Trở lại Mô Rai
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp trở lại xã Mô Rai, xã biên giới của huyện Sa Thầy để rồi lạc vào giữa màu xanh bạt ngàn của cao su, cà phê. Qua khỏi thị trấn Sa Thầy khoảng vài chục km đường rừng, chúng tôi đã nhìn thấy những lô cao su xanh ngắt che kín những quả đồi năm xưa phơi trần trong nắng gió. Thấp thoáng dưới những vườn cây ăn trái là những ngôi nhà của bà con các dân tộc Rơ Măm, Ja Rai và những người công nhân làm tại Công ty 78 (Binh đoàn Tây Nguyên). Thật khó khăn, vất vả nhưng sau hơn 5 tiếng đồng hồ đi từ thành phố Kon Tum, chúng tôi đã đến được trung tâm xã.
Tiếp chúng tôi tại Văn phòng UBND xã, Chủ tịch UBND xã Mô Rai- Hrách Láo phấn chấn cho biết: “Hơn 40 năm đất nước sống trong hòa bình cũng là chừng đó năm người dân ở nơi đây ra sức xây dựng và kiến thiết quê hương, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để làm cho mảnh đất này thêm đổi mới. Đến nay, người dân ở xã Mô Rai không những đã định canh, định cư, giãn dân tách hộ lập vườn mà còn có hộ giàu, hộ khá ngày một đông; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể”.
Để minh chứng cho lời nói của mình, đồng chí Chủ tịch UBND xã cử Chánh Văn phòng UBND xã dẫn chúng tôi đi thăm những vườn cao su tiểu điền xanh tốt bao quanh các làng KĐin, làng Kênh, làng Le... Tại đây, đồng chí Chánh Văn phòng UBND xã vừa nói như vừa khoe: Ở Mô Rai bây giờ cây lúa rẫy, cây mì không còn nhiều như trước mà cây cao su, bời lời và cà phê... mới đang lên ngôi. Toàn xã Mô Rai hiện có khoảng 3.580ha, trong đó, riêng diện tích cao su của người dân là 432ha (gần 100ha đã cho khai thác, theo kế hoạch năm 2019 sẽ trồng mới thêm khoảng 50ha nữa); 173ha bời lời; 75ha cây điều; 64ha mía; hơn 40ha lúa ruộng...
|
Cùng với phát triển cây công nghiệp, Mô Rai còn phát huy tiềm năng và thế mạnh mà thiên nhiên đã ban cho để phát triển kinh tế vườn nhà, vườn rừng và đẩy mạnh chăn nuôi. Tổng đàn trâu bò trên địa bàn xã khoảng 1.400 con, đàn heo khoảng 1.500 con, đàn dê hơn 300 con... Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 13 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2011.
Theo ông Hrách Láo, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bà con nông dân trong xã đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật và thâm canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, cà phê, bời lời nên thu nhập của một bộ phận người dân trong xã đã khá hẳn lên. Nhiều hộ gia đình đã có của ăn, của để, nhiều nhà đã có tích lũy để mua sắm các thiết bị trong nhà như: ti vi, tủ lạnh, xe máy và xây nhà kiên cố.
Nhìn những vườn cao su xanh mướt cho dòng nhựa trắng; những khu ruộng nước trải dài mát mắt; những đàn bò, đàn dê đi chật đường làng..., không ai còn nghi ngờ gì về thành tựu phát triển kinh tế ở nơi đây. Nhiều gia đình đã khấm khá lên nhờ vào vườn cao su, ruộng lúa như A Dói với 5ha cao su đã khai thác 3 năm nay; ông A Glá với 7ha cao su cũng bắt đầu cho khai thác; A De hơn 3ha; A Phít đã mạnh dạn chuyển 5ha ruộng bỏ hoang sang trồng mía..., cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Kinh tế ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở Mô Rai từng bước được nâng lên, bộ mặt của một xã biên giới được khởi sắc, bà con nhân dân trong xã đã quan tâm nhiều hơn đến học hành cho con em mình. Năm học 2018- 2019, xã đã vận động được gần 100% số trẻ trong độ tuổi ra lớp; không còn tình trạng học sinh bỏ học theo mùa rẫy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã được giữ vững…
Không thể kể hết niềm vui của người dân vùng sâu, biên giới Mô Rai hôm nay khi được Đảng, Nhà nước quan tâm làm đường, điện, nước sạch, công trình thuỷ lợi, hệ thống thông tin, xây trường lớp học, đưa kỹ thuật, giống mới, dạy cho đồng bào biết cách sản xuất thâm canh... Không những thế, các hộ nghèo còn được hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở.
Có thể nói, từ mảnh đất bị tàn phá, hủy diệt bởi chất độc hóa học trong chiến tranh, sau hơn 40 năm, Mô Rai đã bắt nhịp với bước đi lên của tỉnh. Những con người năm xưa theo Đảng đánh giặc giải phóng đất nước, nay trở về lặng lẽ sống, làm lụng và chăm chút đất đai làm nên sự hồi sinh kỳ diệu nơi vùng biên cương của tổ quốc.
Chia tay Mô Rai mỗi chúng tôi đều lưu lại được những hình ảnh đẹp trong buổi chiều cuối năm để làm niềm vui trong cuộc sống bộn bề nơi thành thị.
Mạnh Thắng