Tu Mơ Rông: Phát triển vùng nguyên liệu cà phê xứ lạnh theo hướng bền vững
Với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, những năm qua, người dân huyện Tu Mơ Rông đã phát huy thế mạnh điều kiện tự nhiên về khí hậu, địa hình để phát triển cà phê catimo xứ lạnh. Hiệu quả mang lại đã đưa cây cà phê này trở thành một trong những cây trồng chủ lực và được định hướng phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Đến nay, tổng diện tích cây cà phê xứ lạnh trên địa bàn là 1.457,1ha, tập trung nhiều ở các xã Ngọc Yêu (224,7ha), Măng Ri (261,7ha), Tê Xăng (216,1ha), Tu Mơ Rông (214,8ha), Ngọc Lây (257,8ha). Trong đó, diện tích trồng mới trong năm 2023 là 73,9ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 1.195,1ha, năng suất đạt 16 tạ/ha, sản lượng đạt 1.912,2 tấn.
Xã Măng Ri là một trong những địa phương phát triển mạnh diện tích cây cà phê xứ lạnh. Trong năm 2023, người dân đã trồng mới được 5ha, nâng tổng diện tích cà phê xứ lạnh trên địa bàn xã lên 261,7ha, cao nhất huyện Tu Mơ Rông.
|
Anh A Chen ở thôn Chung Tam là một trong những hộ trồng nhiều cà phê xứ lạnh ở xã Măng Ri. Từ sự hỗ trợ cây giống, phân bón, được tập huấn kĩ thuật của đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh 0,5ha ban đầu, gia đình anh nhận thấy hiệu quả đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Đến nay, gia đình anh đã có hơn 1ha cà phê xứ lạnh, mang lại nguồn thu vài chục triệu đồng mỗi năm.
“Tôi thấy cây cà phê xứ lạnh rất phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như trình độ canh tác của gia đình. Bởi vậy gia đình tôi đã đầu tư mở rộng diện tích, có nguồn thu ổn định. Cũng nhờ cây cà phê xứ lạnh mà gia đình tôi thoát được nghèo, có tiền dành dụm mua sắm các vật dụng đắt tiền, lo cho các con ăn học”- anh A Chen cho biết.
Theo ông Nguyễn Minh Trí- Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri, nhận thấy hiệu quả mang lại từ cây cà phê xứ lạnh, cùng với sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác, cây cà phê xứ lạnh là cây trồng chủ lực được người dân ở xã đầu tư trồng mới trong những năm gần đây. Trong năm 2024, xã phấn đấu trồng mới 25ha, nâng tổng diện tích cà phê xứ lạnh lên 286,7ha.
Xác định là cây trồng chủ lực, tạo cơ hội cho người dân thoát nghèo bền vững, huyện Tu Mơ Rông chủ trương phát triển mạnh diện tích trên địa bàn. Năm 2024, huyện phấn đấu nâng tổng diện tích cây cà phê xứ lạnh lên 1.687,1ha, trong đó diện tích trồng mới là 230ha. Một số xã sẽ tập trung vận động nhân dân trồng mới nhiều trong năm nay là: Ngọc Yêu (75ha), Đăk Hà (30 ha), Ngọc Lây (30ha), Tu Mơ Rông (25ha), Tê Xăng (25ha), Măng Ri (25ha).
Ông Dương Đăng Khoa- Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết: Để đạt mục tiêu trồng mới 30ha cà phê xứ lạnh trong năm 2024, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi những diện tích đất trồng mì lâu năm đã bị bạc màu cho hiệu quả kinh tế thấp, có điều kiện sinh thái phù hợp sang trồng cây cà phê xứ lạnh. Với hiệu quả cây cà phê xứ lạnh mang lại trong thời gian qua, người dân ở xã tích cực ủng hộ, đăng ký mở rộng diện tích, sẵn sàng cho vụ trồng mới.
|
Cùng với một số loại cây trồng khác, huyện xác định phát triển cà phê xứ lạnh là một trong những cây trồng chủ lực, tạo cơ hội cho người dân thoát nghèo bền vững. Theo ông Dương Thái Khoa- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số diện tích cà phê hiện có trên địa bàn năng suất thấp do thiếu chăm sóc và các tác nhân khác, huyện đã chỉ đạo các ban ngành, các xã vận động, hướng dẫn người dân cải tạo và phục hồi bằng các biện pháp như cưa đốn phục hồi, ghép cải tạo, tái canh để tiến hành triển khai khôi phục theo lộ trình đến năm 2025.
“Huyện có định hướng trong thời gian tới tập trung phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, sản xuất bền vững; đẩy mạnh việc thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác trong phát triển sản xuất, chế biến cà phê; hợp tác liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cà phê, giữa các hộ trồng cà phê với các doanh nghiệp, hợp tác xã; đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm cà phê thông qua hợp đồng tiêu thụ, từng bước hình thành các chuỗi sản xuất quả bền vững; thu hút các doanh nghiệp mới, củng cố phát huy vai trò của các doanh nghiệp sẵn có trong xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản lượng cà phê, thực hiện truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tạo thị trường tiêu thụ bền vững; lồng ghép các nguồn vốn để phục vụ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê trên địa bàn huyện. Điều đáng mừng là hiện tại đã có 3 doanh nghiệp vào lập dự án triển khai liên kết đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cà phê xứ lạnh và xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu”- ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết.
Phúc Nguyên