Tu Mơ Rông sau 10 năm xây dựng nông thôn mới
Sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần giúp kinh tế-xã hội của huyện Tu Mơ Rông có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, với đặc thù là huyện nghèo, xuất phát điểm thấp nên việc triển khai xây dựng nông thôn mới vẫn gặp nhiều trở ngại, rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn.
Kết quả bước đầu
Huyện Tu Mơ Rông bắt tay vào xây dựng nông thôn mới khi mới thành lập được 5 năm và lại là thời điểm vừa chịu thiệt hại nặng nề trong cơn bão số 9/2009. Bên cạnh đó, Tu Mơ Rông xây dựng nông thôn mới trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp chưa đa dạng, nguồn thu ngân sách hạn chế, đời sống của người dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao… Chính những điều trên là trở lực lớn làm cho việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn vốn đã khó khăn càng thêm khó khăn bội phần.
Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn hiệu quả theo đúng kế hoạch đề ra, Đảng bộ và chính quyền huyện đề ra phương hướng chỉ đạo triển khai một cách cụ thể dựa trên thực tế của địa phương, với cách làm bài bản, khoa học và tránh nóng vội chạy theo thành tích để kết quả mang lại thực chất và bền vững. Với phương châm chỉ đạo như trên, huyện Tu Mơ Rông bắt tay vào việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở các cấp; tiến hành công tác tuyên truyền, vận động; mở các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ ở địa phương cơ sở; tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và dạy nghề cho người dân khu vực nông thôn; phát động phong trào thi đua “Tu Mơ Rông chung sức xây dựng nông thôn mới”…
|
Những việc làm trên được triển khai theo trình tự trong quá trình triển khai, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, năng lực và tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Người dân đã tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất và tham gia hàng chục nghìn ngày công lao động làm các công trình nông thôn mới. Điển hình như ở xã Đăk Hà, mặc dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng khi được tuyên truyền, vận động, nhân dân sẵn sàng hiến 1.310m2 đất nông nghiệp và đất ở; người dân xã Đăk Tờ Kan đóng góp 107,36m2 ván khuôn…
Trong 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, huyện Tu Mơ Rông huy động được các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền hơn 171.163 triệu đồng. Trong đó, giai đoạn 2010-2015 là 43.835 triệu đồng, giai đoạn 2016-2020 là 127.328 triệu đồng (tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2010-2015).
Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, sự nỗ lực cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của người dân, nếu như năm 2011 trên địa bàn huyện mới đạt bình quân 1,45 tiêu chí/xã, năm 2015 là 6,64 tiêu chí/xã, thì đến nay đã nâng lên, đạt 9,73 tiêu chí/xã. Nếu như năm 2011 cả 11/11 xã trên địa bàn huyện đều đạt dưới 5 tiêu chí, thì nay không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Đáng mừng hơn, diện mạo nông thôn ở huyện Tu Mơ Rông từng bước khởi sắc hơn một phần là chính nhờ kết quả triển khai xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng cao.
Còn nhiều khó khăn
Dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong xây dựng nông thôn mới, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, đời sống kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của huyện Tu Mơ Rông vẫn còn nhiều khó khăn; kết quả đạt được trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn còn thấp, không như kỳ vọng.
Ngay ở xã Đăk Rơ Ông - xã được tỉnh chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới, cho đến nay cũng chỉ mới đạt 9 tiêu chí.
|
Ông Lâm Quang Huy - Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông cho biết, theo kế hoạch đến năm 2020, xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng đến nay hành trình để đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của địa phương vẫn còn khá chông gai. Cả hệ thống chính trị địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng với điều kiện của một xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn nên hiện nay địa phương vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt, cụ thể như: Tỷ lệ nhà ở đạt chuẩn chưa đảm theo quy định; thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 13 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo chiếm 43,42%... Do vậy, để hoàn thành kế hoạch đề ra là điều không phải dễ dàng đối với địa phương.
Không chỉ riêng xã Đăk Rơ Ông, các xã trên địa bàn huyện đều mới đạt từ 7-9 tiêu chí. Cụ thể, có 4 xã đạt 9 tiêu chí gồm Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Ngọc Lây, Đăk Rơ Ông; 4 xã đạt 8 tiêu chí là Ngọc Yêu, Măng Ri, Đăk Sao, Đăk Tờ Kan; 3 xã đạt 7 tiêu chí là Đăk Hà, Tê Xăng, Đăk Na.
|
Theo đánh giá của huyện Tu Mơ Rông, trên địa bàn huyện vẫn còn một số tiêu chí mà cả 11/11 xã chưa đạt. Như tiêu chí hộ nghèo, hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã và tính chung toàn huyện vẫn ở mức cao. Theo Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020 tối đa 7%, trong khi đó các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đều cao hơn 40%, nên rất khó đạt. Về tiêu chí tổ chức sản xuất cũng vậy, đến nay, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông chưa có xã đạt chuẩn tiêu chí này. Nguyên nhân là các hợp tác xã hoạt động trên địa bàn các xã đều mới thành lập dưới 2 năm, chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu theo quy định về khả năng tài chính. Bên cạnh đó, các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững trên địa bàn các xã mới triển khai, đang ở bước khởi đầu, chưa phát huy hiệu quả cao.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí tổ chức sản xuất mà hiện ở Tu Mơ Rông vẫn chưa xã nào đạt chuẩn tiêu chí nhà ở…
Với bộn bề khó khăn, trong chặng đường xây dựng nông thôn mới tiếp theo, ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, cả hệ thống chính trị địa phương và người dân Tu Mơ Rông phải tiếp tục nỗ lực, đồng sức, đồng lòng hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn và hoàn thành các tiêu chí chưa đạt theo yêu cầu của Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới đề ra…
Văn Phương