“Tín hiệu vui” từ hoạt động xuất khẩu nông sản
Trong những tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa nông sản của tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Đây là “tín hiệu lạc quan”, mở ra nhiều kỳ vọng cho xuất khẩu nông sản trong năm 2024.
Theo thống kê của Sở Công thương, trong quý I/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 78 triệu USD, tăng 8,33% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu nông sản là một điểm sáng trong “bức tranh xuất khẩu”, với nhiều mặt hàng như cao su, tinh bột sắn, cà phê, chuối gặp thuận lợi trong xuất khẩu vào cả thị trường truyền thống và các thị trường mới.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cao su đạt 61,885 triệu USD, tinh bột sắn đạt 13,458 triệu USD, mặt hàng cà phê đạt 0,157 triệu USD. Ngoài việc tạo dựng được “chỗ đứng” ở thị trường truyền thống là Trung Quốc; các mặt hàng này còn vươn ra nhiều thị trường mới như Anh, Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ, Tây Ban Nha, Indonesia, Ấn Độ, Italia, Đức, Đài Loan, Philipines, Nhật, Colombia, Israel, Yemen.
|
Thời gian qua, với nhiều chính sách hỗ trợ, nguồn lực đầu tư của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương, tỉnh ta đã xây dựng được một số vùng nguyên liệu nông sản đạt chuẩn, đáp ứng các tiêu chí phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, một số mặt hàng trái cây tươi của tỉnh đã góp mặt trong danh mục hàng hóa nông sản thời gian gần đây, đặc biệt là mặt hàng chuối. Tính riêng trong quý I, giá trị kim ngạch xuất khẩu chuối của tỉnh đạt 0,3 triệu USD.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 18 mã số vùng trồng cây ăn trái phục vụ xuất khẩu với diện tích 325,39ha; 2 mã số cơ sở đóng gói gồm 1 cơ sở đóng gói chuối và 1 cơ sở đóng gói chanh leo.
|
Hiện nay, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xem xét đàm phán với nước nhập khẩu cấp mã số cho 11 mã số vùng trồng với diện tích 220ha; trong đó, có 10 vùng trồng sầu riêng với diện tích 209ha và 1 vùng trồng chanh dây với diện tích 11ha. Các mặt hàng trái cây chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.
Mặc dù chưa chiếm tỷ trọng lớn, nhưng kết quả bước đầu này cho thấy sự nỗ lực của các ngành chức năng, sự năng động của các doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa ngành hàng, tìm kiếm những hướng đi mới để đưa hàng hoá nông sản của tỉnh ra thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương liên quan tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu cao su, cà phê, tinh bột sắn đã chủ động tổ chức sản xuất, mạnh dạn đầu tư, hoàn thiện cơ sở sản xuất để từng bước nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm; nhạy bén trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Sở Công thương tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia hội nghị, hội thảo, hội chợ xúc tiến thương mại nhằm kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cùng với việc xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp rất quan tâm đến việc mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, đưa hàng hóa của tỉnh đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố lớn trong nước.
Hiện nay, mặt hàng rau, hoa xứ lạnh, trái cây tươi của tỉnh ta được xuất bán nhiều tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai.
Hiện tại, toàn tỉnh có 6 mã số vùng trồng trái cây với diện tích 66,5ha, khoảng 400ha rau, hoa sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa.
“Sở Công thương sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, định vị thương hiệu cho các mặt hàng nông sản có lợi thế của tỉnh để xuất khẩu. Đồng thời, theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản, kịp thời thông báo đến các doanh nghiệp để chủ động, linh hoạt tổ chức sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh kết nối giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhằm giúp các đơn vị trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau trong xuất khẩu. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để giảm thiểu chi phí cho các hoạt động quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm, hàng hóa đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”- ông Nguyễn Thanh Hùng khẳng định.
“Tín hiệu vui” từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vượt khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng thì chính những người sản xuất và doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu... để hoạt động xuất khẩu nông sản thực sự bền vững.
Thùy Hương