Tu Mơ Rông: Tạo sức bật phát triển kinh tế- xã hội
Vượt qua gian nan, nhọc nhằn của một huyện nghèo vùng sâu, sau 14 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền huyện Tu Mơ Rông, với sự cần cù, chịu khó của nhân dân các dân tộc trên địa bàn trong xây dựng, vùng đất Tu Mơ Rông ngày càng đổi thay tích cực, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Để tạo nên những đột phá mới, huyện Tu Mơ Rông xác định, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, quyết tâm đưa địa phương vượt qua nghèo khó, từng bước phát triển bền vững.
Những gam màu sáng
Những ai gắn bó với Tu Mơ Rông từ những ngày đầu gian khó đều nhận ra rằng, Tu Mơ Rông đang ngày càng có những đổi thay. Về Đăk Tờ Kan, đến Măng Ri, Tê Xăng, qua Ngọc Yêu, Ngọc Lây… sự đổi thay ấy hiện diện ở khắp mọi nơi. Đi đến đâu chúng ta cũng thấy những con đường bê tông hóa về làng, về xóm, ra tận khu sản xuất; những trụ sở làm việc, trường học khang trang; những thôn, làng ngày càng có nhiều thêm những ngôi nhà mới vững chãi; những rẫy vườn với cà phê, dược liệu… đang ngát xanh một màu xanh hy vọng, báo hiệu sự đổi thay trên “vùng đất khó” Tu Mơ Rông. Đời sống kinh tế của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn được nâng cao, cái đói cái nghèo từng bước được đẩy lùi.
Ấm no hơn trước nhiều lắm chứ - chị Y Pin (ở làng Tu Thó, xã Tê Xăng) đã phấn khởi khẳng định với chúng tôi như vậy.
Chị Y Pin kể, năm nay, người dân Tu Thó vì ảnh hưởng mưa bão, bị sạt lở, được các cấp, các ngành hỗ trợ kịp thời, lo giúp di dời chỗ ở mới. May mắn là không thiệt hại về người, rẫy vườn của gia đình và bà con trong làng cơ bản vẫn vẹn nguyên. Vụ cà phê vừa rồi, gia đình thu được vài chục triệu từ hơn 1,5ha cà phê.
"Ngoài cà phê, gia đình còn trồng lúa đủ ăn quanh năm, trồng thêm sâm dây gần 1 sào, có thu cả. Năm nay gia đình mình có một cái Tết đầy đủ, sung túc”- chị Y Pin “chốt lại” đầy phấn chấn và nở nụ cười mãn nguyện.
Đem những chuyện mắt thấy tai nghe, những cảm nhận về sự đổi thay đáng mừng đó, chúng tôi chia sẻ với ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện.
Sau một thoáng nghĩ suy, ông Vương Văn Mười chậm rãi nói, để có được như ngày hôm nay là một hành trình đầy gian khó mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tu Mơ Rông phải phấn đấu vượt qua, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của Trung ương, của tỉnh. Đến nay, kinh tế, văn hóa, xã hội của Tu Mơ Rông có những chuyển biến tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Và, điều đáng mừng hơn là bức tranh kinh tế - xã hội của địa phương đã có “những gam màu sáng” từ việc khai thác những tiềm năng lợi thế trong phát triển kinh tế.
Theo ông Mười, năm nay phần lớn các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện đề ra ngay từ đầu năm cơ bản đạt và vượt. Về phát triển các loại cây công nghiệp và chăn nuôi, nhân dân trên địa bàn triển khai trồng mới được 43,7ha cây bời lời, đạt 132,4% kế hoạch, nâng diện tích bời lời toàn huyện lên 4.788ha; trồng được 239,4ha cây cà phê, đạt 128,7% kế hoạch, nâng diện tích cà phê toàn huyện lên 1.598,1ha. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện được ổn định, với gần 70 nghìn con; diện tích ao cá được mở rộng lên 21,27ha, đạt 105,54% kế hoạch.
|
Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện năm 2018 đạt khoảng 105,6 tỷ đồng; tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 45,3 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước trong năm 2018 đạt khoảng gần 346 tỷ đồng, trong đó thu địa bàn đạt 51,3 tỷ đồng, đạt 111,84% so với dự toán giao trong năm.
Kinh tế- xã hội phát triển; đời sống nhân dân được nâng lên về nhiều mặt; lĩnh vực văn hóa- xã hội được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn quan tâm chỉ đạo; sự nghiệp y tế, giáo dục, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương; công tác xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả khả quan... Đó là những ”nét vẽ” tạo nên ”những gam màu tươi mới” của bức tranh kinh tế - xã hội huyện Tu Mơ Rông trong năm 2018, tạo những ”xung lực mới” cho quá trình đột phá trong tương lai.
