sản xuất hơn 650ha. Diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đạt 27.277,2ha.
“Việc xây dựng cánh đồng lớn không chỉ là mở rộng chu vi, diện tích, tạo thuận lợi cho việc thực hiện thủy lợi hóa, cơ giới hóa, giúp cải thiện năng suất lao động mà quan trọng hơn là mở ra lối tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Đó là, tư duy sản xuất theo hướng hiện đại, liên kết chuỗi giá trị, gắn kết việc sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm hay nói cách khác là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Từ đó, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa bền vững, có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao và đích đến cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương” - bà Y Hằng nhấn mạnh.
THIÊN HƯƠNG