Tu Mơ Rông: Chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội
Xác định rõ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là nền tảng vững chắc phát triển kinh tế-xã hội, vì vậy, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ huyện Tu Mơ Rông đã xác định mục tiêu tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ cán bộ và nhân dân trên địa bàn.
Từ nghị quyết và tình hình thực tế của địa phương, thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã chú trọng, ưu tiên các nguồn vốn tập trung cho đầu tư cơ sở hạ tầng, nhờ đó, kết cấu hạ tầng toàn huyện, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, trường học khu vực nông thôn có nhiều thay đổi. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho huyện hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới.
Theo kết quả thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tu Mơ Rông, từ năm 2015 đến nay, hạ tầng giao thông trên địa bàn đã từng bước được đầu tư dần hoàn thiện. Hiện, tất cả 11/11 xã trên địa bàn huyện đã có đường đến trung tâm xã đi được hai mùa; các tuyến đường liên, nội thôn được đầu tư trên 75%. Cùng với đó, Tu Mơ Rông còn đang tập trung phát triển 8 tuyến đường đô thị với tổng chiều dài 13,59 km, trong đó, có hơn 10 km đường nhựa, 1,56 km đường bê tông nhựa, 2 km đường đất. Hiện nay, toàn huyện có hơn 110 km đường nội đồng, thì có đến trên 50% số đó đã được làm bê tông xi măng hoặc cấp phối đá dăm…tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa.
|
Đặc biệt, tuyến đường Tu Mơ Rông-Ngọc Yêu là tuyến đường huyện với tổng chiều dài 14,0 km bao năm không thể đi xe ô tô vào mùa mưa nhưng giờ đã được nhựa và bê tông hóa, đi lại thuận tiện. Tuy nhiên, trên tuyến đường này, hiện nay có một số đoạn do đầu tư nhiều năm nay và trải qua nhiều mùa mưa đang có dấu hiệu xuống cấp, không đáp ứng được sự gia tăng nhanh của các phương tiện giao thông, trong khi đó đây là tuyến đường nối thông với đường Ngọc Hoàng – Măng Bút – Tu Mơ Rông – Ngọc Linh.
Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng khác phục vụ phát triển kinh tế và sản xuất nông nghiệp cũng được huyện chú trọng đầu tư. Đến nay, toàn huyện Tu Mơ Rông đã có 38 công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích tưới thực tế là trên 785 ha, đáp ứng 64% nhu cầu diện tích. Tổng chiều dài kênh mương và đường ống dẫn nước là 117,1 km, trong đó có 50,65% đã được kiên cố hóa. Nhìn chung, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện chỉ mới đầu tư phần cụm công trình đầu mối và các tuyến kênh chính, còn hệ thống mương chân rết chưa được thực hiện kiên cố đồng bộ nên hiệu quả sử dụng chưa cao. Để chủ động nước tưới, người dân còn phải tận dụng nguồn nước tự nhiên từ nước mưa, sông suối để phục vụ canh tác.
Hệ thống điện cũng được đầu tư nâng cấp đáp ứng nhu cầu sinh hoạt sản xuất của nhân dân và toàn huyện hiện có trên 99 % số hộ được sử dụng mạng lưới điện quốc gia. Hiện nay, có 6 công trình thủy điện với công suất 69,2 MW đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Đó là thủy điện Đăk Psi 3 (công suất 15 MW), thủy điện Đăk Psi 4 (30MW), thủy điện Đăk Ter 1 (3,6 MW), thủy điện Đăk Ter 2 (3,4 MW), thủy điện Nước Lây (3,2 MW) và thủy điện Đăk Psi 2B công suất 14 MW. Các công trình khác là thủy điện Đăk Psi 1 (4MW) và thủy điện Đăk Psi 2 (3,4MW) đang đầu tư xây dựng và hoàn thiện để đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ. Các công trình thủy điện hoàn thành bán điện cho mạng lưới điện quốc gia đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách huyện (trên 80% nguồn thu ngân sách).
Ông Phạm Xuân Quang- Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tu Mơ Rông cho biết: Cùng với đầu tư hạ tầng kinh tế, phát triển hạ tầng xã hội cũng được huyện quan tâm, chú trọng, bố trí nguồn vốn đầu tư. Mạng lưới trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khu dân cư được đầu tư, nâng cấp khang trang, hiện đại, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất thiết yếu theo tiêu chí đạt chuẩn quốc gia. Qua đó, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ dần được hình thành, đáp ứng nhu cầu sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi diện mạo nông thôn tại các địa phương, góp phần thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tổng thể trên địa bàn huyện. Cụ thể, hạ tầng thương mại, xây dựng phát triển chợ trung tâm huyện, các cửa hàng thương mại tại trung tâm các xã. Ngoài ra, hệ thống cửa hàng trải rộng khắp các thôn, làng đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của người dân.
Về trường học, hiện toàn huyện có 32 trường từ mầm non đến trung học được đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Các thôn, làng xa trung tâm có điểm trường cũng được xây dựng kiên cố phục vụ nhu cầu học tập cho con em trên địa bàn huyện. Trạm y tế ở hầu hết các xã được đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Từ nguồn kinh phí nông thôn mới, các công trình nhà rông văn hóa, sân thể thao được triển khai trên tất cả 91 thôn đáp ứng nhu cầu hội họp sinh hoạt của thôn làng.
Nhìn chung, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư hàng năm. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển. Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư còn hạn chế. Tiến độ triển khai một số chương trình, dự án vẫn còn chậm so với kế hoạch...
Giai đoạn 2020-2025, bên cạnh nhiều mục tiêu đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội, Tu Mơ Rông xác định nhiệm vụ trọng tâm tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là ở khu vực đồng bào DTTS. Đây là nền tảng cơ sở quan trọng, nhằm đáp ứng sự phát triển ngày càng nhanh của nền kinh tế cũng như nhu cầu của nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội.
Hà Nam