Phát huy lợi thế, tạo sức bật mới
Những thành quả đạt được trên các lĩnh vực của địa phương là hết sức đáng mừng, đáng trân trọng. Nhưng cho đến nay, Tu Mơ Rông vẫn là huyện nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn vẫn ở mức cao. Đây là nỗi trăn trở của Đảng bộ, chính quyền huyện Tu Mơ Rông.
"Sau những lần xuống cơ sở làm việc, về từng nhà dân lắng nghe, chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc, họp bàn tìm hướng đi để giảm nhanh và vững chắc tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện, nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân. Chúng tôi xác định, trước hết phải bắt đầu ngay từ chính những tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát huy mạnh mẽ nội lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt và từng bước đưa Tu Mơ Rông trở thành huyện giàu chính từ việc khai thác lợi thế của địa phương" - ông Vương Văn Mười chia sẻ với chúng tôi với quyết tâm cao.
Để phát huy lợi thế của địa phương, huyện tập trung vào những sản phẩm chủ lực, thế mạnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ canh tác, lợi nhuận cao trên cùng một diện tích để phát triển.
Trước hết, phải kể đến sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác. Sâm Ngọc Linh mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi là “Quốc bảo” đang được địa phương chú trọng tạo sinh kế cho chính người dân ở “thủ phủ” của loại cây này.
Đến nay, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông ngoài diện tích sâm của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum, đã có hàng trăm hộ dân liên kết trồng sâm với công ty. Theo thống kê, trong năm 2018, tổng diện tích trồng mới sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông là 2,73ha, nâng diện tích cây sâm Ngọc Linh trong dân trên toàn huyện lên 17,121ha…Đó là chưa kể diện tích sâm Ngọc Linh của các doanh nghiệp trên địa bàn khoảng hơn 300ha.
Bên cạnh đó, địa phương chú trọng phát triển các loại cây dược liệu khác như: sâm dây, sâm đương quy, sơn tra, ngũ vị tử... Như cây sâm dây, trong năm 2018, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, người dân đã trồng mới 16,84ha nâng tổng diện tích sâm dây toàn huyện hiện được gần 50ha.
Thực tế cho thấy, cũng nhờ sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác mà có nhiều hộ dân ở Tu Mơ Rông không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu. Chẳng hạn như gia đình chị Y Hlạng xã Măng Ri, chị Y Bắp xã Tê Xăng, A Hình xã Tê Xăng...
Không dừng lại ở phát triển nhỏ lẻ, huyện Tu Mơ Rông đang đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở các lĩnh vực: trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh; phát triển vùng dược liệu dưới tán rừng (đã được UBND tỉnh phê duyệt đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2015-2020).
Bên cạnh đó, UBND huyện Tu Mơ Rông tiếp tục chỉ đạo các phòng ban xây dựng kế hoạch cụ thể để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư theo danh mục các dự án thu hút đầu tư trên địa bàn huyện giai đoạn 2018-2020. Danh mục này có 6 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 252/QĐ-UBND ngày 9/3/2018. Cụ thể, thuê rừng để quản lý bảo vệ và phát triển rừng, kết hợp trồng chế biến các sản phẩm sâm Ngọc Linh (1.000ha); đầu tư phát triển vùng dược liệu sâm dây, sâm đương quy tập trung ngắn hạn với chế biến và liên kết chuỗi giá trị (1.000ha); đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trực tiếp sản xuất hoặc cho thuê lại đất, cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (50-100ha); xây dựng trang trại chăn nuôi heo gia công tập trung (10.000con, 50ha); phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và kinh doanh của tiểu thương (0,15ha); du lịch khám phá dãy núi Ngọc Linh - khối núi cao nhất miền Nam và giá trị bảo tồn đa dạng sinh học của khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (34.000ha).
“Huyện Tu Mơ Rông rất mong muốn và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm và tâm huyết, có các dự án phù hợp, đến địa bàn đầu tư vào các lĩnh vực mà địa phương có tiềm năng, lợi thế. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng năng lực sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập nhân dân trên địa bàn” – ông Vương Văn Mười khẳng định.
Quyết tâm và hướng đi đã có, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, Tu Mơ Rông sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua trong chặng đường phía trước. Nhưng với những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Tu Mơ Rông đạt được sau 14 năm dựng xây, phát triển, chúng ta vững tin rằng, với sự đoàn kết một lòng, kiên trì triển khai quyết liệt những hoạch định, tầm nhìn dài hạn đã đề ra có hiệu quả, sẽ góp phần từng bước đưa kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững và xây dựng Tu Mơ Rông trở thành một huyện giàu về kinh tế - xã hội, vững về quốc phòng - an ninh trong tương lai không xa.
Văn Phương