Tuyên truyền giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng hội nhập
Thông qua công tác tuyên truyền, Báo Kon Tum góp phần định hướng sản xuất, biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân ở địa phương.
Xác định tuyên truyền nông nghiệp, nông thôn, nông dân là một nhiệm vụ quan trọng, trong những năm qua, Báo Kon Tum phân công phóng viên kịp thời phản ánh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh và tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương để giúp nông dân tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn và vươn lên phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế.
Các vấn đề được Báo Kon Tum tập trung phản ánh là các nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; việc tái cơ cấu nông nghiệp; sản xuất các cây trồng, vật nuôi có lợi thế, có giá trị kinh tế cao được tỉnh hỗ trợ và tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh phát triển như cao su tiểu điền, cà phê xứ lạnh (cà phê chè cho các xã ở vùng Đông Trường Sơn), rau hoa xứ lạnh, sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu; bò lai Sind, heo hướng nạc; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ... Qua đó, giúp nông dân học hỏi lẫn nhau, từng bước làm giàu chính đáng, sản phẩm nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.
|
Thông qua việc thực hiện chủ trương của tỉnh và việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân đã góp phần đem lại những hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có nhiều thay đổi, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh các loại cây công nghiệp chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của địa phương. Đến nay, tỉnh hình thành các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực như: cao su (huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ia H’Drai, thành phố Kon Tum), cà phê vối (Đăk Hà, Ngọc Hồi, thành phố Kon Tum), cà phê xứ lạnh (Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông), mía (thành phố Kon Tum), mì (Ngọc Hồi, Đăk Glei, Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum, Sa Thầy...), dược liệu (Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei), rau hoa xứ lạnh (Kon Plông)... Diện tích các cây trồng chủ lực phát triển được như sau: 74.800ha cao su, 20.833ha cà phê, 130ha rau-hoa-quả xứ lạnh, 1.558ha mía, hơn 500ha sâm Ngọc Linh và đang phát triển thêm nhiều cây dược liệu khác...
Về chính sách phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, Báo Kon Tum hướng tuyên truyền vào hỗ trợ nông dân cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo; nuôi heo hướng nạc, gia cầm theo hình thức trang trại; tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với nông dân nuôi dê lấy sữa... Qua đó, góp phần thay đổi tập tục chăn nuôi của người dân, đưa các loại giống gia súc gia cầm mới cho năng suất, chất lượng cao vào chăn nuôi của từng hộ gia đình, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, làm cho tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có bước phát triển.
Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Báo Kon Tum tập trung tuyên truyền sự hỗ trợ của địa phương thông qua chương trình khuyến nông, sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân nuôi các loài cá nước ngọt, ba ba... Diện tích nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1.250ha ao, hồ. Sản lượng cá nuôi không chỉ đáp ứng một phần cho người dân trong tỉnh mà còn hướng đến xuất khẩu (cơ sở cá giống Tá Tiến, huyện Đăk Hà hỗ trợ nông dân nuôi cá và thu mua sản phẩm, hàng năm xuất khẩu khoảng 1.500 tấn cá vào thị trường EU).
Trong công tác tuyên truyền, Báo Kon Tum tập trung vào việc định hướng nông dân hình thành các tổ hợp tác, liên kết với các hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và cung ứng sản phẩm theo chuỗi giá trị. Qua đó, góp phần vận động hình thành cơ chế liên kết giữa các chủ thể từ sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ, bảo đảm an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và xây dựng thương hiệu sản phẩm; kết hợp hài hòa giữa lợi ích và bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nông dân và người tiêu dùng.
Theo đó, Báo Kon Tum xác định được những mô hình hay như việc Nhà máy Đường Kon Tum liên kết với nông dân trồng mía và bảo hộ giá mía cho nông dân; nông dân Tổ hợp tác sản xuất rau VietGAP 1/5, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn VietGAP; các thành viên trong Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và thương mại Sáu Nhung (Đăk Hà) là những nông dân liên kết với nhau sản xuất cà phê an toàn, chế biến các loại cà phê nguyên chất, xây dựng thương hiệu sản phẩm; Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen liên kết nông dân trồng bắp lấy thân nuôi dê lấy sữa... góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân.
Trong việc tuyên truyền chủ trương dồn điền đổi thửa, Báo Kon Tum kịp thời phản ánh, định hướng nông dân và các địa phương xây dựng cánh đồng sản xuất mía công nghệ cao tại xã Ia Chim (thành phố Kon Tum), cánh đồng sản xuất lúa thơm tại xã Đăk La (huyện Đăk Hà), cánh đồng trồng bắp lấy thân tại xã Măng Bút (huyện Kon Plông)...
|
Tuyên truyền phát triển lâm nghiệp bền vững, Báo Kon Tum định hướng nông dân sống gần rừng nhận đất nhận rừng, nhận khoán bảo vệ rừng; các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, vườn quốc gia... tăng cường giao khoán rừng cho người dân theo chính sách dịch vụ môi trường rừng. Đến nay, các chủ rừng giao khoán 138.567,01ha rừng cho hộ gia đình, cộng đồng sống gần rừng quản lý, bảo vệ; đồng thời hộ gia đình, cộng đồng còn nhận 44.862,59ha đất rừng Nhà nước giao để quản lý, bảo vệ.
Từ việc nhận khoán, nông dân sống gần rừng có thu nhập thêm bình quân khoảng 8 triệu đồng/hộ/năm và gần 130 triệu đồng/cộng đồng/năm từ rừng. Nguồn thu từ rừng, góp phần giúp nông dân cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống.
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian đến, Báo Kon Tum tiếp tục xác định tuyên truyền về nông dân trong hội nhập là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó chú trọng hướng người nông dân thay đổi phương thức sản xuất cũ, cách nghĩ cũ, bằng lối tư duy mới, phương thức sản xuất mới, hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, bảo đảm sức khoẻ cho người tiêu dùng và hướng mạnh đến xuất khẩu... để làm giàu.
Văn Nhiên