Từng bước đưa sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu
Thực hiện chủ trương của tỉnh, trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các huyện, thành phố, doanh nghiệp từng bước đưa sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.
Theo ông Nguyễn Trung Hải- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, việc từng bước đưa sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu được thực hiện trên cơ sở ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các ngành, huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành những chính sách sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển dược liệu, lâm nghiệp bền vững, xây dựng cánh đồng lớn, mỗi xã một sản phẩm; chuyển giao ứng dụng khoa học, các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất.
Tỉnh ta hình thành Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Măng Đen; thông qua Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu; xây dựng Đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm; ban hành kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn; Phương án giao rừng, cho thuê rừng để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, kết hợp kinh doanh cảnh quan du lịch sản xuất nông-lâm nghiệp dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030...
Trong việc phát triển các sản phẩm chủ lực, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thành phố chú trọng chuyển giao các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất. Diện tích cây mì còn 39.700ha, năng suất ước đạt 169,9 tạ/ha và dự thu 674.000 tấn/năm. Việc phát triển cây mì thực hiện theo chủ trương giảm dần, ổn định diện tích mì và thâm canh tăng năng suất mì để đảm bảo đủ nhu cầu chế biến của các nhà máy tinh bột sắn, cồn sinh học...
|
Đối với cây cà phê, ngành nông nghiệp chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với các huyện tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển giống cà phê lai đa dòng (TR4, TRS1...); hỗ trợ người dân vùng Đông Trường Sơn thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh với giống cà phê chè TN1 có năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh tốt. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thực hiện kế hoạch tái canh cà phê và Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh.
Ở cây cà phê, đến nay, toàn tỉnh phát triển trên 20.833ha, trong đó có 15.450ha cà phê đi vào kinh doanh; sản lượng cà phê niên vụ 2018-2019 ước tính thu được khoảng trên 43.390 tấn nhân/năm. Việc sản xuất hướng đến cà phê an toàn, cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C (Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê) và cà phê UTZ CERTIFIED (Chương trình chứng nhận toàn cầu, thực hành nông nghiệp tốt) để xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng cà phê.
Việc phát triển cây cao su được tiếp tục triển khai theo kế hoạch. Diện tích cao su trên địa bàn tỉnh 74.800ha; sản lượng cao su ước đạt 59.423 tấn mủ/năm. Sản lượng mủ cao su ở tỉnh đều được các doanh nghiệp ở tỉnh chế biến và xuất khẩu.
Đối với cây sâm Ngọc Linh, tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trồng sâm dưới tán rừng gắn với việc bảo vệ rừng. Tính đến nay, các doanh nghiệp và người dân trong tỉnh phát triển được trên 500ha sâm Ngọc Linh. Bước đầu, một số doanh nghiệp trồng và kinh doanh sâm Ngọc Linh có sản phẩm sâm Ngọc Linh như trà sâm, rượu sâm Ngọc Linh. Việc phát triển cây sâm Ngọc Linh được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển, xây dựng các vườn ươm giống từ các doanh nghiệp và Trung tâm Ươm tạo khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) để hỗ trợ giống sâm Ngọc Linh đảm bảo nguồn gốc, chất lượng phục vụ mở rộng sản xuất.
Trong năm 2018, tỉnh ta tổ chức thành công Hội nghị đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác. Hội nghị này, tỉnh thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước và các doanh nghiệp này đang có chủ trương tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu trên địa bàn tỉnh. Ngay tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc xác định “sâm Ngọc Linh là quốc bảo” và hướng doanh nghiệp đi vào sản xuất, chế biến sâu.
Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Sau khi Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các ngành tham mưu UBND tỉnh thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen tại huyện Kon Plông với quy mô 175ha.
Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án sản xuất các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn như: Dự án quản lý bảo vệ rừng, kinh doanh du lịch và nhân giống, phát triển cây dược liệu kết hợp chăn nuôi dê sữa công nghệ cao (tổng vốn đầu tư khoảng 5.100 tỷ đồng); Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp VinEco Kon Tum của Tập đoàn VinGroup (vốn đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng) với quy mô 500ha; cùng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đang sản xuất rau hoa quả sạch, an toàn theo ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao ở Măng Đen. Bước đầu, nhiều doanh nghiệp có những sản phẩm như sữa dê, rau, hoa, quả... an toàn, sạch cung ứng ra thị trường.
Đối với các loại cây trồng khác như: lúa, bắp, khoai lang... ngành nông nghiệp phối hợp với các huyện, thành phố chú trọng chuyển giao ứng dụng các giống mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất; hình thành chuỗi sản xuất lúa gạo Đăk La (Đăk Hà), khoai lang Nhật (TP Kon Tum)...
Theo đánh giá, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh năm 2018 ước đạt 173.661ha, trong đó diện tích gieo trồng cây lượng thực đạt 30.140ha, sản lượng lương thực đạt 116.790 tấn... Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thiếu nước tưới sang cây trồng cạn 434,67ha (sang trồng mì 158,14ha, sang trồng bắp 161,4ha và cây trồng khác 115,13ha).
Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh là trên 230.300 con và đàn gia cầm trên 1.113.000 con. Trong đó, đàn trâu: 23.270 con, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò trên 75.500 con, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn heo trên 131.400 con, giảm 2,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong chăn nuôi, nhiều trang trại hướng đi vào sản xuất heo, gà... an toàn, chất lượng.
Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, nhất là việc giao đất, giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng và việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Người dân được giao đất, giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng có thêm một nguồn thu đáng kể từ chính sách dịch vụ môi trường rừng để cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống.
Việc xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và thực hiện quyết liệt. Dự kiến cuối năm 2018, toàn tỉnh có thêm 5 xã (Đăk Năng-TP. Kon Tum; xã Đăk Ngọk - huyện Đăk Hà; xã Bờ Y - huyện Ngọc Hồi; xã Tân Lập-huyện Kon Rẫy; xã Kon Đào-huyện Đăk Tô) đạt nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt nông thôn mới lên 18 xã; bình quân số tiêu chí là 10,87 tiêu chí/xã, tăng 0,87 tiêu chí/xã..
Việc hướng sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu, nhất là chuyển giao các loại giống mới, sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiêp sạch, nông nghiệp chất lượng cao; gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm... làm cho sản xuất nông nghiệp có những chuyển biến tích cực. Cùng với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn và đời sống người dân được nâng lên một bước. Sự chuyển biến này đặt nền móng quan trọng để sản xuất nông nghiệp ở tỉnh trong những năm đến phát triển sâu và mạnh hơn.
ĐÀO NGUYÊN