Trồng dưa lưới thủy canh - Hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp
Phát huy kết quả từ những mô hình trồng bí Nhật, cà chua, dâu tây, mô hình thủy canh rau các loại…, hiện nay, Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen đang cùng với doanh nghiệp triển khai mô hình trồng dưa lưới thủy canh hồi lưu, bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Ông Phạm Thanh - Trưởng Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết: “Hiện nay, dưa lưới được trồng khá phổ biến. Tuy nhiên việc trồng bằng phương pháp thủy canh hồi lưu thì đây là lần đầu tiên được áp dụng trên địa bàn tỉnh. Trồng thủy canh có nhiều ưu điểm hơn so với cách trồng truyền thống, nhất là rất tiện cho việc chăm sóc”.
Mô hình trồng dưa lưới thủy canh hồi lưu được Công ty TNHH Rau hoa Phương Quỳnh Đà Lạt thực hiện thí điểm vào giữa tháng 3/2020 với gần 2.900 cây trên diện tích 1.000m² tại thôn Măng Đen, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông. Tổng chi phí để mua nhà màng, hệ thống thủy canh, bồn chứa nước, mô tơ, hệ thống điều hành xử lý, phân bón sinh học, cây giống… là hơn 600 triệu đồng.
Theo ông Ngô Nguyên Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Rau hoa Phương Quỳnh Đà Lạt, trồng dưa lưới thủy canh là kỹ thuật trồng cây bằng hệ thống chứa dung dịch dinh dưỡng với thành phần phù hợp được pha với nước, trong đó hoàn toàn không có chất kích thích sinh trưởng hay thuốc trừ sâu bệnh. Dung dịch này được bơm từ bể chứa lên hệ thống ống nhựa, sau đó được chảy qua hệ thống rễ của cây trồng và quay lại bể chứa thành một vòng tuần hoàn khép kín. Nhờ đó, mà cây có thể hấp thụ được các chất dinh dưỡng này.
|
Hiện có 2 cách trồng dưa lưới thủy canh đó là trồng thủy canh giá thể và thủy canh hồi lưu. Mô hình trồng thủy canh giá thể là cách trồng phổ biến được nhiều hộ dân và doanh nghiệp áp dụng. Còn mô hình trồng dưa lưới bằng công nghệ thủy canh hồi lưu vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều nông dân, doanh nghiệp, đặc biệt là ở tỉnh Kon Tum.
Theo ông Phạm Thanh, trồng dưa lưới theo mô hình thủy canh hồi lưu giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, năng suất cao hơn từ 40-50% và thời gian thu hoạch nhanh hơn 10 ngày so với trồng trên giá thể.
“Trồng dưa lưới theo mô hình thủy canh hồi lưu có thể tăng 5 vụ/năm thay vì 3 vụ/năm so với cách trồng truyền thống. Để quản lý 1 ha cây trồng chỉ cần 1 công nhân. Qua theo dõi tình hình phát triển của cây, công nhân có thể điều chỉnh, bổ sung dinh dưỡng cho cây theo mong muốn như tăng vân lưới trên bề mặt, tăng kích thước, trọng lượng hay tăng độ ngọt cho quả. Nó dễ dàng hơn rất nhiều so với trồng phương pháp giá thể. Đặc biệt, trồng giá thể còn có một số nấm bệnh từ giá thể nếu không xử lý kỹ, còn đối với mô hình trồng dưa lưới thủy canh hồi lưu thì bệnh tật dường như là không có” - ông Thanh chia sẻ.
Ông Thanh cũng lưu ý, tuy trồng trong nhà lưới không có sâu gây hại những trong quá trình chăm sóc cũng cần lưu ý về vấn đề thời tiết. Thời tiết mà có độ ẩm cao thì sẽ phát sinh bệnh, đặc biệt là bệnh phấn trắng, sương mai trên lá. Bệnh phấn trắng thường xảy ra ở giai đoạn cây giống từ 5 - 6 cặp lá trở lên. Để xử lý bệnh này cũng đơn giản, chỉ cần sử dụng biện pháp sinh học, biện pháp này không làm ảnh hưởng tới chất lượng của trái.
Hiện tại mô hình trồng dưa lưới thủy canh hồi lưu mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 5 - 7 lần so với các mô hình trồng theo phương pháp truyền thống. Ước tính sản lượng mỗi vụ thu về là 70 triệu đồng/1.000m², trong 1 năm trồng được 5 vụ, như vậy bình quân mỗi năm 1.000m² dưa lưới thủy canh thu được 350 triệu đồng.
Ông Ngô Nguyên Lộc cho biết thêm: “Trong thời gian tới, Công ty sẽ mở rộng quy mô thêm 6.000 cây trên diện tích 3.000m2 tại thôn Măng Đen”.
Hiệu quả ban đầu của mô hình trồng dưa lưới theo phương pháp thủy canh hồi lưu của Công ty TNHH Rau hoa Phương Quỳnh Đà Lạt đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp cho nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Quang Mạnh