Tạo sức bật từ cải thiện môi trường đầu tư
Con đường đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh, bền vững còn dài và còn nhiều gian nan. Để thực hiện thành công, bên cạnh quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nguồn lực bên ngoài, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh từ bên trong.
Xác định rõ vai trò quan trọng của cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng; hỗ trợ, thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển.
Gần đây nhất, tháng 5/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2023, định hướng đến năm 2030.
UBND tỉnh chỉ đạo triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, như hỗ trợ đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp; khuyến khích, tạo thuận lợi để các hộ kinh doanh và cá nhân tự nguyện liên kết lập doanh nghiệp, hợp tác xã.
Hỗ trợ đổi mới, sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính (TTHC), tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
|
Thực hiện cơ chế, chính sách cụ thể trong tiếp xúc, kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn đến tỉnh, thông qua việc duy trì chương trình Cà phê doanh nghiệp - Doanh nhân hằng tháng. Tổ chức đối thoại doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Những nỗ lực và động thái tích cực này đã góp phần quan trọng trong việc tăng số lượng doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong tỉnh.
Theo ngành chức năng, toàn tỉnh có hơn 4.400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, khoảng 315 hợp tác xã và hàng nghìn hộ kinh doanh. Riêng trong năm 2024 có 301 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 5,24 % so với năm 2023) với 1.832 lao động và tổng vốn điều lệ là 2.200 tỷ đồng; 49 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Thu hút 16 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 1.205 tỷ đồng.
Kết quả điều tra ỏ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, có 55,88% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn; chỉ 14,71% doanh nghiệp đánh giá tình hình có khó khăn hơn. Ở ngành xây dựng, tỷ lệ lần lượt là 57,1% và 2%.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng đến hiệu quả, sức cạnh tranh. Không ít doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu vốn nhưng khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; than phiền vì phải chịu chi phí vay vốn cao.
Các vấn đề như pháp lý tài sản, thủ tục hành chính, môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, chất lượng đội ngũ công vụ, tính minh bạch và trách nhiệm trợ giúp của cơ quan hành chính vẫn là “rào cản” ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Nội lực” của nhiều doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tăng hàng năm nhưng quy mô bình quân của mỗi doanh nghiệp còn nhỏ.
Đi cùng đó là chất lượng nhân lực thấp; đội ngũ chủ doanh nghiệp, cán bộ quản lý thiếu kiến thức quản trị và kỹ năng, kinh nghiệm quản lý. Không ít doanh nghiệp còn sử dụng máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu. Một số doanh nghiệp chậm đầu tư cho đổi mới công nghệ.
|
Bước vào năm 2025, khảo sát của Cục Thống kê cho thấy, phần lớn doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất tốt hơn vào năm 2025. Tuy nhiên, có tới 30,6% doanh nghiệp muốn được hỗ trợ nguyên vật liệu.
Có 24,5% doanh nghiệp mong muốn thông tin đấu thầu công khai, minh bạch; 8,2% mong muốn có chế tài xử phạt chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản; 28,6% doanh nghiệp cần được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.
Những mong muốn của doanh nghiệp cũng phản ánh phần những “rào cản” liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư. Và một khi chúng được tháo gỡ sẽ tạo nên sức bật mới cho thu hút đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh.
Muốn như vậy, chính quyền các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, trước hết là chi phí bất hợp lý phát sinh từ quản lý nhà nước; ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức; cắt giảm, đơn giản hóa quy định về đầu tư, đất đai, xây dựng, nộp thuế, bảo hiểm xã hội.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng; tăng cường sự hỗ trợ về vốn, cơ chế, chính sách, luật pháp, xúc tiến thương mại; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Khuyến khích liên kết, hợp tác để hình thành, phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh.
Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều hình thức (như: đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp thông qua Chương trình cà phê “Doanh nghiệp - Doanh nhân”, Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp; qua Hệ thống “Tiếp nhận, phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp”) nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, cùng với hỗ trợ của chính quyền, cần chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập, phát triển.
Trước hết, chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, đầu tư cho chuyển đổi số, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường trong nước và quốc tế.
Tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ. Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng được yêu cầu đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm chất lượng cao.
Hồng Lam